Điều gì xảy ra nếu ông Trump thỏa thuận với ông Putin về Ukraine?
Điều gì xảy ra nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump đi đến một thỏa thuận với ông Putin về cuộc xung đột ở Ukraine và châu Âu đang ở vị trí nào trên bàn cờ chiến lược này?
Thỏa thuận giữa ông Trump và ông Putin có gì?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng hứa sẽ chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine ngay trong ngày đầu nhậm chức nhưng ông vẫn chưa nêu cụ thể về cách thức thực hiện. Tuy nhiên, việc chấm dứt xung đột không hề đơn giản. Ngay cả khi đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều này không có nhiều ý nghĩa nếu thỏa thuận không có Ukraine và châu Âu tham gia. Thậm chí, nó không có nghĩa là xung đột sẽ kết thúc.
Giới quan sát phương Tây cho rằng, rủi ro thực sự không phải là viễn cảnh thỏa thuận giữa ông Trump và ông Putin được ký kết mà không có Ukraine hay châu Âu mà là Điện Kremlin sẽ lợi dụng mong muốn đạt được thỏa thuận của ông Trump để giành được nhượng bộ từ phía Mỹ, chia rẽ phương Tây và làm suy yếu sự ủng hộ cho Ukraine.
Theo đó, cốt lõi của thỏa thuận Trump - Putin có thể bao gồm việc Mỹ ngừng hỗ trợ tư cách thành viên NATO của Ukraine, cam kết Ukraine giữ tình trạng trung lập, công nhận các vùng lãnh thổ Nga sáp nhập, chấm dứt trừng phạt và hạn chế hỗ trợ quân sự cũng như các hỗ trợ khác cho Kiev. Đổi lại, Nga có thể cam kết ngừng bắn và dừng các cuộc tấn công tên lửa cũng như UAV nhằm vào Ukraine. Một khu vực phi quân sự dọc theo ranh giới hiện tại sẽ tách biệt các lực lượng.
Hiện không rõ Tổng thống Putin có chấp nhận một thỏa thuận như vậy không khi xét đến các mục tiêu rộng lớn hơn của ông. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Nga có thể chấp nhận vì những lý do chiến thuật để củng cố các thành quả lãnh thổ của mình, cũng như tái vũ trang và tập hợp lực lượng. Những sức ép về tài chính do lệnh trừng phạt gây ra cũng có thể thúc đẩy Moscow đi đến một thỏa thuận. Hơn nữa, theo Foreign Policy, việc đồng ý trực tiếp với Washington về các vấn đề an ninh châu Âu chính xác là cách Tổng thống Putin muốn thế giới vận hành.
Tuy nhiên, cũng hoàn toàn có khả năng ông Putin và ông Trump không đạt được thỏa thuận. Ngay cả khi ông Trump không quan tâm nhiều đến bản chất của một giải pháp thì việc chấp nhận tất cả các yêu cầu của ông Putin sẽ khiến ông trông có vẻ yếu đuối và Ukraine phải chịu thất bại trong chính nhiệm kỳ của ông. Ngoài ra, ông Putin tin rằng Nga đang giành chiến thắng. Điện Kremlin hiểu cuộc xung đột này tốn kém và diễn ra chậm nhưng nó có tiến triển. Ukraine đang trở nên suy yếu và quyết tâm ủng hộ của phương Tây đang giảm dần. Câu hỏi mà Nga đặt ra là tại sao họ phải đồng ý một thỏa thuận ngay bây giờ khi có thể đạt được nhiều thành quả hơn trên chiến trường? Trên thực tế, càng chiếm được nhiều lãnh thổ thì vị thế của Nga càng mạnh hơn và họ có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn trong tương lai.
Một lệnh ngừng bắn cũng có thể được Nga coi là trao cho Ukraine một khoảng dừng chiến thuật. Có quan điểm ở Moscow cho rằng các thỏa thuận Minsk năm 2014 là sai lầm vì chúng đã cho Ukraine thời gian quý báu để hiện đại hóa lực lượng vũ trang với sự hỗ trợ từ các nước thành viên NATO. Nga có thể không muốn mạo hiểm một kịch bản như vậy.
Nếu Tổng thống Putin từ chối thỏa thuận, ông Trump - người luôn sợ bị coi là yếu đuối - có thể gây áp lực buộc ông Putin phải thay đổi quyết định. Ông Trump sẽ quan tâm đến việc ngăn chặn một chiến thắng toàn diện cho Nga ở Ukraine. Vẫn còn một bộ phận đáng kể các quan chức đảng Cộng hòa, trong đó có các nghị sĩ và một số trợ lý thân cận của ông Trump ủng hộ Ukraine và có thái độ cứng rắn với Nga.
Theo Foreign Policy, chính quyền ông Trump có thể gây áp lực lên Nga bằng cách hợp tác với Saudi Arabia để tác động lên thị trường dầu mỏ toàn cầu và làm giảm doanh thu xuất khẩu của Nga. Người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia - Mike Waltz đã đề xuất phương án này để làm tê liệt nền kinh tế Nga. Các lệnh trừng phạt nặng nề hơn cũng có thể được áp dụng. Ngoài ra, cũng có một kịch bản khác là ông Trump tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine và dỡ bỏ thêm các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công Nga. Bằng cách thay đổi cán cân quyền lực trên chiến trường, ông Trump sẽ cố gắng tạo ra các điều kiện cho một thỏa thuận.
Điều gì xảy ra nếu Ukraine và châu Âu bị gạt sang lề?
Vấn đề đối với ông Trump là một thỏa thuận với ông Putin mà không có sự tham gia của Ukraine và châu Âu sẽ không có nhiều ý nghĩa. Ngay cả khi Washington từ chối ủng hộ tư cách thành viên NATO trong tương lai của Ukraine và thay vào đó ủng hộ tình trạng trung lập thì Ukraine và châu Âu có thể không chấp nhận điều đó. Một thay đổi chính thức với chính sách mở cửa của NATO, trong đó không có quốc gia nào bị cấm gia nhập vĩnh viễn, sẽ đòi hỏi sự đồng thuận giữa các thành viên.
Ngoài ra, nếu Mỹ công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng chính thức thuộc về Nga nhưng Ukraine và châu Âu không chấp nhận thì vấn đề này sẽ bước vào “vùng hoàng hôn” pháp lý. Một thỏa thuận đạt được không có nghĩa là xung đột chấm dứt nếu Ukraine tiếp tục chiến đấu bằng vũ khí và đạn dược họ tự sản xuất cũng như nhận được từ các đối tác châu Âu.
Châu Âu - trừ một số trường hợp ngoại lệ như Thủ tướng Hungary Vikor Orban - sẽ phản đối việc công nhận các lãnh thổ mà Nga chiếm được ở Ukraine, cũng như phản đối việc áp đặt quy chế trung lập cho Ukraine.
Tổng thống đắc cử Trump có thể sẽ thúc ép Ukraine và châu Âu chấp nhận thỏa thuận. Ông sẽ sử dụng viện trợ quân sự làm đòn bẩy với Kiev và cam kết của Mỹ với NATO để làm đòn bẩy với châu Âu. Ông có thể đề xuất việc chấp nhận thỏa thuận về Ukraine hoặc nếu không, Mỹ sẽ rút khỏi NATO và không tuân thủ Điều 5.
Tuy nhiên, ngay cả đòn bẩy này cũng có thể không đủ để buộc Ukraine và châu Âu phải tham gia. Sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine đang tăng nhanh chóng. Sản xuất vũ khí và đạn dược của châu Âu cũng gia tăng. Tất cả những điều này ít nhất có thể bù đắp một phần cho việc chấm dứt viện trợ quân sự của Mỹ.
Về cam kết của ông Trump với NATO và Điều 5, châu Âu đã dự đoán được sự dao động của Mỹ kể từ lần đầu tiên ông làm tổng thống. Việc tăng chi tiêu quốc phòng trên khắp châu lục là dấu hiệu cho thấy châu Âu đang bắt đầu nhận ra rằng họ cần chịu trách nhiệm lớn hơn cho ngành quốc phòng của mình trong thế giới mà ông Trump quay trở lại.
Nếu Ukraine và châu Âu từ chối thỏa thuận giữa ông Trump và ông Putin, cuộc xung đột sẽ tiếp diễn, việc sáp nhập của Nga sẽ vẫn không được Kiev và hầu hết các nước châu Âu công nhận. Các nhà quan sát cho rằng, cuối cùng kết quả là xung đột sẽ chưa thể chấm dứt và sự hỗn loạn trong phương Tây sẽ có lợi cho Nga
Giới phân tích nhận định, rủi ro không phải là một thỏa thuận tồi mà là ông Putin sẽ lợi dụng ông Trump như một cách để làm suy yếu sự thống nhất và ủng hộ của phương Tây cho Ukraine. Với một phương Tây suy yếu, Nga sẽ tiến gần hơn đến việc đạt được các mục tiêu ở Ukraine và tái thiết trật tự an ninh toàn cầu. Theo cách này, họ cho rằng những nỗ lực của ông Trump nhằm đạt được thỏa thuận sẽ khuyến khích Nga giả vờ đàm phán trong khi vẫn tiếp tục chiến đấu.
Nỗ lực tham gia của châu Âu
Trước kịch bản ông Trump và ông Putin tiến hành thỏa thuận trong khi châu Âu bị gạt sang một bên, các nhà phân tích cho rằng các nước EU cần có sự chuẩn bị để có tiếng nói về vận mệnh của mình.
Đầu tiên, châu Âu cần tăng chi tiêu quốc phòng ngay bây giờ, bao gồm cam kết với mức chi tối thiểu mới là 3% GDP. Ngoài ra, theo học giả Fredrik Wesslau thuộc Trung tâm Stockholm về Nghiên cứu Đông Âu nhận định trên Foreign Policy, mỗi quốc gia nên dành 0,5% GDP của mình để hỗ trợ quân sự Ukraine. Việc gánh vác nặng hơn sẽ tạo cho châu Âu nhiều không gian hơn để xoay xở trước thỏa thuận giữa ông Trump và ông Putin cũng như khả năng Mỹ rút khỏi NATO. Ngoài ra, việc tịch thu 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga, phần lớn trong số đó nằm ở châu Âu cũng là một cách nhanh chóng để có thêm tiền cho vũ khí và đạn dược.
Các nhà phân tích cũng nhận định châu Âu cần phát huy vai trò chủ động hơn của mình bằng cách điều động quân đội tới Ukraine với tư cách là huấn luyện viên và cố vấn, cũng như triển khai các hệ thống phòng không đến các quốc gia tiền tuyến, nơi họ có thể ngăn chặn tên lửa và UAV Nga trên bầu trời Ukraine. Điều này sẽ mang lại cho châu Âu nhiều đòn bẩy hơn đối với bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai và có thể là vai trò của quân đội châu Âu trong việc giám sát lệnh ngừng bắn.
Bên cạnh đó, theo giới quan sát, Washington cần châu Âu để đối phó với Bắc Kinh, nhưng nếu ông Trump không sẵn sàng giúp đỡ về an ninh cho châu Âu, thì châu Âu có thể tuyên bố rõ rằng họ không quan tâm đến việc hợp lực để đối phó với Trung Quốc. Giống như ông Trump, để bảo vệ lợi ích của mình, châu Âu phải sẵn sàng tham gia vào các cuộc mặc cả giao dịch khó khăn.