Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

Ngày 28/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/3/2025. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch là phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng liên tục đạt hai con số; bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo dự thảo Tờ trình trình Quốc hội, năm 2020 diện tích đất nông nghiệp của cả nước là 27.983,26 nghìn ha, đến năm 2024 diện tích đất nông nghiệp là 27.961,59 nghìn ha và theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 thì đất nông nghiệp được xác định đến năm 2030 với diện tích là 27.732,04 nghìn ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Cương tham gia ý kiến tại điểm cầu Điện Biên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Cương tham gia ý kiến tại điểm cầu Điện Biên

Điều chỉnh quy hoạch nhóm đất nông nghiệp đến năm 2030 là trên 26,782 triệu héc ta. Diện tích nhóm đất nông nghiệp sau điều chỉnh giảm so với quy hoạch được duyệt là 949,72 nghìn héc ta. Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, năm 2020 cả nước có trên 3,931 triệu héc ta, đến năm 2024 là trên 4,045 triệu héc ta và theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 thì đất phi nông nghiệp được xác định đến năm 2030 với diện tích 4,896 triệu héc ta. Điều chỉnh quy hoạch nhóm đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 5,840 triệu héc ta. Diện tích nhóm đất phi nông nghiệp sau điều chỉnh tăng so với quy hoạch đã được duyệt là 943,66 nghìn héc ta. Trong đó, đất quốc phòng tăng 0,71 nghìn héc ta, đất an ninh không thay đổi; diện tích các loại đất phi nông nghiệp còn lại tăng 942,95ha.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc tăng diện tích nhóm đất phi nông nghiệp so với quy hoạch được duyệt là để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, tỉnh Điện Biên cơ bản nhất trí với số liệu điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2030 được phân bổ là 592.269ha, chiếm 62,08% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Tuy nhiên, qua rà soát Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ nhu cầu sử dụng đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển một số loại cây chủ lực như mắc ca, cà phê, cần điều chỉnh giảm diện tích đất lâm nghiệp sang sử dụng trồng cây lâu năm, tạo tiền đề để tỉnh Điện Biên kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án nông - lâm nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh Điện Biên đề nghị điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 từ 592.269ha (chiếm 62,08% tổng diện tích tự nhiên) xuống còn 526.036ha (55% tổng diện tích tự nhiên), giảm 66.233ha so với Quyết định số 109/QĐ–TTg. Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đề nghị điều chỉnh hiện trạng là đất quy hoạch lâm nghiệp không có rừng. Việc giảm diện tích đất lâm nghiệp vẫn đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2030 là 48% và phù hợp với thực tế, định hướng phát triển lâm nghiệp của địa phương.

Trên cơ sở dự thảo báo cáo, tờ trình, hội nghị đã thảo luận, đánh giá làm rõ các chỉ tiêu, mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc điều chỉnh sử dụng đất; nhất là khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại thời điểm này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy việc điều chỉnh quy hoạch phải bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, nhất là giai đoạn 2026 - 2030. Việc điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo sự phát triển toàn diện, đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng - an ninh; giải quyết tốt nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực; định hướng cho không gian phát triển, khai hoang, lấn biển.

Trước yêu cầu từ thực tiễn, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tham vấn, tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu tại hội nghị hoàn thiện báo cáo, tờ trình; đưa ra những giải pháp thiết thực đảm bảo sự điều chỉnh, phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ đất trên từng ngành, từng lĩnh vực, phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước.

Tin, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/dieu-chinh-quy-hoach-su-dung-dat-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030
Zalo