Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Kết luận số 118-KL/TW về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Việc điều chỉnh, bổ sung này nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Theo đó, điều chỉnh, bổ sung cơ cấu, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư của 4 Đảng bộ thuộc Trung ương, gồm: Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương, số lượng ủy viên ban chấp hành không quá 39; số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 17.
Đối với Đảng bộ Chính phủ: số lượng ủy viên ban chấp hành không quá 61; số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 17.
Đối với Đảng bộ Quốc hội, số lượng ủy viên ban chấp hành không quá 39 và số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 19.
Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương, số lượng ủy viên ban chấp hành không quá 45 và số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 15.
Về số lượng phó bí thư, mỗi đảng bộ nêu trên có 1 phó bí thư thường trực đảng ủy và 2-3 phó bí thư đảng ủy chuyên trách.
Bộ Chính trị chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra các đảng ủy trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030.
Ban thường vụ đảng ủy trực thuộc Trung ương quyết định thành lập tổ chức Đảng các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy và chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030.
Kết luận số 118-KL/TW cũng quy định số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư nhiệm kỳ 2025-2030 của các Đảng bộ trực thuộc 4 Đảng bộ Trung ương đã nêu ở trên. Đồng thời quy định số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư nhiệm kỳ 2025 – 2030 của 2 Đảng bộ trực thuộc tỉnh là Đảng bộ các cơ quan Đảng và Đảng bộ UBND tỉnh của các tỉnh, thành phố.
Cụ thể về Đảng bộ các cơ quan Đảng của tỉnh, thành phố, số lượng ủy viên ban chấp hành không quá 27 (riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không quá 33); số lượng ủy viên ban thường vụ, đối với các tỉnh và thành phố không quá 9 (Hà Nội và Hồ Chí Minh không quá 11); số lượng phó bí thư, các tỉnh, thành phố có 1 phó bí thư thường trực và 1 phó bí thư Đảng ủy chuyên trách.
Về Đảng bộ UBND tỉnh, thành phố, số lượng ủy viên ban chấp hành không quá 27 và số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 9.
Về số lượng ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và cấp huyện nhiệm kỳ 2025-2030, thực hiện theo Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XIII.
Riêng số lượng, cơ cấu ban thường vụ cấp ủy cấp xã có điều chỉnh, bổ sung theo hướng số lượng ban thường vụ cấp ủy cấp xã từ 5-7; định hướng cơ cấu ban thường vụ ngoài các chức danh đã nêu ở Chỉ thị 35 thì bổ sung thêm chức danh phó chủ tịch UBND cấp xã.
Đối với các Đảng bộ, chi bộ dự kiến kết thúc hoạt động thì không tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025-2030.
Đối với các Đảng bộ, chi bộ thành lập mới, hợp nhất, sáp nhập, tiến hành đại hội với 2 nội dung: tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ, chi bộ nhiệm kỳ 2020-2025 (nếu có) và xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030; thảo luận, đóng góp ý kiến dự thảo các văn kiện đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp.
Ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030; phân bổ số lượng và chỉ định đại biểu của các Đảng bộ, chi bộ này dự đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp.
Các Đảng bộ, chi bộ không thuộc diện phải kết thúc hoạt động, thành lập mới, hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức đại hội theo Chỉ thị số 35-CT/TW.