Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để mở rộng dư địa phát triển
Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết vừa báo cáo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng và Phương án đề xuất điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.
Theo ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng trị đến năm 2045 nhằm khắc phục những bất cập của quy hoạch năm 2016 và mở rộng thêm dư địa phát triển cho khu kinh tế.
Được biết, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg ngày 16/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Khu kinh tế bao có tổng diện tích 23.972 ha, gồm 17 xã, thị trấn thuộc 3 huyện ven biển là Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng.
Tuy nhiên, sau 10 năm, quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và không gian phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2045.
Theo phương án điều chỉnh của đơn vị tư vấn đề xuất, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có tổng diện tích 26.092 ha, tăng 2.300 ha so với quy hoạch cũ. Trong đó, điều chỉnh bổ sung vào ranh giới Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị khu vực biển tại Khu bến cảng Mỹ Thủy diện tích khoảng 800 ha (xã Hải An, huyện Hải Lăng); bổ sung diện tích mặt đất khoảng 1.500 ha, trong đó tại Khu công nghiệp Quảng Trị là 421,2 ha (xã Hải Trường và thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng) và khu vực lân cận với Khu công nghiệp Quảng Trị, dọc theo Quốc lộ 15D và hành lang đường bộ cao tốc Bắc - Nam khoảng 1.018,8 ha.
Khu kinh tế sẽ bao gồm 4 phân khu phát triển: Phân khu trung tâm với quy mô 9.401 ha, phân khu đô thị 5.573 ha, phân khu sân bay 3.572 ha và phân khu nông nghiệp, nông thôn 5.254 ha.
Các chức năng chính của 4 phân khu, gồm: Khu trung tâm phát triển các dự án động lực gồm cảng biển, công nghiệp, hậu cần cảng, phi thuế quan, năng lượng; chuỗi đô thị du lịch, dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp; khu trung tâm công cộng phân tán về các khu chức năng; cảng hàng không Quảng Trị; nông thôn hiện đại hóa, phát triển hỗn hợp, khu nông nghiệp hữu cơ, sinh thái.
Những điểm mới trọng tâm của việc điều chỉnh quy hoạch chung gồm: Xanh hóa và tối ưu phân khu, phù hợp với tính chất phát triển từng phân khu trong tình hình mới; xử lý khung chức năng lớn, tích hợp đa chức năng, thu hút đầu tư những dự án lớn, giá trị cao; hình thành khu phức hợp công nghiệp, năng lượng, dịch vụ phía Nam cảng Mỹ Thủy, mở rộng phát triển công nghiệp về phía Tây; đẩy mạnh trục giao thông kết nối Đông Tây, đảm bảo khả năng kết nối mỗi huyện có 1 trục kết nối chính và 2 trục kết nối phụ với Khu kinh tế.
Phát triển hệ thống hậu cần logistics, kho bãi gắn với các chức năng trọng tâm; phát triển đô thị du lịch dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp đa văn hóa dọc bờ biển, đảm bảo phù hợp chỉ tiêu phát triển quốc gia, tỉnh Quảng Trị; phát triển dân cư nông thôn linh hoạt, phát triển hỗn hợp, chỉ khống chế các chỉ tiêu lớn; cập nhật quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị, hình thành khu đô thị sân bay.
Trên cơ sở nội dung báo cáo đồ án của đơn vị tư vấn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch lần này hướng đến giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột trong thu hút đầu tư và trong phát triển kinh tế xã hội của Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị nhằm tạo đột phá trong phát triển bền vững. Đồng thời, hướng tới mục tiêu điều chỉnh Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là khu kinh tế tổng hợp, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế của các ngành kinh tế.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo và yêu cầu đơn vị lập tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý của các sở, ban ngành chức năng, điều chỉnh các nội dung phù hợp với thực tiễn tình hình và nhu cầu phát triển trong tương lai.
Trong đó, chú trọng mở rộng ranh giới lên phía Tây để khai thác hết tiềm năng quỹ đất. Đối với các khu dân cư hiện hữu, có mật độ thưa thớt cần quy hoạch, di dời, tái định cư; các khu dân cư tập trung đông, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc thì đưa ra quy hoạch. Từ đó, tạo dựng các quỹ đất có tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư.
“Các tuyến đường kết nối giữa Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị với bên ngoài phải phải bám vào quy hoạch của ngành giao thông. Hai nhiệm vụ điều chỉnh ranh giới và điều chỉnh quy hoạch chung phải song song với nhau nhằm đảm bảo tiến độ. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc vượt thẩm quyền, đơn vị tư vấn cần báo cáo UBND tỉnh để có phương án xử lý kịp thời, đúng quy định”, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.