Điều đặc biệt của cổng trại Bảo An binh vừa trùng tu ở Hà Nội

Phía sau nét kiến trúc cổ kính của cổng trại Bảo An binh là một câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa về sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân...

Trên phố Hàng Bài – tuyến phố thương mại sôi động ở trung tâm Hà Nội – có một công trình kiến trúc mang dáng dấp của một cánh cổng tam quan cổ kính, được gắn số 40A. Đó chính là cổng trại Bảo An binh, địa điểm ghi dấu một sự kiện trọng đại trong cuộc Cách mạng Tháng 8 ở Hà Nội. Công trình này vừa được hoàn thành trùng tu, tôn tạo, góp phần tạo nên quần thể văn hóa, di tích, kiến trúc giàu bản sắc quanh hồ Hoàn Kiếm.

Công trình lịch sử gắn với Cách mạng tháng Tám

Ngược dòng lịch sử, trại Bảo An binh có tiền thân là trại lính khố xanh, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, theo nhiều tài liệu lịch sử ghi chép là được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp - Henri Vidieu, người từng thiết kế các công trình kiến trúc nổi tiếng khác như Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Tòa thượng thẩm, Hỏa Lò... Trại lính này nằm dưới sự quản lý của quân đội Pháp. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, cơ sở này đổi tên thành trại Bảo An binh Trung ương.

 Cổng trại Bảo An binh trước khi trùng tu. Ảnh: Quốc Lê.

Cổng trại Bảo An binh trước khi trùng tu. Ảnh: Quốc Lê.

Vào ngày 19/8/1945, lực lượng Việt Minh cùng với quần chúng cách mạng tỏa đi khắp nội thành Hà Nội, tổ chức cho quần chúng đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Đốc lý, Sở Mật thám… Một trong những mục tiêu quan trọng cần phải chiếm lĩnh là trại Bảo An binh. Nơi đây có một đội lính Bảo an đông đảo, được trang bị đầy đủ vũ khí đồn trú. Lực lượng chủ công chiếm trại Bảo An binh là Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Lực lượng cách mạng tiến đến cổng trại với khí thế ngút trời. Người mang gươm, người cầm súng, người tay không... tất cả đều hô to "Hy sinh vì Tổ quốc, quyết giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa". Khi đoàn người đến nơi, cổng trại được khóa chặt và có hai tên lính gác bên ngoài. Sau nhiều lần kêu gọi đầu hàng không được, một đoàn viên đã dùng gươm chặt đứt dây xích khóa cổng. Dòng người tràn vào trong, chia nhau chiếm giữ các vị trí trọng yếu và khống chế lính Bảo An. Cột cờ giữa trại được nhanh chóng thay bằng cờ đỏ sao vàng.

Nhưng tình thế khó khăn ập đến khi quân Nhật đưa bốn xe tăng và hàng trăm lính đến bao vây trại Bảo an binh. Lấy cớ phải tuân thủ cam kết của quân Đồng minh là bảo vệ trật tự trị an tại Việt Nam, chúng đòi lực lượng Việt Minh hạ vũ khí và bàn giao lại trại.

Đại diện Việt Minh đã đến gặp viên chỉ huy Nhật ở trước rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám) để điều đình. Phía ta nêu rõ quan điểm là chỉ muốn đấu tranh giành độc lập chứ không gây hấn với người Nhật. Nếu quân Nhật không đàn áp cách mạng thì sẽ tôn trọng, không phải chịu tổn hại. Cuối cùng viên chỉ huy Nhật đã chấp thuận rút quân. Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm Trại Bảo An binh mà không phải nổ một phát súng nào.

Sau đó, lực lượng Bảo An binh được giải thể một cách êm thấm. Lực lượng Việt Minh cũng đồng thời tuyên bố những ai muốn theo cách mạng thì sẽ được tiếp nhận, còn những ai muốn về quê thì cho về. Rất nhiều lính Bảo An đã tình nguyện đi theo cách mạng.

Cùng với trại Bảo An binh, các địa điểm trọng yếu khác ở Hà Nội lần lượt được Việt Minh kiểm soát. Đến 5 giờ chiều ngày 19/8, quân Nhật buộc phải rút lui khỏi Hà Nội. Cuộc cách mạng đã hoàn toàn thắng lợi ở Hà Nội.

Sau này, trại Bảo An binh được bàn giao cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang đóng quân. Cổng trại đã được gắn biển di tích lịch sử. Phía sau nét kiến trúc cổ kính của công trình là một câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa về sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân...

Diện mạo mới sau trùng tu, tôn tạo

Theo phản ánh của báo chí, những năm gần đây cổng trại Bảo An binh đã xuống cấp nghiêm trọng, bao bọc xung quanh là những công trình kiến trúc mới.

Tháng 4/2023, Bộ Công an và TP Hà Nội đã tổ chức tham vấn ý kiến giới chuyên gia để tìm phương án tu bổ, tôn tạo lại dấu tích cách mạng. Sau khi thống nhất phương án, Bộ Công an và TP Hà Nội đã tiến hành trùng tu cổng trại Bảo An binh, phục hồi gần nhất với hiện trạng cổng cũ năm 1945.

Theo đó, kiến trúc cổng tam quan được giữ nguyên trạng, cùng với dòng tên “Garde Indigène”. Trên cánh cổng vẫn còn treo biển “Nơi đây năm 1945 là Trại Bảo An binh. Ngày 19/8/1945, lực lượng Cách mạng đã tước vũ khí của địch và chiếm lĩnh vị trí này”.

Cổng trại Bảo an binh sau khu trùng tu. Ảnh: Trần Hải.

Cổng trại Bảo an binh sau khu trùng tu. Ảnh: Trần Hải.

Công trình được tôn tạo với kĩ thuật thủ công, sử dụng vật liệu truyền thống. Những người thợ thủ công lành nghề, giàu kinh nghiệm từ các làng nghề truyền thống trong vùng đã được mời đến tham gia quá trình tu bổ.

Cùng với Nhà hát Hồ Gươm hiện đại, quy mô vừa khánh thành ở liền kề, cổng Trại Bảo An binh sau khi được trùng tu đã góp phần tạo nên quần thể văn hóa, di tích, kiến trúc giàu bản sắc quanh hồ Hoàn Kiếm, góp phần quảng bá văn hóa du lịch, tôn vinh ý thức giữ gìn, bảo vệ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

Thanh Bình

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/dieu-dac-biet-cua-cong-trai-bao-an-binh-vua-trung-tu-o-ha-noi-1875991.html
Zalo