'Điều còn mãi' 2024: Khi đỉnh cao âm nhạc hòa quyện với niềm tự hào dân tộc
'Điều còn mãi 2024' do Báo VietNamNet phối hợp với IBgroup Việt Nam tổ chức sản xuất khép lại nhưng dư âm về một chương trình hòa nhạc đỉnh cao vẫn còn đọng lại với khán giả nghe nhạc trong ngày đặc biệt của dân tộc.
Trong nhiều năm qua, Điều còn mãi đã trở thành điểm hẹn nghệ thuật quen thuộc, ý nghĩa với khán giả cả nước. Hòa nhạc được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội vào đúng 2h chiều ngày 2/9 hàng năm, đúng thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam.
Chương trình là không gian nghệ thuật đặc biệt để thế hệ hôm nay nối tiếp người đi trước gìn giữ những tác phẩm quý báu trong kho tàng âm nhạc nước nhà, góp phần nối dài hơn nữa tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước được gửi gắm qua từng lời ca, điệu nhạc. Điều này cũng thể hiện nỗ lực và tâm huyết của những người thực hiện chương trình trong hơn một thập kỷ qua.
Những vị khách quý đến với Hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi" 2024:
14h: MC Thùy Linh của VTV dẫn chương trình mời các vị đại biểu, cùng các khán giả thực hiện nghi lễ chào cờ - biểu tượng và một phần quan trọng Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi hằng năm.
Tiết mục Tiến quân ca được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí, Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Olivier Ochanine.
14h06': Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá phát biểu khai mạc chương trình.
"Cứ mỗi năm vào giờ khắc này, BTC chương trình Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi thật vinh dự khi được gặp lại quý vị trong khán phòng của Nhà hát Lớn Hà Nội và trên sóng truyền hình quốc gia.
Năm 2024, đất nước kỷ niệm những sự kiện trọng đại, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô và 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Những dấu mốc chói lọi của lịch sử đã thôi thúc những người làm chương trình kể một câu chuyện bằng âm nhạc với những ca khúc cách mạng mang dấu ấn của một thời oanh liệt, hiển vinh của dân tộc, để thấy giá trị của độc lập, để thêm biết ơn những thế hệ đi trước - những người sẽ còn sống mãi trong lòng chúng ta.
Sân khấu của Điều còn mãi 2024 lần đầu tiên có sự xuất hiện của nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine cùng Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời. Những nhạc phẩm bất hủ của dòng nhạc cách mạng được thể hiện bởi các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế sẽ cất lên một cách sáng tạo nhất cùng với hình thức âm nhạc bác học nhất - nhạc giao hưởng thính phòng. Âm nhạc là một ngôn ngữ không biên giới.
Ngày hôm nay, trong không gian âm nhạc được tôn vinh, Điều còn mãi sẽ không chỉ là nơi lưu giữ, làm sống lại những thanh âm đẹp đẽ, hào hùng mà còn góp phần tạo nên giá trị Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Chúng ta tự hào với bạn bè quốc tế không chỉ bởi những thiên sử vàng mà còn bởi chính con đường mà triệu triệu những con người Việt Nam đang chung tay kiến tạo để làm nên Việt Nam - một mảnh đất hòa bình, thịnh vượng và tươi đẹp", Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá phát biểu.
14h10': Mở đầu cho chương trình là ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ Tịch (tác giả Văn Cao), biểu diễn bởi Hợp xướng Kosmos Opera và Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời.
14h13':Tiết mục Hành quân xa (sáng tác Đỗ Nhuận) được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn, do nhóm Áo Lính biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời và nhạc trưởng Olivier Ochanine.
Hòa nhạc Điều còn mãi năm nay không chỉ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ mà còn đánh dấu 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy, ca khúc Hành quân xa do nhóm Áo Lính thể hiện đã mang đến một cách thể hiện mới mẻ, vẫn có sự hào hùng sâu lắng chạm vào trái tim người nghe.
14h17': Tiết mục "Bài ca trên núi"
Ca sĩ Nguyễn Bảo Yến lần đầu biểu diễn trong Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2024. Bảo Yến có 10 năm du học ở Nga nên chỉ xem hòa nhạc Điều còn mãi từ xa, song mỗi chương trình đều để lại ấn tượng và xúc động riêng. Lần đầu đứng trên sân khấu Điều còn mãi, Bảo Yến đã mang tới làn gió mới mẻ cho chương trình.
Khán giả tiếp tục được đắm chìm trong âm nhạc với tiết mục Bài ca trên núi (nhạc: Nguyễn Văn Thương, lời: Tô Hoài) do ca sĩ Bảo Yến trình bày cùng Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời và nhạc trưởng Olivier Ochanine.
14h25': Tiết mục "Hò kéo pháo" và "Bế Văn Đàn sống mãi"
Chương trình nghệ thuật đặc biệt và hàng triệu con tim cùng hướng về Tổ quốc trong ngày đại lễ, nơi mỗi người con đất Việt nhìn lại những năm tháng lịch sử để thêm tự hào về đất nước, quê hương qua các tác phẩm: Hò kéo pháo (sáng tác Hoàng Vân, thể hiện bởi ca sĩ Phúc Tiệp và Hợp xướng Kosmos Opera), Bế Văn Đàn sống mãi (Nhạc: Huy Du - Phỏng thơ: Trinh Đường do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện).
Tác phẩm Symphonic Poem Điện Biên Phủ - một sáng tác của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng do Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời biểu diễn vô cùng ấn tượng đã khép lại phần một của chương trình.
15h: Tiết mục "Tiến bước dưới quân kỳ"
Xuyên suốt dòng chảy thời gian, những ca khúc ấy mỗi khi vang lên vẫn luôn khiến mọi trái tim rung động, khơi gợi niềm tự hào dân tộc về một thời kỳ lịch sử cứu nước hào hùng. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ hòa theo dòng cảm xúc cùng những giai điệu như nhịp đi hùng tráng, như lời thề sắt son của người lính quyết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhân dân.
Tiến bước dưới quân kỳ - sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho do nhóm Áo Lính biểu diễn là một trong những bài hát truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nhạc trưởng người Pháp gây ấn tượng đặc biệt với khán giả khi không mặc vest mà chọn trang phục áo dài truyền thống Việt Nam như một cách tôn trọng văn hóa và truyền thống nước bản địa. Một ngày trước khi hòa nhạc diễn ra, nhạc trưởng Olivier mới chọn được chiếc áo dài ưng ý.
Năm nay là lần đầu tiên Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi đưa yếu tố quốc tế đến với chương trình. Đó là sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời cùng nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine. Các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế sẽ cùng kể những câu chuyện âm nhạc của quá khứ, hiện tại và tương lai.
Bên cạnh sự xuất hiện của các ca sĩ kỳ cựu, có thể thấy sân khấu cũng có sự tham gia lần đầu tiên của một số giọng ca trẻ, tài năng trong các tiết mục chúng ta vừa thưởng thức, đó là ca sĩ Nguyễn Bảo Yến và nhóm Áo Lính với 5 nghệ sĩ cùng hoạt động nghệ thuật trong quân đội. Điều này thể hiện sự tiếp nối thế hệ, góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước, về ý chí kiên cường của người dân Việt Nam trong chiến đấu và lao động.
15h04': Tiết mục "Qua miền Tây Bắc" - "Chiến thắng Điện Biên Phủ"
Nối tiếp là tác phẩm Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên Phủ (sáng tác: Nguyễn Thành - Đỗ Nhuận, lĩnh xướng: Trịnh Thanh Bình và Hợp xướng Kosmos Opera, do Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời biểu diễn.
15h10': Tiết mục "Tình ca Tây Bắc"
Các nhạc sĩ đã có những sáng tác hay về ngày Điện Biên giải phóng trong niềm hân hoan vui mừng của các dân tộc anh em miền Tây Bắc để ai cũng thuộc, cũng nhớ và tự hào. Cuộc sống, tình yêu thêm đẹp, thêm ý nghĩa khi bản làng có cuộc sống êm đềm, yên ả và đất nước được hòa bình, ấm no: "Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng. Đất nước hòa bình, hạnh phúc ta như mùa xuân".
Đây là lần thứ 2 An Trần biểu diễn ở Điều còn mãi. Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn dù vẫn còn yếu nhưng đã ra Hà Nội từ hôm qua để cổ vũ và đồng hành với con gái trong buổi tập tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nếu như năm ngoái An Trần gây ấn tượng trên sân khấu với tà áo dài thì lần này nữ nghệ sĩ 19 tuổi chọn trang phục thổ cẩm cách điệu của nhà thiết kế Sỹ Hoàng ấn tượng và có màn trình diễn tác phẩm Tình ca Tây Bắc (nhạc: Bùi Đức Hạnh, phỏng thơ Cầm Giang) với tiếng kèn saxophone xuất sắc.
15h20': Tiết mục "The Ballad of Ho Chi Minh"
70 năm đã trôi qua, chiến thắng lẫy lừng của Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam vì ý nghĩa to lớn và tầm vóc vĩ đại. Thắng lợi là thành quả của những năm kháng chiến anh dũng, đầy gian khổ, hy sinh, của sức mạnh đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Các chàng trai nhóm Oplus đã thổi một luồng sinh khí mới cho ca khúc The Ballad of Ho Chi Minh nổi tiếng vốn đã vô cùng quen thuộc với khán giả Việt Nam qua giọng hát của nghệ sĩ Ewan MacColl.
15h30': Tiết mục "Sẽ về Thủ đô", "Tiến về Hà Nội" và "Người Hà Nội"
Để đến được với ngày từ chiến khu trở về tiếp quản, giải phóng Thủ đô 10/10/1954, quân và dân Hà Nội đã vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, lập nên mốc son chói lọi trong lịch sử Thủ đô oai hùng, mở ra mùa thu mới của độc lập tự do, tưng bừng cờ hoa sau 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Những ngày mùa thu lịch sử, lắng nghe những ca khúc về Hà Nội để mỗi người thêm yêu tha thiết mảnh đất này. Có những tác phẩm đặc biệt được hình thành khi cuộc kháng chiến chưa kết thúc nhưng tác giả đã tràn ngập niềm lạc quan, vững tin ở ngày chiến thắng không xa, hình dung tới ngày trở về Thủ đô trong khúc ca khải hoàn.
Đó là tình yêu Thủ đô mãnh liệt, cháy bỏng với quyết tâm kháng chiến thắng lợi trong các tác phẩm Sẽ về Thủ đô của nhạc sĩ Huy Du (ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện), Tiến về Hà Nội (nhạc sĩ Văn Cao, ca sĩ Vũ Thắng Lợi và Dàn hợp xướng Kosmos Opera thể hiện) và Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi do ca sĩ Phạm Khánh Ngọc thể hiện. Nữ ca sĩ đến từ TPHCM khiến khán giả thích thú khi thể hiện một ca khúc đậm chất Hà Nội trên sân khấu Điều còn mãi 2024.
15h45':Tiết mục "Việt Nam quê hương tôi" kết thúc Hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi 2024"
Hòa nhạc Điều còn mãi 2024 khép lại với những giai điệu đẹp và ca từ tràn ngập tình yêu quê hương đất nước của tác phẩm Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ca khúc do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng với sự hòa giọng của tất cả các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình.