Điều gì khiến 3 cường quốc NATO châu Âu khó thỏa mãn điều ông Trump muốn?

Nhìn vào 3 cường quốc NATO hàng đầu châu Âu, bao gồm Đức, Pháp và Anh, không khó để thấy những khó khăn đang cản trở các khoản đầu tư lớn vào các lực lượng vũ trang của họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mong đợi các đồng minh NATO của Washington sẽ chi nhiều hơn đáng kể cho quốc phòng.

Con số 5% GDP mà ông Trump đề xuất đã bị bác bỏ rộng rãi, với việc các nhà phân tích cho rằng điều này là không thể về mặt chính trị và kinh tế đối với hầu hết 32 thành viên của liên minh.

Nhưng trong số các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu, nhu cầu về ngân sách quốc phòng lớn hơn là có thật.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã nói rằng chi tiêu có thể cần tăng lên tới 3,7% GDP. Chỉ có Ba Lan hiện đang ở mức cao hơn con số đó.

Mục tiêu hiện tại cho chi tiêu quốc phòng là 2% GDP. Theo ước tính, 23 thành viên của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương đã đạt hoặc vượt mức này vào năm 2024.

Một mục tiêu chi tiêu mới có thể sẽ được thống nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở The Hague (La Haye), Hà Lan vào tháng 6 tới. Điều đó sẽ đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 32 quốc gia thành viên.

Xe tăng lội nước M3 của Anh chở xe tăng LecLerc của Pháp vượt sông Vistula ở Ba Lan, trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự Steadfast Defender 24 của NATO, tháng 3/2024. Ảnh: NATO website

Xe tăng lội nước M3 của Anh chở xe tăng LecLerc của Pháp vượt sông Vistula ở Ba Lan, trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự Steadfast Defender 24 của NATO, tháng 3/2024. Ảnh: NATO website

Các quốc gia thành viên NATO châu Âu đã tăng cường ngân sách quốc phòng kể từ xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022. Và nhiều nhà lãnh đạo đã nói rằng việc tăng chi tiêu phải tiếp tục để chống lại mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng ở "cựu lục địa".

Nhưng điều này nói dễ hơn làm. Nhìn vào 3 cường quốc quân sự lớn nhất châu Âu, không khó để thấy những khó khăn đang cản trở các khoản đầu tư lớn vào các lực lượng vũ trang của họ.

Đức

Theo số liệu của NATO, Đức là nước chi tiêu nhiều nhất châu Âu, chi gần 98 tỷ USD vào năm 2024. Nhưng khi quy chiếu ra GDP, con số này chỉ chiếm 2,12%, ít hơn so với nhiều thành viên NATO khác.

Những nỗ lực tăng chi tiêu đã vấp phải rào cản và dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Đức vào tháng 12 năm ngoái.

Trở ngại đối với quốc gia Tây Âu này là một biện pháp được quy định trong Hiến pháp Đức, gọi là "phanh nợ" (debt brake). Quy tắc này giới hạn quy mô tổng nợ và khoản vay hàng năm của Đức.

Một đề xuất đã được đưa ra để đình chỉ phanh nợ do áp lực đặc biệt đối với chi tiêu – không chỉ cho quốc phòng – do cuộc chiến ở Ukraine gây ra, nhưng liên minh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã không thể đạt được sự đồng thuận.

Bộ Quốc phòng Đức đã công bố kế hoạch đầu tư lớn để quân đội Đức (Bundeswehr) "sẵn sàng chiến đấu", nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đã vô cùng tức giận vì không biết lấy tiền từ đâu ra để chi trả cho kế hoạch này.

Người Đức hiện sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội sớm vào tháng 2, nhưng quốc phòng hầu như không được coi là một vấn đề trong chiến dịch vận động bầu cử.

Đảng CDU đối lập có vẻ sẽ nổi là lực lượng chiến thắng, và lời hứa duy trì chi tiêu quân sự của Đức ở mức "ít nhất" 2% GDP của họ sẽ không thể khiến ông Trump hài lòng. Tuy nhiên, tuyên ngôn tranh cử của đảng này – vốn cam kết duy trì cơ chế "phanh nợ" – được cử tri ủng hộ.

Ông Nicu Popescu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho biết tình hình của Đức minh họa cho một vấn đề trên toàn châu Âu.

"Các chính trị gia đã không có cuộc trò chuyện nghiêm túc với công chúng của họ trong 30 năm qua về nhu cầu chi tiêu quốc phòng", ông Popescu nói. "Nhiều người sợ phải nói chuyện này. Có một sự kìm kẹp chính trị ngăn cản điều đó".

Pháp

Pháp là một ví dụ về điều này. Sự bất ổn chính trị đã làm chệch hướng các kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng trong ngắn hạn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất thế đa số trong quốc hội trong cuộc bầu cử đầu mùa hè, khiến chính phủ của ông cho đến nay vẫn chưa thể thông qua được ngân sách cho năm 2025.

Điều này có nghĩa là chi tiêu quốc phòng của Pháp hiện vẫn ở mức năm 2024, và kế hoạch tăng 3 tỷ USD vẫn còn trong tình trạng lấp lửng.

Các khối chủ chốt trong quốc hội có các ưu tiên ngân sách hoàn toàn khác nhau. Cả phe cánh tả và cực hữu đều muốn tăng chi tiêu xã hội, trong khi phe trung hữu muốn cắt giảm thuế, và không bên nào có vẻ muốn thỏa hiệp. Chính phủ có thể mất phiếu tín nhiệm bất cứ lúc nào.

"Quốc phòng không bao giờ được thảo luận", ông Olivier Costa từ Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciences Po) cho biết. "Toàn bộ câu chuyện là các nhà lãnh đạo chính trị muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo" của nước Pháp vào năm 2027.

Trong khi đó, tình hình ngân sách của Pháp đã căng thẳng đến mức giới hạn. Nợ quốc gia ở mức 120% GDP, gấp đôi trần nợ của Liên minh châu Âu (EU).

"Pháp tệ hơn Đức về mọi chỉ số kinh tế", Thủ tướng Pháp Francois Bayrou cho biết vào ngày 14/1.

Do đó, ông Costa cho biết, "sẽ rất khó để giải thích với người dân rằng cần phải chi nhiều hơn cho quốc phòng trong bối cảnh hiện tại".

Vương quốc Anh

Vương quốc Anh có một trong những ngân sách quốc phòng lớn nhất châu Âu. Với khoảng 82 tỷ USD, ngân sách này chiếm 2,33% GDP của "xư sở sương mù".

Bối cảnh chính trị của nước này ổn định hơn vì chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Starmer chiếm đa số trong quốc hội.

Nhưng ông Starmer đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái với lời hứa sẽ không tăng thuế và giảm vay nợ. Ông cũng cam kết duy trì chi tiêu trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm không chỉ quốc phòng mà còn cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục và giao thông.

Nợ quốc gia của Anh hiện đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1960. Tất cả điều này có nghĩa là phạm vi tăng chi tiêu quốc phòng rất hạn chế.

Vào tháng 11 năm ngoái, ông Starmer nói với ông Rutte rằng vào mùa xuân, chính phủ Anh sẽ "đặt ra lộ trình" để tăng chi tiêu lên 2,5% GDP.

Việc không có mốc thời gian cho cam kết chi tiêu này đã bị chỉ trích – cũng như tham vọng của nó, vốn không đạt được những con số mà ông Rutte đã đề cập.

Minh Đức (Theo RFE/RL, Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dieu-gi-khien-3-cuong-quoc-nato-chau-au-kho-thoa-man-dieu-ong-trump-muon-204250124205333076.htm
Zalo