Điều gây tranh luận trong 'Địa đạo' không phải cảnh nóng

Không thể phủ nhận tầm vóc của 'Địa đạo', song giới chuyên môn vẫn có những quan điểm trái chiều về phim.

Sau hơn hai tuần thống trị phòng vé, Địa đạo hiện đã bước vào chặng cuối của hành trình. Với những gì đã làm được, tác phẩm của Bùi Thạc Chuyên có thể xem là đã mở ra chương mới cho dòng phim chiến tranh Việt Nam. Không chỉ thiết lập những cột mốc về doanh thu, chất lượng của Địa đạo cũng được đánh giá cao, tạo nên làn sóng bình luận sôi nổi trên các diễn đàn.

Bên cạnh những phản hồi tích cực, Địa đạo cũng nhận những ý kiến trái chiều. Cách tiếp cận đề tài chiến tranh Việt Nam theo hướng mới mẻ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi. Không chỉ khán giả đại chúng, mà trong giới chuyên môn - từ các nhà phê bình, đạo diễn đến các học giả nghiên cứu điện ảnh - đều có những quan điểm khác nhau về Địa đạo.

Giới chuyên môn chia rẽ

Khác với cách khai thác đề tài chiến tranh truyền thống, khi hoặc nhấn mạnh vào chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hoặc làm nổi bật số phận con người trong dòng chảy lịch sử, Bùi Thạc Chuyên lại tập trung vào yếu tố hiện thực, hướng khán giả tiếp cận đề tài chiến tranh từ điểm nhìn khách quan.

Nhà làm phim tái hiện câu chuyện về một đội du kích ở Củ Chi mà gần như không có nhân vật chính. Thay vào đó, chuyện phim được kể qua đa góc nhìn, tập trung vào việc tái hiện chân thật câu chuyện hơn là đào sâu vào tâm lý nhân vật.

Chính cách làm phim độc đáo, đậm màu sắc cá nhân của đạo diễn đã tạo nên sự chia rẽ không chỉ trong khán giả mà cả giới chuyên môn. khi chia sẻ với Tri Thức - Znews, hầu hết chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đều ghi nhận tầm vóc và chất lượng của Địa đạo. Tuy nhiên, khi bàn sâu đến kịch bản và cách kể chuyện, tác phẩm lại nhận về quan điểm đa chiều.

 Tính đến hết ngày 19/4, Địa đạo thu về 142,6 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 19/4, Địa đạo thu về 142,6 tỷ đồng.

Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang nhận định với sự đầu tư công phu, Địa đạo chắc chắn nằm trong nhóm những dự án điện ảnh hoành tráng nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Tuy nhiên, bà cho rằng bộ phim vẫn chưa chạm đến cảm xúc người xem như kỳ vọng. Địa đạo có đề tài độc đáo, nhưng cách thể hiện còn thiên về tái hiện và miêu tả sự kiện hơn là khai thác chiều sâu câu chuyện.

"Không nhất thiết phải sến mới khiến người ta xúc động. Có những bộ phim cũng được làm theo phong cách tài liệu, rất kiệm lời, không hề bi lụy mà vẫn chạm tới người xem. Phim chiến tranh không chỉ đơn thuần là kể lại sự thật, mà đôi khi cần chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn lao. Theo tôi, Địa đạo thiếu đi một chủ đề đủ lớn và đủ sâu sắc. Dù vậy, đây vẫn là một tác phẩm đáng được khen ngợi", đạo diễn nhận xét.

Trong khi đó, tiến sĩ Hồ Khánh Vân (Trường ĐH KHXH & Nhân Văn - ĐHQG TP. HCM) - chuyên gia trong lĩnh vực lý luận và phê bình điện ảnh, lại cho biết phương thức biểu đạt của Địa đạo không chỉ phù hợp với xu hướng thời đại, mà còn tôn trọng sự thật lịch sử và giàu tính nghệ thuật.

"Địa đạo có cách khám phá và tái hiện lịch sử mới mẻ và độc đáo, khi vừa mang tính khách quan của dạng thức phỏng theo phong cách tài liệu, vừa kết hợp sự hấp dẫn, lôi cuốn đặc trưng của thể loại hư cấu. Cách tiếp cận này đã góp phần thúc đẩy dòng phim chiến tranh Việt Nam sang chương mới, giàu tính nghệ thuật và gần gũi với xu hướng hiện đại", bà nhận xét.

Ngược lại, một nhà phê bình đã tham gia nhiều LHP quốc tế lớn (không tiết lộ tên) nói với Tri Thức - Znews: "Xem Địa đạo, tôi không nắm bắt được màu sắc nhân vật, kịch bản phim cũng bị xé nhỏ nên đôi khi rời rạc. Dù rất tôn trọng cách Bùi Thạc Chuyên tái hiện hiện thực chiến tranh, tôi lại không thấy được góc nhìn mới mẻ của anh ấy thông qua bộ phim".

Với PGS.TS Hoàng Cẩm Giang (Trường ĐH KHXH & Nhân Văn - ĐHQG Hà Nội), bà cho biết hoàn toàn hiểu vì sao những người làm chuyên môn lại có sự chia rẽ khi nói về Địa đạo. "Đạo diễn, nhà phê bình sẽ chỉ tập trung vào bộ phim, còn giới nghiên cứu sẽ so sánh bộ phim ấy với các motif làm phim trên thế giới hoặc đặt nó vào bối cảnh Việt Nam", bà chia sẻ.

Từ góc nhìn của một người nghiên cứu, Hoàng Cẩm Giang nhận định Địa đạo là một trường hợp đột phá trong cách làm phim chiến tranh tại Việt Nam. Bộ phim đạt chất lượng ở trình độ cao, thể hiện rõ tay nghề vững vàng của đạo diễn, và đặc biệt là dấu ấn cá nhân đậm nét trong cách kể chuyện lẫn ngôn ngữ điện ảnh.

 Một cảnh của Quang Tuấn và Thu Anh trong 'Địa đạo'.

Một cảnh của Quang Tuấn và Thu Anh trong 'Địa đạo'.

Giải mã ý đồ của Bùi Thạc Chuyên

Hoàng Cẩm Giang nhận xét kịch bản của Địa đạo không tuân theo mô hình Hollywood cổ điển, vốn quen thuộc với việc kể chuyện theo cấu trúc ba hồi, có cao trào, twist, và có nhân vật trung tâm với động cơ rõ ràng. Chính đặc điểm này khiến bộ phim có thể gây khó hiểu cho khán giả, những người vốn quen với phong cách kể chuyện chặt chẽ, đầy kịch tính của các phim Hollywood.

“Thông thường, trong các phim chiến tranh, nhân vật trung tâm sẽ là một anh lính, một tướng lĩnh, hoặc một người làm linh hồn của bộ phim. Cảnh quan trong phim trước đây thường chỉ là phông nền để làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tính sử thi. Nhưng trong Địa đạo, Bùi Thạc Chuyên đã trao quyền cho không gian, coi địa đạo là nhân vật chính", bà giải thích.

Tư tưởng của Địa đạo là chiến tranh nhân dân, và điều đó được thể hiện qua ngôn ngữ điện ảnh chứ không phải bằng những lời hô hào. Mỗi người, mỗi cảnh vật đều gánh vác một phần trải nghiệm khốc liệt của chiến tranh. Không ai ở trung tâm, vì thế cả nỗi khổ và vinh quang cũng được chia đều.

"Địa đạo tiếp cận chiến tranh qua cảm nhận sâu sắc về sự chịu đựng, nỗi đau và trạng thái bị đè nén kéo dài của con người trong hầm địa đạo. Bộ phim không chỉ mô tả bom đạn khốc liệt, mà còn truyền tải cả sự mòn mỏi, thoi thóp, tuyệt vọng – những cảm giác nhiều khi còn ám ảnh hơn cả cái chết”, bà nói.

Theo tiến sĩ, một trong những điểm đặc biệt của Địa đạo là khiến khán giả trở thành một phần trong cuộc xung đột. Việc kéo dài cảm giác chờ đợi và sự chịu đựng trong suốt hơn hai tiếng phim là một thử thách đối với giới hạn tâm lý của người xem, khiến họ không thể đứng ngoài cuộc mà bị cuốn vào cảm giác bức bối, ngột ngạt, tương tự như một thành viên trong đội du kích.

 PGS.TS Hoàng Cẩm Giang là trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, ĐH KHXH & Nhân Văn - ĐHQG Hà Nội.

PGS.TS Hoàng Cẩm Giang là trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, ĐH KHXH & Nhân Văn - ĐHQG Hà Nội.

Tuy nhiên, trong sự dằn vặt của chiến tranh, những người lính Củ Chi vẫn trao cho nhau tình thương, sự tử tế, vẫn cố gắng sống như những con người thực thụ. Địa đạo, vì thế, mà lặng lẽ soi chiếu vào những góc khuất rất cá nhân – nơi chủ nghĩa nhân văn hiện lên trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt.

Khi được hỏi về điều chưa trọn vẹn trong phim, Hoàng Cẩm Giang cho biết cảnh nóng cuối phim là chi tiết khiến bà cảm thấy tiếc nuối. Mặc dù đó là một phân đoạn cần thiết, song cách thể hiện lại đậm màu sắc thi vị hóa, có phần không phù hợp với tinh thần phim.

"Ở cảnh cuối, chiếc khăn mỏng phủ lên cơ thể được quay rất thơ mộng, nhưng tôi nghĩ trong khoảnh khắc sinh tử đó, không cần phải thi vị, ước lệ đến mức như vậy", bà kết luận.

Thuận Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gay-tranh-luan-trong-dia-dao-khong-phai-canh-nong-post1547015.html
Zalo