Điều bất ngờ xảy ra khi bệnh nhân tiểu đường ăn 1 củ cà rốt
Nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Nam Đan Mạch (SDU) cho thấy 1 củ cà rốt đủ đem đến hàng loạt thay đổi trong cơ thể bệnh nhân tiểu đường type 2.
Nhóm nghiên cứu SDU đã hợp tác với các cộng sự từ Bệnh viện Đại học Odense và Đại học Copenhagen (Đan Mạch) để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Một củ cà rốt thông thường có thể cải thiện việc điều trị bệnh tiểu đường type 2 không?
Các kết quả vừa công bố trên tạp chí y học Clinical and Translational Science cho thấy câu trả lời là có.
Theo các tác giả, số ca bệnh tiểu đường type 2 đang ngày càng tăng trên toàn cầu. Chỉ riêng ở Đan Mạch, số ca bệnh đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1996. Việc điều trị thường bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và thuốc, mặc dù nhiều người gặp phải tác dụng phụ từ các loại dược phẩm thông thường.
Vì vậy, các nhà khoa học SDU và cộng sự đã đi tìm một phương thuốc tự nhiên có thể bổ sung cho các phương pháp điều trị hiện có. Họ đã thử nghiệm trên những con chuột bị tiểu đường type 2 vì ăn theo chế độ nhiều chất béo để mô phỏng lối sống không lành mạnh của con người. Trong hơn 16 tuần, chúng được chia thành hai nhóm: Một nhóm được cho ăn chế độ ăn bổ sung 10% bột cà rốt đông khô, trong khi nhóm còn lại được cho ăn chế độ ăn không có cà rốt.
Kết quả cho thấy dù nạp lượng calo như nhau, những con được bổ sung cà rốt cải thiện được mức đường huyết đáng kể so với những con đối chứng, được đo bằng các xét nghiệm dung nạp glucose.
Theo News Medical, nghiên cứu cũng chỉ ra tác dụng đặc biệt của cà rốt lên bệnh tiểu đường type 2 chủ yếu là nhờ loại củ này rất giàu các hợp chất hoạt tính sinh học giúp tăng cường khả năng hấp thụ đường của tế bào, do đó hỗ trợ điều chỉnh đường huyết.
Các chất hoạt tính sinh học này, có nguồn gốc từ axit béo không bão hòa, cũng có trong các loại rau khác thuộc họ cà rốt, chẳng hạn như rau mùi tây, cần tây và củ cải vàng.
Nghiên cứu cũng cho thấy cà rốt làm thay đổi thành phần của hệ vi sinh đường ruột, vốn đóng nhiều vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và sức khỏe.
Sự thay đổi theo hướng tích cực này bao gồm làm gia tăng lượng vi khuẩn sản xuất axit béo chuỗi ngắn (SCFA). SCFA hình thành khi vi khuẩn phân hủy chất xơ trong chế độ ăn uống, giúp điều chỉnh quá trình chuyển hóa năng lượng và đường huyết, tăng cường sức khỏe đường ruột.
Các nhà nghiên cứu cho biết ở con người, việc ăn 1 củ cà rốt cũng đã đem lại hiệu ứng nói trên. Tuy nhiên họ vẫn cần tiến hành tiếp các thử nghiệm lâm sàng để tính toán lượng cà rốt cần ăn.