Điều chỉnh giá bán lẻ điện: Có làm khó doanh nghiệp?

Dự thảo của Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng/lần thay vì 3 tháng/lần như hiện nay với mong muốn dần tiệm cận với thị trường.

ý kiến cho rằng, đề xuất này đang gây bất cập đối với DN, nhưng DN lại cho rằng không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên vẫn cần một sự ổn định, lâu dài.

Điều chỉnh cho kịp với biến động

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Dự kiến mỗi năm sẽ có 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 đợt thay đổi giá như hiện nay.

Điểm đáng chú ý của dự thảo là rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh tăng giá điện. Cụ thể, khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 2 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Công nhân EVNHANOI kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị điện khu vực phố đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hùng Huy

Công nhân EVNHANOI kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị điện khu vực phố đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hùng Huy

Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng (giữ nguyên như quy định hiện hành). Trong khi quy định giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện mới được phép điều chỉnh. Còn thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Công Thương cho biết là để giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của DN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc tránh giật cục trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm.

Mặt khác, hiện nay các thông số đầu vào trong tính toán giá điện có sự biến động khá lớn trong thời gian ngắn và cần phải phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhà điều hành cũng cho biết, quy định này phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về “tránh giật cục trong điều hành giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm”. Mặt khác, hiện các thông số đầu vào biến động khá lớn trong thời gian ngắn, theo Bộ Công Thương, các thay đổi này cần được phản ánh kịp thời để hạn chế tác động đến mức điều chỉnh.

Ở dự thảo lần này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có quyền điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng dưới 5%. Song, biên độ điều chỉnh được nới rộng từ 2 - 5%, thay vì 3 - 5% như hiện tại.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng 5 - 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Dự thảo cũng bổ sung cơ sở xác định lợi nhuận định mức trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các đơn vị hạch toán phụ thuộc chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các khâu này được xác định bằng mức trung bình lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân của 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) vào ngày 30/9 của 5 năm liền kề trước đó.

Hàng năm, EVN có trách nhiệm công bố công khai bao gồm: Chi phí thực tế thực hiện các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, điều hành - quản lý ngành) và các khoản chi phí khác...

Mong chính sách ổn định

Bộ Công Thương cho rằng, cần sửa đổi nguyên tắc về mức, thời gian điều chỉnh giá bán điện để phù hợp với Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Đồng thời, giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý với lợi nhuận để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện như vậy, chắc chắn sẽ có tác động tới “túi tiền” của người tiêu dùng khi giá bán lẻ dao động và DN sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 2% trở lên.

Nhìn nhận vấn đề, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) Trịnh Thị Ngân thẳng thắn, quan điểm này đối với DN là rất bất cập, vì xây dựng giá bán sản phẩm phải phù hợp không thể thay đổi liên tục được.

Với đối tác xuất khẩu đòi hỏi chặt chẽ giá cả theo hợp đồng, do vậy thời gian ngắn quá không thể đàm phán giá cả ngay được và ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, kinh doanh của DN khi xây dựng giá thành. Cái chính DN cần nên có chính sách ổn định, lâu dài chứ cứ thay đổi liên tục cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Còn đối với người dân thu nhập khó tăng trong khi mọi giá cả dịch vụ tăng ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Đồng quan điểm và cho rằng chính sách nên nhất quán, ổn định và lâu dài, không nên thay đổi liên tục. Song, Phó Chủ tịch Tập đoàn GIZA E&C, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp HAAST Dương Nguyên Thành cho rằng, dự thảo này thực tế không ảnh hưởng gì đến chi phí buộc chủ DN phải quan tâm. Lý do đơn giản là vì giá nền cơ bản của các yếu tố đầu vào của điện ở Việt Nam cơ bản là ổn định (do cơ cấu của nguồn).

Trong khi thực sự DN quan tâm đến 3 việc chính: mở rộng thị trường/tập khách hàng; đào sâu để làm được sản phẩm/dịch cụ có giá trị gia tăng lớn hơn, biên lợi nhuận tốt hơn; tổ chức sản xuất cho khoa học được tìm kiếm lợi nhuận ngay trong sản xuất.

Trừ một số trường hợp siêu đặc biệt, còn lại thì quan tâm đến tiết kiệm điện/năng lượng (tiêu thụ) thực sự có giá trị hơn nhiều so với việc quan tâm đến giá điện sẽ điều chỉnh như thế nào trong cái biên mà nó chỉ biến động ít. Nhưng chính sách nên có tính dài hơi, tránh xáo trộn để DN tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Dự thảo bổ sung cơ sở xác định lợi nhuận định mức trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các đơn vị hạch toán phụ thuộc chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN.

Việc bổ sung quy định về cơ sở xác định lợi nhuận định mức phù hợp với Luật Điện lực (sửa đổi), bảo đảm lợi nhuận hợp lý để DN bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh. Việc này cũng bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch và cơ sở thực hiện.

Nguyên Dương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dieu-chinh-gia-ban-le-dien-co-lam-kho-doanh-nghiep.html
Zalo