Điều bất ngờ sau bức màn 'nước Mỹ trên hết' của chính quyền Trump 2.0

Dù cùng đồng thuận với phong trào 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại' của ông Trump, những nhân vật được tổng thống đắc cử lựa chọn vào nội các có kinh nghiệm và cách nhìn đa dạng.

Bức tranh nội các và nhân sự trong nội các của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang dần hoàn thiện, với kỳ vọng về một chính quyền thống nhất, trung thành và được thúc đẩy bởi lý tưởng “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA). Tuy nhiên, New York Times nhận định chính quyền sắp tới có ít nhất 3 phe phái với hệ tư tưởng riêng biệt.

Nhóm đầu tiên nhằm trả đũa chính trị. Phe này gồm những ứng viên ngồi vào Bộ Tư pháp, các cơ quan tình báo và Bộ Quốc phòng, truy lùng “nhà nước ngầm” và mọi cá nhân tham gia truy tố ông Trump.

Nhóm thứ 2 nhằm trấn an thị trường. Điển hình nhất là ứng viên Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. Nhà đầu tư này có thể thuộc làu những quan điểm bãi bỏ quy định và giảm thuế, nhưng sẽ nỗ lực đảm bảo các biện pháp cực đoan nhất - như đánh thuế quan gây lạm phát hàng hóa nước ngoài - không ảnh hưởng tới sự lạc quan của thị trường chứng khoán hậu bầu cử.

Nhóm thứ 3 nhằm thu hẹp chính phủ, với đại diện là tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy. Họ muốn cắt giảm ít nhất 2.000 tỷ USD từ ngân sách liên bang hàng năm.

Xung đột ý kiến nhưng có khả năng phối hợp hiệu quả

Một nội các phong phú về ý thức hệ và quan điểm thường được coi là thế mạnh, thay vì khuyết điểm. Với trường hợp của ông Trump, điều bất ngờ là rất nhiều ứng viên có kinh nghiệm và thế giới quan khác nhau song cùng đứng dưới hệ tư tưởng MAGA và trung thành với ông Trump.

“(Ông Trump chọn các ứng viên) có tư tưởng và trải nghiệm đa dạng hơn tôi dự đoán”, Michael Beschloss - nhà sử học về tổng thống - nhận định. “So sánh với lịch sử, một nhóm như thế này thường xảy ra bất đồng. Nếu họ tranh luận một cách văn minh, lịch sử chứng minh rằng xung đột đôi khi dẫn đến các chính sách hiệu quả".

Ngay cả khi đảng Cộng hòa đã tiếp nhận triết lý MAGA, việc kỳ vọng tất cả thành viên trong chính quyền Trump đều có tư tưởng giống nhau là không hợp lý.

“Chúng ta không nên mong đợi một hệ tư tưởng nhất quán trong những người được ông Trump đề cử. Bởi không có quy trình cụ thể tuyển chọn những người này, tất cả phụ thuộc vào đánh giá của người đứng đầu”, Chris Whipple - tác giả The Gatekeepers, cuốn sách về các chánh văn phòng Nhà Trắng - cho biết.

Ông Bessent không theo hệ tư tưởng MAGA ngay từ đầu. Nhà đầu tư này ủng hộ góc nhìn về thuế quan của ông Trump, nhưng những tuần gần đây, ông nhấn mạnh cần áp dụng chính sách này dần dần để tránh các cú sốc kinh tế.

Ngoài ra, việc ông Bessent là người đồng tính, đã kết hôn và có con nhờ mang thai hộ chắc chắn đi ngược lại niềm tin của một số người ủng hộ ông Trump theo đạo Tin lành và cánh hữu cực đoan.

Tuy nhiên, một số người trung thành với MAGA có thể khó chịu nhất với việc ông Bessent từng gây quỹ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của một đảng viên Dân chủ, Al Gore, vào năm 2000. Hay 10 năm trước, ông là giám đốc đầu tư của Soros Fund Management, quỹ sáng lập bởi nhà đầu George Soros, chủ đề của hàng loạt thuyết âm mưu cánh hữu. Ông Trump dường như đã bỏ qua thực tế ông Bessent được coi là một trong những học trò thành công nhất của ông Soros.

 Nhà đầu tư Scott Bessent được đề cử làm ứng viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Ảnh: Reuters.

Nhà đầu tư Scott Bessent được đề cử làm ứng viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Lao động, Lori Chavez-DeRemer, đứng giữa hai phe. Bà Chavez-DeRemer - một đảng viên Cộng hòa từ Oregon vừa mất ghế tại Hạ viện - thường nói về tư cách thành viên của cha bà trong liên đoàn lao động Teamsters và được khoảng 20 nghiệp đoàn lao động ủng hộ trong chiến dịch tranh cử vừa qua.

Khi đảng Cộng hòa hậu thuẫn ông Trump và cam kết xóa bỏ quy định của chính phủ, bà Chavez-DeRemer đi theo hướng ngược lại. Bà là một trong ba đảng viên Cộng hòa tài trợ cho một dự luật năm 2023 nhằm bảo vệ những người lao động tổ chức đại diện công đoàn không bị trả đũa hoặc sa thải, đồng thời trao cho chính phủ liên bang quyền hạn mới trừng phạt người sử dụng lao động vi phạm quyền của người lao động.

Nghiệp đoàn không phải là lĩnh vực duy nhất bà Chavez-DeRemer cảm thấy chính phủ có thể can thiệp sâu hơn. “An toàn công cộng là một trong những điều phi đảng phái. Mọi người muốn thức dậy vào buổi sáng, cảm thấy an toàn khi lái xe đưa con đến trường”, bà nói.

Tin tức cựu hạ nghị sĩ này được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Lao động được Teamsters hoan nghênh. Trong khi đó, liên đoàn AFL-CIO cảnh giác về “chương trình nghị sự chống người lao động” được ông Trump đăng trên mạng xã hội, nhưng thừa nhận “Lori Chavez-DeRemer ủng hộ người lao động tại Quốc hội”.

Khuôn mẫu "trợ lý của Trump"

Một người phù hợp với tiêu chuẩn “trợ lý của Trump” là Brooke Rollins, được đề cử làm Bộ trưởng Nông nghiệp. Bà từng là cố vấn chính sách trong nước trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, sau đó trở thành người đứng đầu Viện Chính sách nước Mỹ trên hết.

Tổ chức của bà Rollins kêu gọi bãi bỏ chế độ bảo vệ công chức với nhiều nhân viên liên bang, đẩy nhanh hoạt động khoan dầu và khí đốt trên đất liên bang và cắt luật “cờ đỏ” ngăn chặn quyền sở hữu súng của những đối tượng bị thẩm phán coi là mối nguy hiểm cho chính họ hoặc người khác.

Trong khi đó, Michael Waltz - người được chỉ định làm Cố vấn An ninh Quốc gia - từng ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Ukraine cho đến khi bỏ phiếu chống khoản viện trợ bổ sung 95 tỷ USD cho Kyiv hồi xuân.

 Bộ máy chính quyền Trump 2.0 tập hợp nhiều nhân vật có kinh nghiệm và hệ tư tưởng khác nhau. Ảnh: New York Times.

Bộ máy chính quyền Trump 2.0 tập hợp nhiều nhân vật có kinh nghiệm và hệ tư tưởng khác nhau. Ảnh: New York Times.

Cấp phó của ông Waltz, Alex Wong, đã làm việc cho ông Mitt Romney vào năm 2012, một phần phe cánh đảng Cộng hòa chưa bao giờ đồng tình với ông Trump. Nhưng ông Wong từng giữ chức cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ, đảm nhiệm vấn đề Triều Tiên, hỗ trợ sắp xếp 2 cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Nỗ lực thuyết phục ông Kim từ bỏ kho vũ khí hạt nhân đã thất bại, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh ông đã đàm phán xong với Washington.

Ông Wong cũng từng là Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, một cơ quan lưỡng đảng do Quốc hội bổ nhiệm chuyên nghiên cứu tác động an ninh quốc gia từ hoạt động kinh tế của Mỹ với Bắc Kinh. Tổng thống đắc cử chưa bao giờ thảo luận về chủ đề này trong chiến dịch tranh cử.

Về tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy, họ đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) với tuyên bố “bộ máy quan liêu cố hữu và ngày càng đại diện cho mối đe dọa hiện hữu với nền cộng hòa của chúng ta”.

DOGE không phải là cơ quan liên bang, mà là một nhóm bên ngoài chính phủ. Hai người này khẳng định trong tương lai DOGE sẽ có đường dây trực tiếp tới Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng.

DOGE cam kết tập trung trước tiên vào "hơn 500 tỷ USD chi tiêu liên bang hàng năm không được Quốc hội cho phép hoặc Quốc hội không có ý định sử dụng”, bao gồm khoản tài trợ cho các tổ chức quốc tế hoặc Tổng công ty Phát thanh Công cộng.

Khoản tiền 535 triệu USD quỹ liên bang cho phát thanh công cộng chỉ chiếm 0.026% trong mục tiêu 2.000 tỷ của ông Musk. Ngay cả khi xóa bỏ toàn bộ ngân sách quốc phòng của Mỹ, ông chủ Tesla cũng chưa đạt được một nửa tham vọng.

Hiện chưa rõ cách hai doanh nhân này làm việc với ứng viên đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Russell Vought, ra sao. Ông là nhân vật chủ chốt trong Dự án 2025, vạch ra kế hoạch tái cấu trúc chính phủ Mỹ để tăng cường quyền lực của tổng thống bằng cách phá bỏ và xây dựng lại các thể chế hành pháp.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-bat-ngo-sau-buc-man-nuoc-my-tren-het-cua-chinh-quyen-trump-20-post1513641.html
Zalo