Điều chỉnh quy định về dạy thêm, học thêm

Lâu nay vấn đề dạy thêm, học thêm luôn nhận được nhiều ý kiến, ủng hộ rất nhiều và phản đối cũng không phải là ít. Vì thế, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 vừa được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến góp ý, đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Đặc biệt là các phụ huynh, học sinh khi năm học mới 2024-2025 vừa mới bắt đầu.

Học sinh Trường THCS Thị trấn II (huyện Yên Lập) vui đón ngày Khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: Thu Hà

Học sinh Trường THCS Thị trấn II (huyện Yên Lập) vui đón ngày Khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: Thu Hà

Nhìn nhận một cách khách quan, bản chất của hoạt động dạy thêm, học thêm là tốt. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững để theo kịp với các bạn học của mình; khi các em học giỏi muốn rèn luyện, trau dồi kiến thức để đạt được trình độ cao hơn sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi... thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để các em tìm đến.

Trong quá trình giáo dục và đào tạo tri thức cho học sinh qua từng cấp học, thì việc nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém là mục tiêu cơ bản hàng đầu, là mối quan tâm lớn đối với sự nghiệp giáo dục. Có thể nói, vấn đề học sinh yếu kém luôn được các nhà trường quan tâm và tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này. Để nâng dần chất lượng học sinh không phải là chuyện một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm của các thầy cô giáo.

Trong thực tế, có rất nhiều giáo viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, mà còn luôn tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy những mặt tích cực của học sinh và hạ thấp dần tỷ lệ học sinh yếu, kém. Nhiều thầy cô giáo dạy thêm, dạy ngoài giờ, thậm chí dạy cả trong dịp nghỉ Hè chỉ nhằm mục đích giúp các em lấy lại kiến thức cơ bản, hoàn thành tốt chương trình học. Việc bồi dưỡng, dạy thêm cũng là cơ hội để giáo viên hiểu rõ hơn về năng lực của học sinh, kịp thời điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học phù hợp cho các đối tượng khác nhau.

Theo chia sẻ kinh nghiệm của nhiều giáo viên, có rất nhiều cách thức để nhận biết học sinh có học lực khá giỏi cũng như học sinh học yếu, kém như: Thông qua hồ sơ của học sinh đầu năm, nắm bắt tình hình lớp học, thông qua trao đổi với phụ huynh và điều dễ thấy nhất là thông qua điểm số, phản ánh năng lực học tập học sinh. Chính vì vậy, trong mỗi năm học, các trường đều tiến hành phân loại và tăng cường phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém để bù đắp lại lỗ hổng kiến thức với quan điểm không chạy theo thành tích.

Việc dạy học sinh có học lực khá, giỏi vốn dĩ đã khó thì việc phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém lại càng khó hơn nhiều lần, chính vì vậy đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp khoa học và quan trọng là tính kiên trì, nhẫn nại mới có thể giúp học sinh chuyển biến và tiến bộ trong học tập.

Ngoài ra, việc dạy thêm, học thêm nhìn ở một khía cạnh khác chính là từ ý muốn của gia đình học sinh. Cha mẹ các cháu có nhu cầu cho con học thêm không chỉ nâng cao kiến thức, mà còn nhờ thầy cô giúp họ quản lý các cháu trong thời gian bố mẹ bận rộn với công việc, tránh được tình trạng các cháu tham gia vào các hoạt động không lành mạnh ngoài xã hội khi không có phụ huynh ở bên cạnh.

Trên cơ sở sự đồng thuận giữa gia đình và thầy cô giáo, việc học thêm không có yếu tố tiêu cực, ép buộc. Các thầy cô dạy thêm với động cơ hết sức minh bạch, nghiêm túc là tăng cường kiến thức cho học sinh, tăng thu nhập thêm cho gia đình một cách chính đáng.

Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm có lúc, có nơi bị xã hội nhìn nhận và đánh giá sai lệch, do một bộ phận giáo viên thiếu đạo đức, lạm dụng việc dạy thêm để kiếm tiền. Thực tiễn đã xảy ra tình trạng giáo viên ép buộc học sinh phải đi học thêm mặc dù họ không có nhu cầu.

Để học sinh phải đi học thêm, giáo viên đã cắt xén chương trình, không dạy hết trách nhiệm trong giờ học chính khóa. Do vậy, học sinh không thể đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra nếu không tham gia học thêm.

Thường ngày trên lớp, một số giáo viên có cách phân biệt đối xử với những học sinh có tham gia lớp học thêm và học sinh không tham gia lớp học thêm một cách thiếu khách quan. Nếu như học sinh có tham gia lớp học thêm sẽ được giáo viên quan tâm, thân thiện.

Ngược lại, học sinh không tham gia lớp học thêm sẽ không được quan tâm đầy đủ, giáo dục đến nơi đến chốn. Cá biệt có những trường hợp giáo viên có hành động đe dọa, trù dập khiến học sinh và gia đình dù không muốn nhưng vẫn phải tham gia học thêm một cách miễn cưỡng.

Cuộc sống bây giờ cũng không quá thiếu thốn, một bộ phận không nhỏ gia đình dù ở thành thị hay nông thôn có điều kiện và sẵn sàng đầu tư cho con. Bởi tâm lý chung của các phụ huynh là mong muốn con em mình học hành tiến bộ, có đủ năng lực để có thể tham gia học tập ở các bậc học cao hơn. Đây là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng.

Nhưng, vấn đề đáng bàn là phụ huynh không xác định rõ được lực học, sở trường của con mình là như thế nào, trong khi đó lại đặt rất nhiều kỳ vọng và không muốn con mình thua kém bạn bè, muốn con mình phải xuất sắc hơn nữa. Do vậy đã tạo ra áp lực cho con cái và chính bản thân họ về kết quả học tập.

Điều này dẫn đến tình trạng cho con học thêm quá nhiều, hầu như kín thời gian cả tuần đi học (bao gồm học chính khóa và học thêm), kể cả ngày nghỉ cuối tuần, cả các buổi tối, khiến các cháu rất mệt mỏi, không còn thời gian nghỉ ngơi thực sự. Và điều này đã khiến cho việc dạy thêm, học thêm có điều kiện mở rộng không hợp lý và nảy sinh tiêu cực...

Trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã có những văn bản liên quan quy định về việc dạy thêm học thêm: Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 16/5/2012; Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019... Nhiều địa phương căn cứ vào các điều của Thông tư số 17, đã ban hành các văn bản quy định việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương, đặc biệt là hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Thế nhưng trong quá trình thực hiện Thông tư 17 đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, sau khi Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của rất nhiều thầy cô giáo, các chuyên gia, kể cả phụ huynh học sinh.

Một số điểm mới Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm học thêm mới nhất đáng chú ý như: Không quy định các trường hợp không được dạy thêm; vai trò của tổ chuyên môn trong việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận; dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; quy định về thu và quản lý tiền học thêm...

Người dân, nhất là phụ huynh học sinh hy vọng rằng, khi Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm mới được ban hành sẽ điều chỉnh quy định về dạy thêm, học thêm nhằm phù hợp với tình hình thực tế, không cấm nhu cầu chính đáng và tăng tính minh bạch, tạo cơ chế để cộng đồng cùng giám sát. Dạy thêm, học thêm theo một phương thức đúng đắn, phù hợp và có tổ chức chặt chẽ vì quyền lợi chính đáng của cả người dạy và người học, cũng như đảm bảo vai trò, uy tín của nhà trường, của ngành Giáo dục.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dieu-chinh-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-218486.htm
Zalo