Điều chưa biết về ba bảo vật quốc gia mới nhất tại Hoàng thành Thăng Long
Trong số 33 bảo vật quốc gia được công nhận trong đợt 13, ba bảo vật được lưu giữ ở khu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, trong đó có bộ sưu tập đầu phượng thời Lý thế kỷ XI-XII.
Sưu tập đầu phượng thời Lý, thế kỷ XI-XII là hiện vật nguyên gốc, độc bản được làm bằng đất nung, hoa văn khắc hoàn toàn bằng tay. Những hiện vật này được phát hiện trong lòng đất Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu thuộc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần.
Khu vực này là hệ thống kiến trúc thời Lý có quy mô lớn, kết nối liên hoàn tạo thành một quần thể khép kín. Hệ thống công trình kiến trúc thời Lý này được thời Trần tu bổ, sửa chữa và tiếp tục sử dụng.
Tùy vào vai trò và vị trí của mỗi công trình kiến trúc mà nó được trang trí khác nhau, những kiến trúc quan trọng đều được trang trí hết sức cầu kỳ, tinh xảo, đặc biệt là bộ mái kiến trúc. Trang trí trên bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần rất cầu kỳ với nhiều thành tố khác nhau, nhưng thường có: lá đề cân ở giữa bò mái, đầu rồng/ đầu phượng, lá đề lệch…
Có thể nói sưu tập đầu phượng được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long không chỉ là hiện vật gốc mà còn là những tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý thế kỷ XI-XII.
Bình Ngự dụngthời Lê sơ được phát hiện trong các hố khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.
Hình dáng, cấu trúc và một số họa tiết trang trí của bình Ngự dụng tạo hình ảnh như một con rồng ẩn mình trong bình, trong đó vòi bình là đầu của con rồng. Đầu rồng được thể hiện ở tư thế ngẩng cao với sừng và bờm được đắp nổi, tả thực. Bờm trên đầu được thể hiện ở tư thế bay về phía sau và tỏa rộng ra các phía. Quai bình được thể hiện như một phần của thân rồng với vây giương cao. Bốn chân rồng được đắp ở hai bên vai bình, mỗi bên hai chân.
Bình Ngự dụng là minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ thời Lê sơ. Chất lượng của Bình Ngự dụng được thể hiện qua chất liệu, màu men, kỹ thuật nung đốt và họa tiết trang trí. Thời Lê sơ, bình Ngự dụng có thể là loại bình đựng rượu dùng trong các buổi yến tiệc lớn với nhiều người tham dự.
Sưu tập gốm Trường Lạcthời Lê sơ gồm 36 hiện vật với nhiều kích thước khác nhau, trong đó có 9 chiếc chén, 6 chiếc bát, 20 chiếc đĩa và 01 mảnh thân đĩa. Những chén bát, đĩa gốm Trường Lạc, thời Lê sơ là những hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công, do vậy đó là sản phẩm đơn chiếc và độc bản.
Đến nay, loại chén bát, đĩa gốm Trường Lạc có viết chữ Trường Lạc giống như các hiện vật chỉ được phát hiện tại di tích Hoàng thành Thăng Long, chưa phát hiện ở nơi khác.
Theo các nhà nghiên cứu, có thể khẳng định dưới thời Lê Sơ, cung Trường Lạc là cung dành cho Hoàng hậu hoặc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng - Hoàng hậu của vua Lê Thánh Tông và thân mẫu của vua Lê Hiến Tông.
Với giá trị như vậy, các hiện vật này là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu và làm rõ công năng, quá trình tồn tại và thay đổi của các cung điện trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ nói riêng, cấu trúc và cách thức vận hành của các cung, điện… nói chung.
Tại Hà Nội, còn có nhiều hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia như Trống đồng Đông Sơn (Sưu tập Kính Hoa), thế kỷ III - II TCN (lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính), đôi tượng nghê đồng, thế kỷ XVII (lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội), bia chùa Linh Xứng, niên đại: ngày 3 tháng 3 năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (đời vua Lý Nhân Tông, 1126), mộc bài Đa Bối, niên hiệu Thiệu Long thứ 12 (1269) (lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia)...