Điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử
Chiều 12/5, thảo luận tại Tổ 10 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các ý kiến ĐBQH đều tán thành cao sự cần thiết và nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật, trong đó có quy định về điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10
Điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày
Theo Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật liên quan đến 47/98 điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, trong đó tập trung vào 04 nhóm nội dung trọng tâm: Sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp; Sửa đổi các quy định liên quan đến việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử; Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản có nội dung liên quan đến công tác bầu cử... Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 được bố cục thành 2 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung 47 điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Điều 2 là hiệu lực thi hành.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10
Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Đồng thời, nhất trí với phạm vi sửa đổi cũng như tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Cũng theo đại biểu, yêu cầu xây dựng dự án Luật cần bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án Luật. Hoàn thiện các quy định về bầu cử trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử song phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi;...

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10
Ngoài ra, một số ý kiến ĐBQH cũng bày tỏ tán thành với việc lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến Hội đồng nhân dân cấp huyện; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày; bổ sung thành phần đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia làm Ủy viên Ủy ban bầu cử ở tỉnh...
Quan tâm tới hình thức vận động bầu cử, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhất trí với việc bổ sung hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến và giao Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc căn cứ vào điều kiện thực tiễn để quyết định. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, hình thức này áp dụng với việc bầu cử đại biểu Quốc hội là phù hợp hơn; còn đối với việc áp dụng hình thức Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến khi vận động bầu cử đại biểu HĐND cấp xã thì nên xem xét, cân nhắc kỹ.

Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho rằng, địa bàn cấp xã, kể cả khi thực hiện sáp nhập như hiện nay thì nhìn chung là hẹp, nhỏ, với việc quy định như thế này có thể dẫn đến tốn kém khi tổ chức. Mặt khác, theo khoản 3, Điều 5 Luật Tổ chức chính quyền đại phương hiện hành thì một trong những tiêu chuẩn của đại biểu HĐND là “Cư trú hoặc công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình là đại biểu Hội đồng nhân dân”, nghĩa là cũng sinh sống hoặc công tác trong đơn vị hành chính cấp xã.
Hạn chế làm phát sinh thủ tục hành chính, giấy phép con liên quan đến hoạt động xử lý và tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cũng tại phiên thảo luận, các ĐBQH còn cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Góp ý vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân và khai thác, sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Theo đại biểu, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo như hiện nay thì dữ liệu có thể xem như một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng, vì vậy, rất cần có hành lang pháp lý cho hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu minh bạch, công khai, cũng như phải bảo vệ người tiêu dùng trước những hành vi thu thập, khai thác, mua bán, sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép.
Đại biểu tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, thể chế hóa các quy định về dữ liệu cá nhân là vấn đề còn tương đối mới, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia; các quan hệ xã hội liên quan đến dữ liệu cá nhân có tính biến động cao, phụ thuộc nhiều vào sự phát triên của khoa học và công nghệ. Vì vậy, cơ quan chủ trì cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hơn nữa, bảo đảm các quy định của dự thảo Luật cần mang tính nguyên tắc, khái quát được các vấn đề lớn, chính sách chung; tránh đi vào các vấn đề quy trình, kỹ thuật, nghiệp vụ quá chi tiết để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của luật sau khi ban hành. Hạn chế làm phát sinh thủ tục hành chính, giấy phép con liên quan đến hoạt động xử lý và tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, đánh giá cao dự thảo Luật đã có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị và kinh doanh dịch vụ quảng cáo và rất đồng tình với dự thảo quy định. Tuy nhiên, để quy định bao quát đầy đủ hơn, đại biểu Phạm Nam Tiến cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc mở rộng phạm vi của quy định theo hướng “Việc thu thập dữ liệu cá nhân thông qua việc theo dõi website, ứng dụng báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số có kết nối internet chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu".

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Ngoài ra, một số ý kiến ĐBQH cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm sự tương thích của dự thảo Luật với một số luật có liên quan như: Luật Dữ liệu; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dược; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật phòng chống bạo lực gia đình... Đồng thời, chỉnh lý một số thuật ngữ, diễn đạt chưa thực sự phù hợp với tính chất của văn bản quy phạm pháp luật như: “kho ứng dụng di động”, “nghe lén, nghe trộm", "cookies"; cân nhắc bổ sung chủ thể “người giám hộ" cho trẻ em, bên cạnh chủ thể “người đại diện theo pháp luật” của trẻ em để phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.