Điều chỉnh quy hoạch để bứt phá

Sau hợp nhất, TPHCM cần nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch để tận dụng dư địa phát triển bền vững. Cho nên, những tính toán về không gian đô thị, hạ tầng và kinh tế biển dự kiến sẽ mở ra một cục diện phát triển mới cho thành phố đầu tàu.

TPHCM đặt mục tiêu lọt vào nhóm 100 thành phố đáng sống nhất thế giới. Ảnh: TTXVN.

TPHCM đặt mục tiêu lọt vào nhóm 100 thành phố đáng sống nhất thế giới. Ảnh: TTXVN.

Đồng bộ quy hoạch tạo sức bật kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, TPHCM phải nhanh chóng có quy hoạch mới theo hướng cụ thể hơn nhằm phát huy thế mạnh. Ông Phạm Trần Hải – Phó Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể là nhiệm vụ trọng yếu, tạo đà phát triển bền vững cho thành phố mới. Luật Quy hoạch năm 2017 cho phép các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phải đến năm 2024, TPHCM mới hoàn tất quy hoạch thời kỳ 2021–2030. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều dự án đầu tư công được phê duyệt theo quy hoạch cũ.

“Hiện TPHCM đang tồn tại 3 lớp quy hoạch: quy hoạch cấp thành phố, quy hoạch chung dành cho đô thị đặc biệt và quy hoạch đô thị cấp huyện/xã như ở Thủ Đức. Các lớp quy hoạch này nếu không được rà soát, tích hợp chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó cho việc thu hút đầu tư” - ông Hải chỉ rõ và đưa ra hiến kế, về quy hoạch chung, thành phố cần tái cấu trúc không gian phát triển bằng cách gom các mảnh đất quy hoạch rời rạc trước đây, hình thành những khu vực phát triển thống nhất, tránh cạnh tranh lẫn nhau. Đơn cử, Bình Chánh có thể giảm phát triển công nghiệp, dành quỹ đất cho dịch vụ và nhà ở, trong khi công nghiệp có thể chuyển dịch về Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi còn nhiều dư địa. Bên cạnh đó, danh mục đầu tư cũng phải rà soát đồng bộ, phân chia rõ mức độ ưu tiên, tính cấp thiết.

KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm, sự hợp nhất các địa phương mở ra một cục diện phát triển mới. TPHCM sẽ không chỉ là một đô thị hướng biển, mà phải trở thành một siêu đô thị biển thật sự. Ông Sơn đề xuất, phát triển chuỗi đô thị du lịch sinh thái ven biển kéo dài từ Cần Giờ - Vũng Tàu - Hồ Tràm - Phan Thiết, giống như mô hình thành công ở Dubai. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, trong cấu trúc mới, TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là 3 cực tăng trưởng, bổ trợ cho nhau. Bình Dương phát triển công nghiệp, Bà Rịa – Vũng Tàu làm đầu mối cảng biển và du lịch ven biển, còn TPHCM giữ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bàn về quy hoạch thành phố, ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND thành phố cho hay, trước đây quy hoạch của các tỉnh được xây dựng riêng lẻ theo góc nhìn từng địa phương. Hiện nay, khi đã trở thành một thể thống nhất, TPHCM cần tiếp cận lại với tầm nhìn chiến lược mới. Ông Được chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của 3 địa phương và loại bỏ những chồng lấn không hiệu quả trước đây. “Thành phố đặt mục tiêu vào nhóm 100 thành phố đáng sống nhất thế giới vào năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Vì vậy, phân vùng chức năng, chiến lược phát triển và nguồn lực cho từng khu vực sẽ khác trước rất nhiều. Cần quy hoạch lại một cách bài bản” - lãnh đạo UBND thành phố nhấn mạnh.

Kinh tế tư nhân là động lực

Điều chỉnh quy hoạch không chỉ đòi hỏi tầm nhìn mà còn cần nguồn lực thực hiện. Theo ông Phạm Trần Hải, quá trình này phải đẩy mạnh xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 68, phát huy vai trò kinh tế tư nhân. “Kinh tế nhà nước là chủ đạo, nhưng kinh tế tư nhân mới là động lực quan trọng nhất. Việc điều chỉnh quy hoạch sau sáp nhập nên theo nguyên tắc địa phương tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm” - ông Hải nói.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Tập đoàn Becamex cho biết, TPHCM mới có rất nhiều cơ hội phát triển, bứt phá cho DN. Hiện thành phố mới có loạt dự án cần triển khai đầu tư, đặc biệt là hạ tầng, giao thông như quốc lộ 13, tuyến giao thông Mỹ Phước - Tân Vạn, hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt phục vụ vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách... “Thành phố cần tận dụng thế mạnh của các DN nhà nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân, DN tư nhân thực hiện các dự án lớn, trọng điểm sẽ hiệu quả hơn. Becamex được giao rất nhiều nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục thực hiện tại thành phố” - ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, chỉ ra rào cản, ông Đinh Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM thẳng thắn nhận định: “Đầu tư vào TPHCM trước đây, DN gặp nhiều rào cản như: thủ tục hành chính, giá đất cao, thời gian chờ cấp phép kéo dài… vì vậy không ít DN chuyển sang đầu tư tại các địa phương khác. Giờ hợp nhất, DN băn khoăn, liệu những rào cản đó có kéo sang Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu không? Nếu không cải thiện, DN sẽ lại tìm đến các địa phương khác”. Đại diện cộng đồng DN kiến nghị, TPHCM mới cần cơ chế thông thoáng, cải cách hành chính mạnh mẽ, bộ máy tạo sức mạnh hợp nhất. Chỉ khi đó, nguồn lực xã hội mới được khơi dậy mạnh mẽ, niềm tin của DN mới được củng cố.

Hướng đến chủ trương phát huy vai trò kinh tế tư nhân trong xây dựng TPHCM, ông Nguyễn Văn Được khẳng định, thành phố tiếp tục đồng hành cùng DN. Thành công của DN là thành công của thành phố. Ông Được lưu ý, các Sở, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ DN, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục đầu tư không cần thiết.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dieu-chinh-quy-hoach-de-but-pha-10310477.html
Zalo