Điều gì đang chờ tân Tổng thống Mỹ?
Cuộc bầu cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đã ngã ngũ, cho dù Tổng thống đắc cử Donald Trump còn chờ xác nhận chính thức bởi Quốc hội Mỹ, nhưng truyền thông nước này đã đưa ra những thách thức cốt lõi đối với tân Tổng thống.
Cùng với cuộc so găng giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris còn có cuộc bầu lại toàn bộ 435 dân biểu Hạ viện; 34 trong tổng số 100 thành viên Thượng viện và Thống đốc ở 11 bang. Tuy nhiên, bầu cử Tổng thống là then chốt.
Tân Tổng thống Donald Trump và bộ máy chính quyền mới cũng như cơ quan lập pháp của nước Mỹ trước hết phải giải quyết sự phân rẽ về chính trị và xã hội trong lòng nước Mỹ, cũng như sự hoài nghi về cung cách vận hành của bộ máy lãnh đạo mới. Tình trạng thiếu ổn định có thể còn kéo dài nên rất khó đoán định và trù liệu được về những gì sắp tới có thể xảy ra. Chỉ riêng việc giải quyết thế nào với 13,7 triệu người di cư bất hợp pháp vào Mỹ cũng đã là một thách đố cực kỳ lớn với ông Trump, cho dù trước đó ông đã liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn.
Đó là về tổng thể. Còn rõ hơn, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải giải quyết những vấn đề lớn cả về đối nội và đối ngoại, những vấn đề tồn đọng đã khiến người Mỹ chia rẽ suốt thời gian dài.
Về đối nội, nổi lên hơn cả là kinh tế, khi mà lạm phát tuy được kéo giảm nhưng vẫn ở mức cao, bào mòn nền tảng kinh tế của nhiều gia đình người dân Mỹ. Đa số cử tri Mỹ chưa hài lòng với tình hình kinh tế dưới thời ông Biden và bà Harris, cho dù các số liệu vĩ mô đang vó chỉ dấu tốt hơn. Có 44% người trưởng thành Mỹ tham gia khảo sát của YouGov đã bi quan khi cho rằng có khả năng xảy ra “sụp đổ kinh tế” vì thế gánh nặng khôi phục sẽ một lần nữa đặt lên vai ông Trump. Cuộc thăm dò đã khảo sát 1.113 công dân trưởng thành của Mỹ và có biên độ sai số là cộng/trừ 3,8%.
Giáo sư Justin Wolfers tại Đại học Michigan cho rằng nền kinh tế ổn định sẽ là cơ hội để tân Tổng thống thực sự tập trung vào các chính sách đã hứa hẹn khi vận động tranh cử. Giáo sư Wolfers phân tích: “Những gì Tổng thống Donald Trump phải hành động là dập tắt ngọn lửa suy thoái thay vì theo đuổi các chương trình vĩ mô. Nếu bạn đang ở giữa thời kỳ suy thoái thì chỉ có một nhiệm vụ: Giải quyết suy thoái và đưa nền kinh tế Mỹ trở lại đúng quỹ đạo tăng trưởng.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody lại đưa ra nhận xét: “Thật khó để thấy nền kinh tế có thể hoạt động tốt hơn khi mà nhiều người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình chưa được hưởng lợi như họ nên có. Thay đổi điều này là việc mà tân Tổng thống và Quốc hội sắp tới cần tập trung”.
Về đối ngoại, Hãng tin Bloomberg đã nhấn mạnh nổi lên là những vấn đề an ninh, như xung đột ở Ukraine và Trung Đông cho đến hoạt động thương mại thế giới. Với cuộc chiến tại Ukraine, vấn đề đặt ra là nước Mỹ có tiếp tục rót tiền và vũ khí cho Tổng thống Zelensky hay không và có chấp thuận để Ukraine gia nhập NATO hay không? Liên quan đến vấn đề này, thái độ và vai trò của nước Mỹ ra sao với khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khi hợp tác giữa hai cường quốc Trung Quốc và Nga đã được xác định là “không giới hạn”.
Vấn đề Trung Đông cũng là một phép thử quan trọng với ông Donald Trump. Tới nay “chảo lửa” Trung Đông đã không dừng lại ở đối đầu Israel - Hamas (Palestine), hay Israel - Hezbollah mà đã lan ra Iran, Lebanon, kéo theo sự hậu thuẫn với các mức độ khác nhau của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Việc các bên tham chiến không xuống thang, ngược lại còn tăng cường mức độ quân sự buộc tân Tổng thống nước Mỹ phải rõ thái độ hơn.
Bên cạnh những cuộc chiến vũ trang khốc liệt thì “chiến tranh thương mại”quốc tế cũng là một nút thắt quan trọng. Theo Bloomberg Economics, triển vọng của chủ nghĩa bảo hộ gia tăng khiến các ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế lo ngại rằng có thể gây ra các cuộc chiến thương mại rộng hơn, làm chậm tăng trưởng toàn cầu và làm tăng lạm phát. Mà điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến nước Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới. Một trong những giải pháp được chính quyền mới cân nhắc có thể sẽ là tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Điều này cũng đã được ông Trump nhiều lần cam kết trong quá trình vận động tranh cử. Tuy nhiên, biện pháp bảo hộ đó sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn nhiều tiền hơn và cũng sẽ tác động tức thời cũng như lâu dài tới thị trường toàn cầu.
Vẫn theo Bloomberg Economics, nếu như một chính sách thuế quan cứng rắn được áp dụng sẽ có thể làm giảm tăng trưởng GDP của Mỹ trên dưới 1,5% trong năm đầu tiên nhiệm kỳ Tổng thống mới của ông Donald Trump trước khi hồi phục và tăng trưởng mạnh hơn khi chính sách đủ độ “ngấm” mà lợi thế thuộc về phía Mỹ.
Kết quả bầu cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đã ngã ngũ. Các mốc thời gian liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, sau ngày bầu cử chính thức 5/11, như sau: Ngày 11/12/2024: Cơ quan hành pháp của các tiểu bang cấp giấy chứng nhận bổ nhiệm đại cử tri - những người sẽ đại diện cho từng bang bỏ phiếu bầu Tổng thống. - Ngày 17/12/2024: Ngày họp và bỏ phiếu của đại cử tri Tổng thống và Phó Tổng thống, sau đó gửi kết quả đến Quốc hội. - Ngày 25/12/2024: hạn chót gửi phiếu đại cử tri đến Chủ tịch Thượng viện. - Ngày 3/1/2025: Họp Quốc hội Mỹ khóa 119. Các đại biểu và các thượng nghị sĩ đắc cử sẽ tuyên thệ vào Quốc hội mới. - Ngày 6/1/2025: Phó Tổng thống Mỹ chủ trì việc kiểm phiếu của Đại cử tri Đoàn tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ, công bố kết quả và tuyên bố người trúng cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Ngày 20/1/2025: Lễ nhậm chức của tân Tổng thống và tân Phó Tổng thống. Lễ tuyên thệ diễn ra vào 12 giờ trưa (theo giờ miền Đông nước Mỹ), tại Đồi Capitol. Sau khi tuyên thệ nhậm chức, quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền cũ sang chính quyền mới sẽ hoàn tất.