Điều gì đang xảy ra với Boeing?
Thảm kịch hàng không do chiếc máy bay Boeing 737-800 rơi ở Hàn Quốc vào ngày 29/12/2024 khiến lo ngại về chất lượng an toàn của Boeing càng dâng cao.
Năm 2024 đánh dấu một năm đầy khó khăn đối với tập đoàn hàng không vũ trụ Mỹ Boeing, khi dòng máy bay Boeing 737 liên tiếp gặp phải các sự cố kỹ thuật nghiêm trọng.
Đỉnh điểm của chuỗi khủng hoảng này là vụ tai nạn thảm khốc vào ngày 29/12/2024 tại Hàn Quốc, khi một chiếc máy bay của hãng Jeju Air buộc phải hạ cánh khẩn cấp, dẫn đến cái chết của 179 trong tổng số 181 hành khách và phi hành đoàn, gần như đẩy danh tiếng của Boeing đến bờ vực.
Khủng hoảng nối đuôi nhau
Trong cùng ngày xảy ra vụ tai nạn tại Hàn Quốc, một chiếc Boeing 737-800 khác đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Torp Sandefjord, Na Uy. Theo thông báo từ hãng hàng không hoàng gia Hà Lan (KLM) trên nền tảng X, chuyến bay KL1204 đã trượt khỏi bên phải đường băng số 18 sau khi hạ cánh khẩn cấp.
Trước đó, máy bay đã chuyển hướng từ sân bay Oslo, cách hiện trường khoảng 110 km, ngay sau khi cất cánh do trục trặc hệ thống thủy lực.
Thực tế, uy tín của Boeing đã bị tổn hại nghiêm trọng sau 2 vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến dòng 737 Max vào năm 2018 và 2019 tại Indonesia và Ethiopia, khiến 346 người thiệt mạng chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng. Những sự cố này buộc Boeing phải chi hơn 23 tỷ USD để xử lý hậu quả và khiến hãng mất vị thế cạnh tranh trước đối thủ Airbus.
Hồi tháng 1/2024, cửa chiếc Boeing 737 Max 9 của hãng hàng không Alaska Airlines bất ngờ bung ra ở độ cao gần 5.000 m, cửa sổ và một mảnh thân máy bay đã bung ra, nổ tung giữa không trung.
May mắn, nhờ kỹ năng xử lý của phi công, cả 177 hành khách và phi hành đoàn đều an toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu sự cố xảy ra ở độ cao lớn hơn, hậu quả có thể thảm khốc.
Sau sự cố này, Alaska Airlines ngay lập tức tạm dừng toàn bộ hoạt động của dòng máy bay 737 Max 9, trong khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh kiểm tra và bảo trì toàn diện đối với 171 chiếc cùng dòng tại Mỹ.
Ngày 8/1/2024, United Airlines phát hiện hàng loạt ốc vít bị lỏng trong quá trình kiểm tra sơ bộ, buộc hãng phải hủy 200 chuyến bay sử dụng dòng máy bay này.
Nhưng vận đen của Boeing chưa dừng lại tại đó. Đến tháng 2 cùng năm, các phi công của United Airlines trên chiếc 737 Max báo cáo rằng bộ điều khiển chuyến bay đã bị kẹt khi máy bay hạ cánh tại Newark, New Jersey (Mỹ).
Sau hàng loạt sự cố nghiêm trọng, lãnh đạo các hãng hàng không đồng loạt lên tiếng chỉ trích Boeing.
"Không chỉ cảm thấy thất vọng, tôi thực sự tức giận. Sự cố đã xảy ra với hãng Alaska Airlines, với hành khách của chúng tôi và người dân Mỹ", Ben Minicucci, Giám đốc điều hành của Alaska Airlines chia sẻ với truyền thông, đồng thời kêu gọi Boeing "cải thiện quy trình chất lượng nội bộ".
Scott Kirby, CEO của United Airlines lúc đó còn đưa ra cảnh báo hãng sẽ cân nhắc lại đơn đặt hàng 227 chiếc 737 Max 10 trị giá hàng tỷ USD sau những vấn đề gần đây của Boeing.
Không chỉ đứng trước làn sóng phẫn nộ của các đối tác, Giám đốc Dave Calhoun của Boeing còn đối mặt với các phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Đỉnh điểm là ngày 14/3/2024, báo cáo kiểm tra toàn diện của FAA cho thấy dòng 737 Max chỉ vượt qua 33 trên tổng số 89 bài kiểm tra, làm dấy thêm nghi ngại về chất lượng của dòng máy bay này.
Ngoài ra, Boeing cũng đang đối mặt với cáo buộc lơ là trong kiểm soát an toàn và chất lượng khác. Báo cáo từ tiểu ban Thượng viện Mỹ tiết lộ công ty đã làm mất dấu hàng trăm bộ phận lỗi của dòng 737 và yêu cầu nhân viên che giấu các bộ phận không đúng quy trình để tránh bị phát hiện bởi FAA.
Vận đen chồng chất
Cuộc khủng hoảng tại Boeing tiếp tục trầm trọng hơn vào ngày 22/9, khi 33.000 công nhân bắt đầu đình công phản đối thỏa thuận lao động sơ bộ, theo Reuters. Trước đó, vào ngày 9/9, Boeing và Hiệp hội Thợ máy và Nhân viên Hàng không (IAM) đã đạt thỏa thuận tăng lương 25% trong 4 năm, nhưng nhiều công nhân yêu cầu mức tăng 40%, khôi phục chế độ lương hưu cũ và cải thiện phúc lợi.
Cuộc đình công kéo dài 7 tuần đã khiến hoạt động sản xuất các dòng máy bay 737 Max, 777 và 767 bị đình trệ nghiêm trọng, đẩy cổ phiếu Boeing rớt xuống mức thấp kỷ lục 137,07 USD và gây thiệt hại gần 5 tỷ USD cho hãng.
Không chỉ Boeing mà các đối tác và khách hàng cũng chịu tác động lớn. Theo đó, các nhà cung cấp đã chịu thiệt hại 900 triệu USD trong 4 tuần đầu tiên của cuộc đình công, trong khi khách hàng và các doanh nghiệp phụ trợ tại Seattle (Mỹ) thiệt hại lần lượt 285 triệu USD và 102 triệu USD.
Vụ đình công đã khiến Boeing phải nhượng bộ, đồng ý tăng lương 38% trong vòng 4 năm. Ngày 4/11, công nhân Boeing tại Bờ Tây Mỹ chính thức thông qua hợp đồng lao động mới, khép lại gần 2 tháng đình công.
Sau hàng loạt khó khăn, kết quả kinh doanh quý III/2024 của Boeing đầy ảm đạm. Reuters cho biết nhà sản xuất máy bay của Mỹ đã lỗ 6 tỷ USD trong quý III/2024, nâng mức lỗ từ đầu năm 2024 lên gần 8 tỷ USD. Doanh thu cùng quý cũng giảm 1%, xuống còn 17,84 tỷ USD.
Boeing báo cáo mảng máy bay thương mại của hãng đã lỗ 4 tỷ USD, trong khi mảng quốc phòng, không gian và an ninh lỗ 2,38 tỷ USD. Doanh thu mảng Boeing Global Services thì tăng trưởng chậm lại còn 2% trong quý tính đến cuối tháng 9/2024, giảm so với mức tăng 9% năm ngoái và 7% trong quý đầu năm 2024.
Thảm kịch hàng không tại Hàn Quốc cuối năm 2024 với dòng máy bay Boeing 737-800 càng khiến hãng này điêu đứng.
Dù nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được điều tra, các chuyên gia hàng không vẫn khẳng định rằng dòng máy bay này đủ an toàn và đáng tin cậy, khác biệt hoàn toàn với dòng Max vốn vướng nhiều bê bối trước đó.
"Đây là một dòng máy bay rất an toàn", Alan Price, cựu phi công trưởng tại Delta Air Lines. hiện là chuyên gia cố vấn hàng không, nhấn mạnh.
Dù vậy, sự cố đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề. Cổ phiếu Boeing đã giảm hơn 2% vào ngày 30/12/2024, trước khi phục hồi nhẹ 0,25% trong ngày giao dịch cuối cùng của năm, đạt 177 USD.
Khép lại năm 2024, cổ phiếu Boeing giảm gần 30%, mức giảm sâu nhất trong nhóm 30 doanh nghiệp thuộc chỉ số Dow Jones, trong khi đối thủ Airbus tăng gần 10%.
Với giá cổ phiếu mất hơn 60% giá trị trong 5 năm qua, khoản nợ gần 60 tỷ USD và sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, tương lai của Boeing vẫn còn nhiều thách thức lớn.
Sáng 2/1, hãng tin AP cho biết để ứng phó với vụ tai nạn của Jeju Air, các cơ quan hàng không Hàn Quốc và Mỹ đang phối hợp điều tra nguyên nhân. Việc phân tích hộp đen của máy bay được kỳ vọng giúp đưa ra các biện pháp ngăn chặn các sự cố tương tự trong tương lai.
Boeing hiện vẫn chưa phản hồi về vụ việc của Jeju Air.