Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục linh hoạt, khéo léo

Kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng. Căng thẳng địa chính trị, thương mại gia tăng… Trong bối cảnh đó, việc NHNN thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu, vừa phải cân bằng giữa các mục tiêu vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng là rất khó khăn.

Uyển chuyển trong điều hành

Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia NHNN đã rất khéo léo, ứng xử uyển chuyển, linh hoạt trong điều hành, tùy vào tình hình thực tế mà có sự điều tiết phù hợp để đạt được mục tiêu, qua đó góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, vị thế đồng VND, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tích cực hơn, tăng lòng tin vào các nhà đầu tư nước ngoài.

Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết, điều hành chính sách tiền tệ đạt được kết quả nổi bật và được phản ánh trên 3 phương diện chính.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ đã thực hiện tốt vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối... Trong bối cảnh nhiều NHTW trên thế giới thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, một mặt NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành, mặt khác hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Quyết định đi ngược chiều với chính sách tiền tệ thế giới của NHNN được đánh giá là phù hợp, bởi nếu NHNN giảm thêm lãi suất có thể sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.

Kết quả này đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh đồng đô la Mỹ biến động mạnh và các đồng tiền mạnh mất giá, giá vàng thế giới biến động... Tất cả những yếu tố này đã tạo ra áp lực lớn lên tỷ giá và giá trị tiền đồng VND, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn.

Nhờ đó, dù gặp phải nhiều khó khăn và tác động từ bên ngoài, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước vẫn được giữ vững ổn định. Lạm phát cũng được kiểm soát đúng mức theo định hướng điều hành của NHNN và các chỉ tiêu của Chính phủ. Đây có thể coi là một thành công quan trọng trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2024. Bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô trong suốt nhiều năm qua, với sự “cầm cân” của chính sách tiền tệ, là yếu tố quan trọng củng cố niềm tin của người dân và nhà đầu tư, cũng như tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng là cơ sở nền tảng để thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách tài chính khác và sự phát triển của thị trường tài chính trong năm 2024, cũng như hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, chính sách tiền tệ đã thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt trong năm 2024, yêu cầu này đòi hỏi sự linh hoạt và phản ứng kịp thời của chính sách, khi mức độ và thứ tự ưu tiên thay đổi, chuyển từ việc hỗ trợ tăng trưởng sang thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Điều này yêu cầu chính sách lãi suất và tăng trưởng tín dụng phải được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.

Sự linh hoạt trong điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng cùng với việc sử dụng hiệu quả hạn mức tín dụng cũng đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024. Ngoài ra, các chính sách cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và các gói tín dụng hỗ trợ thị trường cũng đã mang lại kết quả tích cực.

Mặc dù năm chưa kết thúc, nhưng các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP, xuất khẩu, kiều hối và thu hút đầu tư nước ngoài cùng với sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển ở nhiều lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, du lịch, nông - lâm - thủy sản trong 11 tháng qua đã phản ánh rõ hiệu quả của chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN trong năm 2024.

Thứ ba, các hoạt động về phát triển ngân hàng số, ngân hàng xanh đã và đang có chuyển biến tích cực, được phản ánh bằng những kết quả cụ thể về chất lượng dịch vụ ngân hàng, thanh toán với khả năng an toàn, bảo mật và mức độ số hóa ngày càng cao…

Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, những kết quả điều hành chính sách tiền tệ đạt được trong năm 2024 sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển trong năm 2025 - năm mà ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, giới chuyên môn dự báo năm 2025 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn từ kinh tế toàn cầu. Vì vậy, ngoài việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, NHNN cần chuẩn bị các kịch bản dự phòng để chủ động ứng phó với sự bất định này.

Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, sự thay đổi chính sách của Mỹ từ khi Donald Trump chính thức nắm quyền có thể tác động tới hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam. Nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong tăng trưởng. Thêm vào đó, khu vực FDI đóng góp trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể chứng kiến sự dịch chuyển dòng đầu tư. Tất cả điều đó sẽ tạo áp lực đáng kể tới kinh tế Việt Nam nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.

Để ứng phó, NHNN cần chuẩn bị các kịch bản dự báo và biện pháp đối phó như kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ lãi suất. Theo giới chuyên môn, vấn đề quan trọng nhất là cơ quan quản lý cần lưu tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trước, sau đó mới đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Trường hợp phải lựa chọn giữa ổn định và tăng trưởng, ưu tiên phải là ổn định, chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn nhưng bền vững. Nếu chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, nền kinh tế có thể đối mặt với tình trạng tăng trưởng nóng, lạm phát, tỷ giá leo thang và bất ổn kinh tế vĩ mô, dẫn đến rủi ro bong bóng tài sản tài chính”, PGS.TS. Huân khuyến nghị và thêm rằng, trong điều hành tín dụng, NHNN cần tập trung vào chất lượng tín dụng hơn là số lượng. Theo định hướng này, room tín dụng nên được điều chỉnh theo tình hình thực tế, không cần thiết phải cố gắng đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm, và dòng tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực sự, đồng thời hạn chế việc vốn chảy vào các kênh đầu cơ.

Về phía cơ quan điều hành, NHNN cho biết, trong năm 2025 sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường và tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ một cách kịp thời và hiệu quả. NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Công tác điều hành sẽ được thực hiện một cách chủ động và linh hoạt, phù hợp với biến động của nền kinh tế vĩ mô. NHNN tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, từ đó hỗ trợ cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Cùng với đó, lãi suất và tỷ giá sẽ được điều hành đảm bảo phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-tiep-tuc-linh-hoat-kheo-leo-158783.html
Zalo