Điều gì chờ đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sau cuộc luận tội?
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang đứng trước nguy cơ bị bãi nhiệm, cũng như phải đối mặt với các cuộc điều tra về cáo buộc 'chủ mưu nổi loạn' và lạm dụng quyền lực liên quan đến quyết định ban hành lệnh thiết quân luật ngày 3/12 vừa qua.
Cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Hàn Quốc nhằm luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vào cuối tuần trước đánh dấu bước ngoặt đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ quyết định ban hành lệnh thiết quân luật bất ngờ trong đêm 3/12. Hiện Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chính thức bị đình chỉ chức vụ sau hơn 2 năm tại nhiệm, với ít nhất 12 phiếu bầu ủng hộ việc này đến từ chính đảng cầm quyền.
Tuy nhiên, một lệnh đình chỉ chức vụ vẫn chưa phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Yoon. Tòa án Hiến pháp đang trong quá trình xem xét những động thái luận tội Tổng thống, từ đó đưa ra quyết định liệu ông có bị bãi nhiệm chức tổng thống hay được phục chức. Theo dự kiến, quá trình này sẽ mất tới 6 tháng.
Tòa án đã họp lần đầu tiên để thảo luận về vụ án của ông Yoon vào ngày 16/12 và dự kiến công bố kế hoạch tổ chức phiên điều trần sơ bộ đầu tiên vào ngày 27/12. Chính phủ tuyên bố sẽ đưa vụ việc này lên mức "ưu tiên hàng đầu" trong số các vụ luận tội khác mà phe đối lập thức đẩy.
Năm 2016, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc mất 3 tháng để đưa ra quyết định phế truất bà Park Geun-hye, nữ lãnh đạo đầu tiên của đất nước và là tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị bãi nhiệm do bị luận tội. Bà Park bị kết án 20 năm tù vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực nhưng sau đó đã được ân xá.
Một người tiền nhiệm khác của ông Yoon là cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, đã được an toàn sau cuộc luận tội năm 2004, do Tòa án Hiến pháp hủy bỏ kết quả bỏ phiếu của Quốc hội. Kết quả này được cho là chịu tác động từ cuộc biểu tình của người dân vào thời điểm đó, bởi ông Roh vốn là một lãnh đạo được lòng công chúng. Chỉ riêng ngày 13/4/2004, ở Seoul, đã có khoảng 70.000 người dân tham gia biểu tình, kêu gọi “vô hiệu bản luận tội, bảo vệ nền dân chủ”. Ông Roh sau đó tiếp tục phục vụ hết nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Lần này, việc Tòa án Hiến pháp thảo luận về tương lai của ông Yoon sẽ trở nên phức tạp hơn vì một yếu tố khác: tòa án gồm 9 thành viên hiện chỉ có 6 thẩm phán, do sự chậm trễ trong việc lấp đầy các vị trí trống của các thẩm phán nghỉ hưu để lại. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, cần có ít nhất 6 thẩm phán đồng ý thì quá trình luận tội được tiến hành. Điều đó có nghĩa là tất cả các thẩm phán hiện tại sẽ phải bỏ phiếu ủng hộ kết quả luận tội để chính thức bãi nhiệm ông Yoon, trừ khi 3 ghế còn lại được bổ nhiệm.
Hiện các đảng đối lập và đảng cầm quyền vẫn đang nỗ lực hoàn thiện các vị trí nhân sự của Tòa án Hiến pháp bằng cách bổ nhiệm 3 thẩm phán vào cuối tháng.
Trong trường hợp Tòa án Hiến pháp nhất trí với kết quả bỏ phiếu của Quốc hội trước đó, ông Yoon sẽ trở thành tổng thống tại vị ngắn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Seoul sẽ phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong thời hạn 60 ngày để chọn ra một nhà lãnh đạo mới.
Trong khi đó, chính trị gia này vẫn phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc gây nổi loạn và lạm dụng quyền lực. Cảnh sát, quốc hội, công tố viên và cơ quan chống tham nhũng của Hàn Quốc đang gấp rút mở các cuộc điều tra riêng biệt đối với ông Yoon về cáo buộc phản quốc liên quan đến quyết định ban hành lệnh thiết quân luật. Một nhóm điều tra đã gửi thông báo yêu cầu ông Yoon phải ra hầu tòa vào ngày 18/12 liên quan đến cáo buộc "chủ mưu vụ nổi loạn" và lạm dụng quyền lực nhưng văn phòng Tổng thống đã từ chối chuyển yêu cầu, một nguồn tin của CNN cho biết.
Cuối tuần trước, ông Yoon cũng phớt lờ lệnh triệu tập của các công tố viên đang tiến hành điều tra riêng về tuyên bố thiết quân luật của ông. Theo Yonhap, các công tố viên đã đưa ra yêu cầu thứ hai vào đầu tuần này, mặc dù ngày triệu tập không được công bố.
Quốc hội vẫn đang quyết liệt hành động nhằm đẩy nhanh các quá trình pháp lý đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol. Tuần trước, ông Oh Dong-woon, người đứng đầu Văn phòng Điều tra Tham nhũng dành cho Quan chức cấp cao, cho biết văn phòng của ông sẽ tìm cách "bắt giữ Tổng thống Yoon khẩn cấp hoặc bắt giữ theo lệnh của tòa án" nếu "tình hình cho phép".
Nếu bị xác định phạm tội "chủ mưu vụ nổi loạn”, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có thể bị kết án tù chung thân hoặc tử hình.