Điều doanh nghiệp Việt lo nhất khi bùng nổ thương chiến Mỹ - Trung

Các doanh nghiệp cho biết đang theo dõi rất sát các thông tin từ thị trường Mỹ để có kế hoạch phù hợp, đồng thời đề nghị cần quyết liệt ngăn chặn tình trạng hàng Trung Quốc 'đội lốt' xuất xứ. Trong khi đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuyệt đối tránh xuất khẩu những mặt hàng mà công đoạn tham gia quá thấp.

Theo dõi "nhất cử, nhất động" từ thị trường Mỹ

Việc Mỹ mới đây thông báo tăng áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, Mexico và Canada đang dấy lên lo ngại về chiến tranh thương mại phức tạp sẽ diễn ra ngay đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean - cho biết, thị trường Mỹ hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Theo sắc lệnh áp thuế bổ sung mới của Mỹ, đến nay chưa có sản phẩm dệt may nhưng thời gian qua doanh nghiệp theo dõi "nhất cử, nhất động" từ thị trường này, đặc biệt là thay đổi chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Theo ông Việt, với việc chính quyền Donald Trump mới áp thuế bổ sung vào Trung Quốc và hai nước láng giếng là Canada và Mexico (sau đó bỏ), doanh nghiệp đưa ra 2 phương án để chuẩn bị.

Cụ thể, nếu chính sách về thuế quan của Tổng thống Trump đánh mạnh vào Mexico, Canada, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tìm cách đa dạng hóa thị trường. Phương án khác là tăng giá và thuyết phục khách hàng chia sẻ để bù đắp chi phí mua nguyên vật liệu từ các thị trường mới có giá cũng như chi phí logistics cao hơn. Mức tăng không đáng kể, nhưng bắt buộc phải tăng.

"Nói chung mọi biến động từ thị trường Mỹ đều ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi có bộ phận thường trực theo dõi sát các thông tin từ thị trường Mỹ, từ các đối tác, từ đó phân tích và đánh giá để có kế hoạch phù hợp", ông Thắng cho hay.

Doanh nghiệp Việt đang theo dõi sát mọi biến động từ thị trường Mỹ. Ảnh: Như Ý.

Doanh nghiệp Việt đang theo dõi sát mọi biến động từ thị trường Mỹ. Ảnh: Như Ý.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng, dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024, song doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay.

“Chính phủ Mỹ dưới thời ông Trump tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra”, đại diện VASEP nhận định.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietforest), thị trường Mỹ hiện chiếm tới 54% giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Do đó, các biến động từ thị trường này đều tác động rất lớn đến các doanh nghiệp.

Trước việc Mỹ tăng áp thuế trở lại đối với hàng Trung Quốc, Vietforest nhận định sẽ có một số cơ hội đối với hàng Việt. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là nguy cơ hàng Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để xuất hàng hóa qua Mỹ.

Một đại diện Vietforest chia sẻ, trước đây khi Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ… một số doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyến hướng đầu tư sang Việt Nam hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế trên. Thậm chí, có doanh nghiệp Trung Quốc còn mở công ty ở Việt Nam sau đó nhập khẩu mặt hàng bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán, rồi gia công, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh (hàm lượng gia công rất ít) để xuất khẩu sang Mỹ.

“Vấn đề này đã được cảnh báo ngay từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump. Do đó, để tránh rủi ro cho doanh nghiệp Việt và ngành gỗ nước ta, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý, ngăn chặn quyết liệt đối với hành vi đội lốt xuất xứ”, vị này cho hay.

Không xuất khẩu mặt hàng gia công thấp

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho rằng, cuộc chiến thương mại được khởi động ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ mới của ông Trump cho thấy chủ nghĩa đơn phương sẽ vẫn là một xu hướng có tác động lớn đến thương mại quốc tế trong thời gian tới. Những quốc gia mà Mỹ đang thâm hụt thương mại được khuyến cáo nên chuẩn bị các kịch bản đối mặt với thuế quan từ Mỹ.

Theo ông Hải, tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, từ đó khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Chưa kể, hàng hóa Trung Quốc nếu gặp khó khăn do bị Mỹ áp thuế cũng tạo sức ép với thị trường Việt Nam.

Các doanh nghiệp gỗ đề nghị cần quyết liệt ngăn chặn tình trạng đội lốt xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ.

Các doanh nghiệp gỗ đề nghị cần quyết liệt ngăn chặn tình trạng đội lốt xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện Bộ Công Thương đã chuẩn bị các kịch bản chủ động để thúc đẩy, giữ vững thị trường xuất khẩu, trong đó xây dựng các kịch bản ứng phó với tác động từ chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump.

“Các doanh nghiệp cần tuyệt đối tránh xuất khẩu những mặt hàng mà công đoạn tham gia của doanh nghiệp quá thấp, chỉ thực hiện những phần đơn giản như đóng gói, dán nhãn, dễ bị vướng vào kiện phòng vệ thương mại”, ông Hải chia sẻ.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa một số nước có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam trong việc đón đầu các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng để thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng hơn vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước thách thức về cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về logistics và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến việc Mỹ có thể thực hiện việc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do thặng dư thương mại cao, các xu hướng về đầu tư núp bóng, gian lận nguồn gốc xuất xứ... trong khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi chậm.

Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng phức tạp, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần nắm vững quy định và chính sách thương mại, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại từ các đối tác quốc tế.

“Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, khai thác các thị trường tiềm năng mới và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm xuất khẩu để phù hợp với nhu cầu và quy định của từng thị trường; đồng thời đầu tư đổi mới công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại, hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý để tăng cường năng lực ứng phó với tranh chấp thương mại và bảo vệ quyền lợi khi đối mặt với các vụ việc liên quan đến điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, hoặc tự vệ từ phía đối tác", lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.

Xuân Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dieu-doanh-nghiep-viet-lo-nhat-khi-bung-no-thuong-chien-my-trung-post1715427.tpo
Zalo