Điều chỉnh mức sinh nâng cao chất lượng dân số
Theo công bố của Bộ Y tế về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025, Sơn La là một trong 33 tỉnh, thành phố nằm trong vùng mức sinh cao. Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp điều chỉnh mức sinh thay thế phù hợp, nâng cao chất lượng dân số.

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tuyên truyền chính sách dân số cho phụ nữ.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 6/10/2020 về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Giao Sở Y tế, Chi cục Dân số tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai các hoạt động nhằm giảm mức sinh. Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số; hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân số các cấp. Đồng thời, mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ), hỗ trợ phương tiện tránh thai ở vùng mức sinh cao; tổ chức Chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 100 xã vùng đông dân, có mức sinh cao, xã khó khăn của tỉnh.
Giai đoạn 2020-2024, ngành Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu kiến thức, pháp luật về giới, bình đẳng giới và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, thu hút 20.936 người tham gia; tổ chức 2 lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp và xã Hua Păng, thị xã Mộc Châu, với 460 người tham gia; cấp phát 4.500 cuốn bản tin Dân số - SKSS/KHHGĐ, 100 cuốn sách mỏng, 115.900 tờ rơi, 75 băng, đĩa casset, video tuyên truyền về Pháp lệnh dân số... Hỗ trợ hơn 1.570 phụ nữ thuộc hộ nghèo là dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách và khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số, trong đó, hỗ trợ nhằm giảm mức sinh, tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh thành lập và duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ, mô hình điểm về công tác dân số, SKSS/KHHGĐ, như: “Không sinh con thứ 3 trở lên”, “Gia đình trẻ”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân”, “Bạn gái tiêu biểu”, “Kết nối mẹ và con gái”... thu hút trên 25.000 lượt người tham gia.
Là địa phương có mức sinh cao của tỉnh, huyện Mường La đã nỗ lực điều chỉnh mức sinh, chủ động quản lý thai nghén và an toàn cho phụ nữ khi mang thai, từ tháng 4/2024 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã khám, tư vấn SKSS lưu động tại 6 xã: Nậm Giôn, Chiềng Công, Nặm Păm, Ngọc Chiến, Chiềng Ân và Chiềng Lao. Tại các nơi đến, các y, bác sĩ đã khám và tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai, cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, các địa phương, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được bao phủ mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 15-49 tuổi) được cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 67,6%; tỷ suất sinh thô giảm từ 17,43‰ năm 2018 xuống 12,5‰ năm 2024; tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,36 con/phụ nữ năm 2021, xuống còn 2,2 con/phụ nữ năm 2024, tốc độ tăng dân số cơ bản được khống chế.
Tuy nhiên, quy mô dân số của tỉnh vẫn tăng bình quân 15.000 - 19.000 người/năm. Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn quan niệm sinh con trai để “nối dõi tông đường” nên vài năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng đều ở hầu hết các địa phương, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu giảm sinh nhằm sớm đạt mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số...
Phấn đấu đến năm 2030 đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, tuyên truyền, đưa một số chỉ tiêu về dân số vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội; gắn việc thực hiện chính sách dân số và phát triển vào tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; triển khai các đề án, mô hình, hoạt động thực hiện KHHGĐ, nhằm chuyển đổi hành vi về dân số - SKSS, đảm bảo tính bền vững của công tác dân số và phát triển trong giai đoạn hiện nay.


