Điều gì xảy ra khi chúng ta ngừng phán xét?
Không phán xét không có nghĩa là bạn để não hay trực giác ở nhà, từ chối tiếp nhận thông tin hay những dấu hiệu; nó chỉ có nghĩa là chúng ta nên cố gắng không phán xét mọi thứ nhỏ nhặt.
Chúng ta không bao giờ ngừng phán xét
Những phán xét của chúng ta có thể gây ra vô vàn đau khổ vì ta không ngừng vô thức phân loại mọi thứ. Chúng ta bơi trong một biển tiêu cực, những thiên kiến nhận thức của chúng ta thường nghiêng về thái cực bi quan, nhưng theo phép thử kiểm soát, nó không cần phải như vậy. Đó là vì chúng ta có thể luôn luôn kiểm soát phản ứng của mình đối với sự việc bên ngoài.
Hãy bắt đầu với một ngày bình thường. Bạn thức giấc, và tùy thuộc vào việc đêm hôm trước bạn có ngon giấc hay không hoặc những gì đang chờ bạn trong ngày hôm nay, tâm trí bạn đã bắt đầu điên cuồng dán nhãn cảm giác của bạn ngay từ phút đầu tiên ngủ dậy. Nếu ngủ không ngon, vừa mơ thấy những giấc mơ kỳ lạ vừa bị đau lưng, có thể bạn đã dán nhãn những trải nghiệm của mình là “xấu” rồi.
Bạn lăn qua, chụp điện thoại, xem tin tức, thời tiết, và mạng xã hội. Tệ quá. Tệ quá. Tệ quá. Trên trang tin tức - gần như lúc nào cũng toàn những vấn đề tồi tệ của thế giới - bạn thấy rằng một cuộc chiến đang gây ra vô vàn hỗn loạn và chết chóc. Dự báo thời tiết cảnh báo trời nhiều mây và mưa lớn buổi chiều. Tâm trạng bạn càng xấu đi. Bao giờ thì đợt mưa này mới chấm dứt đây?
Rồi trên mạng xã hội, bạn thấy một quan điểm mình đăng trên Twitter bị hiểu nhầm, và giờ bạn trở thành mục tiêu công kích. Ngay lập tức bạn rơi vào trạng thái phòng thủ giống như đang bị vây hãm. Bạn chuyển sang tab khác và thấy mình được khen ngợi về một dự án chung trong email gửi cho các nhân viên trong công ty. Bỗng nhiên bạn cảm thấy sung sướng. Sau đó, bạn xem số dư tài khoản ngân hàng. Lương về rồi! Tốt quá!
Thậm chí trước cả khi gặp gỡ bất kì ai - trước cả khi rời khỏi giường! - bạn đã đưa ra tới nửa tá phán xét làm thay đổi cảm giác về ngày hôm đó. Nhưng trong thực tế, bạn có thực sự cần phải phán xét như vậy không? Chẳng phải rất nhiều những điều chúng ta gặp phải là hoàn toàn trung tính? Chẳng lẽ chúng ta không thể đơn giản thừa nhận sự tồn tại của chúng và để chúng trôi qua mà không dán nhãn?

Cuộc sống luôn tồn tại sự phán xét, định kiến. Ảnh: Gilljacksoncounselling.
Nếu không đưa ra phán xét về thứ gì đó, chúng ta ít có khả năng nghiền ngẫm về nó hơn (trong trường hợp đó là một điều “xấu”) hoặc khư khư bám chặt lấy nó (trong trường hợp đó là điều “tốt” - ví dụ như được sếp hoặc khách hàng khen).
Khi không phán xét hoặc phán xét ít hơn, chúng ta có thể thoải mái để mặc cho cuộc sống diễn ra, đồng thời trải nghiệm mọi thứ theo cách cởi mở, không phản ứng lại. Những công việc, mối quan hệ với người khác hay trải nghiệm cuộc sống trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn thôi phán xét từ những việc nhỏ nhặt nhất. Chúng không nằm lại trong tâm trí bạn. Vào ngày thứ Năm, chúng ta không tiếp tục ngẫm nghĩ về một vấn đề của ngày thứ Hai, và điều khiến ta phật ý đã trôi qua từ lâu rồi.
Đơn giản vậy thôi: khi không còn dán nhãn cho mọi việc nữa, cuộc sống bỗng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nó đơn giản cứ thế diễn ra. Cái này tiếp nối cái kia, còn chúng ta thì không còn bị mắc kẹt. Hãy thử nghĩ xem công việc của bạn sẽ thoải mái hơn bao nhiêu khi bạn không còn coi đồng nghiệp là đối thủ, cấp trên là quái vật, còn nhiệm vụ được giao là một gánh nặng nhàm chán.
Không phán xét không có nghĩa là bạn để não hay trực giác ở nhà, từ chối tiếp nhận thông tin hay những dấu hiệu; nó chỉ có nghĩa là chúng ta nên cố gắng không phán xét mọi thứ nhỏ nhặt.