Điều gì khiến Thụy Sĩ trở thành quốc gia thu hút nhân tài tốt nhất thế giới?
Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu của trường kinh doanh INSEAD, Thụy Sĩ là quốc gia đứng số 1 thế giới năm 2023. Đáng chú ý là, quốc gia châu Âu này đã giữ ngôi vương trong suốt 10 năm liên tiếp nhờ chế độ an sinh xã hội cao và chất lượng môi trường tự nhiên…
Thỏi nam châm thu hút nhân tài
Theo báo cáo của INSEAD, sự thịnh vượng của một quốc gia là yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh nhân tài của quốc gia đó. Thụy Sĩ luôn được xếp hạng cao về chỉ số chất lượng cuộc sống toàn cầu, nổi tiếng với phong cảnh đẹp như tranh vẽ, môi trường trong lành, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyệt vời và cơ sở hạ tầng phát triển tốt. Chất lượng cuộc sống cao này là điểm thu hút đáng kể đối với các chuyên gia đang tìm kiếm một môi trường sống đáng mơ ước.
Mặc dù cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao, nhưng thụy Sĩ có nhiều lợi thế trong thu hút lao động tiên tiến. Thụy Sĩ là thỏi nam châm thu hút lao động nước ngoài, nhất là ở châu Âu, điều đó có nghĩa là các công ty tuyển nhân tài thực sự có thể khai thác để mở rộng ra ngoài biên giới quốc gia. Từ góc độ hành chính, tuyển dụng công dân EU là một quá trình đơn giản và suôn sẻ. Mặc dù có diện tích nhỏ (có diện tích bằng diện tích của Massachusetts và Vermont cộng lại), Thụy Sĩ có môi trường kinh doanh thuận lợi, là nơi đặt trụ sở chính của khoảng 850 công ty đa quốc gia bao gồm HP, Logitech, Cisco, Electronic Arts, Schindler, Oracle hay Nestlé. Những điều này chắc chắn mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người nước ngoài. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Thụy Sĩ liên tục đứng đầu chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu, một báo cáo tiêu chuẩn hàng năm do trường kinh doanh INSEAD công bố, xếp hạng các quốc gia dựa trên khả năng phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài.
Ở Thụy Sĩ, người lao động mong muốn được tham gia vào giáo dục và đào tạo nâng cao, còn người sử dụng lao động có xu hướng nâng cao kỹ năng của người lao động và giúp họ phát huy hết tiềm năng của mình.
Vùng đất đổi mới
Theo các nhà kinh tế, Thụy Sĩ được coi là vùng đất đổi mới với nhiều lĩnh vực chính thúc đẩy nền kinh tế. Thực sự, có nhiều công nghệ và kỹ thuật cao đang thực hiện ở nước này. Thụy Sĩ là quê hương của nhiều “nhà vô địch tiềm ẩn” - những nhà cung cấp thành công trên toàn cầu, mang lại lợi nhuận cao cho các sản phẩm B2B công nghệ cao, chẳng hạn như linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô hoặc công nghệ thông tin. B2B (Business to business - doanh nghiệp tới doanh nghiệp) là loại hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau. Các công ty hàng tiêu dùng và hàng xa xỉ cũng có đại diện tốt, giống như các công ty hoạt động trong lĩnh vực khoa học đời sống, tiền điện tử và tài chính. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là Thụy Sĩ được coi là nơi lý tưởng để mở rộng ra quốc tế và bao trùm châu Âu, Trung Đông, châu Phi và nhiều khu vực khác.
Mặc dù sô cô la, các ngân hàng tư nhân và đồng hồ vẫn khẳng định hình ảnh của Thụy Sĩ ở nước ngoài, đất nước này cũng được biết đến nhiều hơn nhờ đổi mới. Năm 2021, các công ty Thụy Sĩ tiếp tục nộp nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế nhất thế giới trên một triệu dân (969), gấp bảy lần so với các công ty ở Mỹ (140). Nước này đầu tư 3,4% GDP vào R&D, chỉ sau Hàn Quốc và Israel. Bối cảnh khởi nghiệp quốc gia cũng rất năng động và sôi động, với 50.000 công ty khởi nghiệp và 400 công ty mới được thành lập mỗi năm.
Chi phí lao động cạnh tranh
Thụy Sĩ vốn nổi tiếng là quốc gia đắt đỏ. Dẫu vậy, theo nhiều nhà phân tích, nếu chỉ nhìn vào mức lương, chi phí sinh hoạt, người ta có thể thấy con số thực sự cao hơn ở những nơi khác, tuy nhiên nếu xem xét chi phí đầy đủ - bao gồm an sinh xã hội, năng suất và các chi phí liên quan, Thụy Sĩ không đắt đến thế. Mặc dù nước này không phù hợp với các chức năng cấp thấp hay bình thường, nhưng rõ ràng họ có tính cạnh tranh cao đối với các vai trò có giá trị lớn.
Hơn nữa, mức lương cao hơn thường gắn liền với sự gắn kết và giữ chân người lao động, nhất là hiền tài tốt hơn. Do được hưởng mức lương xứng đáng, các nhân viên tương lai ở Thụy Sĩ sẽ coi trọng hơn các yếu tố khác, chẳng hạn như văn hóa công ty, sự liên kết giá trị và khả năng được làm điều thực sự yêu thích. Thực tế, ở Thụy Sĩ, lương thưởng không phải là tiêu chí hàng đầu để mọi người xem xét khi đánh giá sự thay đổi nghề nghiệp. Nhiều người nước này gắn bó với công việc của mình suốt cả thập kỷ.
Ngoài ra, nhiều người đồng tình rằng chất lượng cao của hệ thống đào tạo nghề và học nghề của Thụy Sĩ là thế mạnh cơ bản của nền kinh tế và thị trường lao động của nước này. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc, khoảng 2/3 thanh niên ở Thụy Sĩ chọn tham gia đào tạo nghề, một con đường có thể coi là bước đệm cho sự nghiệp cũng như bằng cấp học thuật. Các khóa đào tạo nghề tập trung vào các trình độ chuyên môn thực sự có nhu cầu và các công việc hiện có, từ phục vụ ăn uống cho đến các ngành công nghệ cao. Hệ thống giáo dục kép này tạo ra sự quan tâm lớn của nhân tài quốc tế…
Ngoài những yếu tố trên, Thụy Sĩ còn là quốc gia đa ngôn ngữ với 4 ngôn ngữ chính thức gồm tiếng các nước: Đức, Pháp, Italy và Romansh. Sự đa dạng về ngôn ngữ đã tạo được một môi trường thân thiện, nâng cao sức hấp dẫn của đất nước đối với lực lượng lao động toàn cầu. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ tích cực tham gia vào mạng lưới và hợp tác quốc tế. Sự cởi mở của đất nước đối với các mối quan hệ đối tác toàn cầu và vị trí trung tâm ở châu Âu khiến đất nước này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các chuyên gia coi trọng cơ hội tiếp xúc và kết nối quốc tế. Chưa hết, Thụy Sĩ nổi tiếng với việc thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống. Người lao động tại đây ưu tiên thời gian giải trí và các hoạt động ngoài trời, góp phần xây dựng nền văn hóa coi trọng hạnh phúc và lối sống cân bằng. Thụy Sĩ còn được biết đến với sự ổn định chính trị và tính trung lập. Sự ổn định này tạo ra một môi trường an toàn, cả về an toàn cá nhân và cho các doanh nghiệp hoạt động trong nước. Và đặc biệt là Thụy Sĩ có chính sách nhập cư linh hoạt, tạo điều kiện cho sự gia nhập của các chuyên gia lành nghề trên thế giới, thông qua các chương trình như Visa tài năng sáng tạo và nghiên cứu...