Điều đặc biệt về siêu xe tăng nặng nhất Mỹ từng sáng chế trong Thế chiến II

Với trọng lượng 86 tấn, T28 là mẫu xe tăng nặng nhất từng được nền công nghiệp quốc phòng Mỹ cho xuất xưởng trong Thế chiến II.

Lời tòa soạn

Trong suốt lịch sử quân sự thế giới, con người đã sáng tạo ra nhiều loại vũ khí kỳ lạ nhằm giành ưu thế trên chiến trường, từ xe tăng trang bị 4 dãy bánh xích độc đáo của Liên Xô cho đến pháo bắn đạn hạt nhân do Mỹ phát triển trong Chiến tranh Lạnh.

Bài 1: Cận cảnh xe tăng trang bị 4 dãy bánh xích kỳ lạ của Liên Xô

Trang National Interest cho biết, xe tăng hạng nặng là loại khí tài quân sự được nhiều cường quốc chú trọng phát triển trong thời gian diễn ra Thế chiến II (1939 - 1945). Đức có xe tăng VIII Maus, Liên Xô sở hữu các dòng xe tăng KV và IS. Trong khi đó, T28 là chiến tăng hạng nặng do Mỹ chế tạo.

Siêu tăng T28 trưng bày ở Fort Benning thuộc bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Sofilein/Youtube

Siêu tăng T28 trưng bày ở Fort Benning thuộc bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Sofilein/Youtube

Bối cảnh phát triển

Trong Thế chiến II, dù sở hữu nhiều loại xe tăng nổi tiếng như M3 Lee hay M4 Sherman nhưng quân đội Mỹ vẫn thiếu khí tài thiết giáp có hỏa lực mạnh để đối phó với hệ thống phòng thủ kiên cố, chẳng hạn như tuyến phòng ngự Siegfried nằm dọc vùng biên giới phía tây nước Đức. Do vậy, ý tưởng về một loại xe tăng hạng nặng “có hỏa lực mạnh mẽ đủ phá tan công sự phòng thủ của đối phương” được đề xuất vào năm 1943.

Giới chức quốc phòng Mỹ khi đó đã giao dự án chế tạo 25 chiếc xe tăng hạng nặng kiểu mới cho Xưởng đúc và xe hơi Thái Bình Dương (PACCAR). Dù các kỹ sư của PACCAR đã đẩy nhanh thời gian nghiên cứu chế tạo nhưng phải tới tháng 8/1945, nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên với tên gọi T28 mới trình làng.

Thiết kế

Xe tăng hạng nặng T28 có chiều dài 11,1m; rộng 4,39m; cao 2,84m và nặng hơn 86 tấn. Kíp chiến đấu của xe có 4 người, gồm trưởng xe, lái xe và 2 xạ thủ.

Bản vẽ bên ngoài xe tăng T28. Ảnh: Theblueprints.com

Bản vẽ bên ngoài xe tăng T28. Ảnh: Theblueprints.com

T28 được trang bị lớp giáp dày hơn 305mm ở mặt trước và 64mm ở phần hông, do vậy kíp lái xe vẫn có thể sống sót trong trường hợp bị pháo cỡ nòng 88mm hay các loại vũ khí chống tăng bắn trúng.

Vũ khí chính của T28 là pháo chống tăng T5E1 105mm, với tầm bắn có thể đạt 19km. Đạn pháo này có khả năng xuyên thủng 135mm giáp đồng nhất ở góc 30 độ, trong khoảng cách gần 1km.

Những nhược điểm của siêu xe tăng T28

Dù sở hữu giáp dày và pháo cỡ nòng lớn, nhưng T28 cũng có nhiều nhược điểm không thể khắc phục. Trước tiên, khí tài này không có tháp pháo. Điều đó khiến khả năng tác chiến của T28 bị hạn chế, vì các xạ thủ sẽ gặp khó khăn trong việc quan sát và phát hiện khí tài đối phương trên thực địa.

Bên cạnh đó, trọng lượng lên tới 86 tấn nên xe tăng cần tới 4 hàng bánh xích để đỡ lấy thân xe. Với trọng lượng nặng như vậy, T28 khó di chuyển ở những địa hình có nền đất mềm hoặc các khu vực đầm lầy.

Siêu tăng T28 ở Fort Benning, Mỹ. Ảnh: Sofilein/Youtube

Siêu tăng T28 ở Fort Benning, Mỹ. Ảnh: Sofilein/Youtube

Nhược điểm cuối cùng của T28 liên quan đến động cơ, khi xe tăng này chỉ được trang bị động cơ Ford GAF V-8 có công suất 500 mã lực. Dù có thể giúp T28 di chuyển với vận tốc tối đa là 13 km/h, nhưng do phải "phục vụ" một cỗ xe tăng đồ sộ như vậy nên loại động cơ này chỉ chạy được một thời gian là quá tải và hỏng. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 1947 đã quyết định hủy bỏ dự án T28.

Tuấn Trần

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dieu-dac-biet-ve-sieu-xe-tang-nang-nhat-my-tung-sang-che-trong-the-chien-ii-2404976.html
Zalo