Điều bất di bất dịch với bà Kamala Harris

Dù là một chính trị gia bị chỉ trích vì thay đổi lập trường trong một số vấn đề, bà Kamala Harris có một niềm tin bất di bất dịch với quyền phá thai trong nhiều năm qua.

Vào tháng 4/2004, khi mới nhậm chức công tố viên San Francisco chưa đầy 4 tháng, bà Kamala Harris đã bay tới Washington, D.C. để tham gia một buổi tuần hành lớn.

Khi đó, công chúng trên khắp cả nước đã đổ về National Mall để tham gia March for Women’s Lives (Tuần hành vì Quyền sống của Phụ nữ), với mục đích kêu gọi bảo vệ và mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó có quyền phá thai.

Cùng với khoảng 30 nữ lãnh đạo khác, bà Harris đã có mặt để phản đối việc Tổng thống Mỹ George W. Bush ký dự luật cấm phá thai vào giai đoạn cuối thai kỳ và cho phép truy tố hình sự các bác sĩ thực hiện thủ thuật này. Những phụ nữ khẳng định vị tổng thống đang chính trị hóa vấn đề sức khỏe cá nhân.

20 năm sau, bà Harris đã đưa quyền phá thai - chủ đề thế mạnh của đảng Dân chủ kể từ khi Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược án lệ Roe v. Wade vào năm 2022 - trở thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Mặc dù một số đảng viên Dân chủ, trong đó có Tổng thống Joe Biden, lên tiếng bảo vệ quyền phá thai, bạn bè và cộng sự đều khẳng định phó tổng thống đã công khai nói về vấn đề này suốt nhiều thập niên.

Theo New York Times, đối với một chính trị gia bị chỉ trích vì thay đổi quan điểm trong một số vấn đề, bà Harris luôn thể hiện lập trường kiên định về quyền phá thai.

Đồng tài trợ cho một dự luật bảo vệ quyền sinh sản

“Trong nhiều chủ đề, bà ấy cân nhắc các góc nhìn khác nhau và đưa ra các tiếp cận thực tế”, David Chiu - công tố viên tại San Francisco, người quen biết bà Harris hơn 25 năm - cho biết. “Nhưng về các vấn đề xâm phạm quyền tự do sinh sản, quyền tự chủ và sự an toàn với cơ thể phụ nữ, bà ấy chưa bao giờ thỏa hiệp hay nhượng bộ”.

Theo ông Chiu, năm 2006 và 2008 là những lần đầu tiên bà Harris công khai bày tỏ quan điểm về quyền sinh sản của phụ nữ trên cương vị một quan chức. Khi đó, bà phản đối các đề xuất yêu cầu trẻ vị thành niên cần có sự đồng ý của phụ huynh nếu muốn phá thai. Cử tri sau đó cũng bác bỏ cả hai ý kiến này.

Ông Chiu cho rằng sự tận tụy của bà Harris là do xuất thân khi phó tổng thống là con gái một nhà khoa học nghiên cứu về ung thư vú, và do bà từng là công tố viên.

“Bà ấy từng dành toàn bộ sự nghiệp bảo vệ những người phụ nữ bị tấn công, ngược đãi, hành hạ, cưỡng hiếp. Tôi nghĩ mong muốn bảo vệ quyền sức khỏe sinh sản của phụ nữ bắt nguồn từ những giá trị đó”, ông nói.

 Tuần hành March for Women’s Lives hồi năm 2004. Ảnh: New York Times.

Tuần hành March for Women’s Lives hồi năm 2004. Ảnh: New York Times.

Hồi năm 2000, vụ án Claire Tempongko bị bạn trai cũ Tari Ramirez đâm chết trước mặt hai đứa con 5 và 10 tuổi đã gây chấn động San Francisco và phơi bày những lỗ hổng trong phản ứng chống bạo lực gia đình của thành phố. Trong phiên tòa, Ramirez khai mình nổi cơn thịnh nộ vì Tempongko phá thai khi chưa được hắn đồng ý.

Bà Harris đã chỉ đạo một trợ lý công tố viên quận truy tố vụ án, nhưng vẫn thường xuyên theo dõi các phiên tòa. Phó tổng thống cũng thúc đẩy những thay đổi trong phản ứng của thành phố với bạo lực gia đình vì vụ việc này.

Trên cương vị là tổng chưởng lý California, bước đi công khai nhất ủng hộ quyền phá thai của bà Harris là vào năm 2015, khi bà đồng ý tài trợ cho một dự luật có tên Reproductive FACT Act. Dự luật yêu cầu các trung tâm hỗ trợ khủng hoảng thai kỳ - thường là các tổ chức liên kết tôn giáo phản đối phá thai và cố gắng thuyết phục phụ nữ tiếp tục mang thai - phải thông báo cho phụ nữ về dịch vụ sức khỏe sinh sản, trong đó cả phá thai, tại các chương trình y tế công cộng trong bang.

Ông Chiu cho biết việc tổng chưởng lý của một bang đồng tài trợ cho dự luật là tương đối hiếm. Theo vị công tố viên, dự luật này xuất phát từ cuộc điều tra của một tổ chức về quyền sinh sản. Họ phát hiện các trung tâm hỗ trợ khủng hoảng thai kỳ cho rằng phá thai liên quan đến các hệ quả về mặt sức khỏe như ung thư vú, vô sinh, sảy thai và trầm cảm, mặc dù chưa có bằng chứng nào về mặt khoa học.

Ông cho biết tổ chức này tiếp cận bà Harris và bà đã đồng ý đồng tài trợ cho dự luật.

“Bà ấy đảm bảo cấp dưới tham gia tích cực và kỹ lưỡng vào quá trình soạn thảo dự luật. Chúng tôi, những người làm việc về dự luật này, rất biết ơn vì bà ấy sẵn sàng cho mượn tên và văn phòng của mình cho mục đích này", ông Chiu cho biết.

Ông thông tin thêm văn phòng bà Harris cũng tìm cách đảm bảo dự luật có thể vượt qua các thách thức pháp lý đến từ nhóm chống phá thai.

Bà Harris đã ca ngợi dự luật khi Thống đốc Jerry Brown ký thành luật vào cuối năm 2015.

“Tôi tự hào được đồng bảo trợ cho Reproductive FACT Act. (Luật sẽ) đảm bảo tất cả phụ nữ đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện, có đủ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt về sức khỏe và cuộc sống của chính mình”, bà nêu trong một tuyên bố.

Các trung tâm hỗ trợ khủng hoảng thai kỳ nhanh chóng phản đối luật này và kiện bà Harris với tư cách là tổng chưởng lý. Người kế nhiệm bà, Xavier Becerra, trở thành bị đơn trong các vụ kiện khi ông trở thành tổng chưởng lý vào năm 2017. Vào năm 2018, Tòa án Tối cao Mỹ đứng về phía các trung tâm hỗ trợ khủng hoảng thai kỳ, tuyên bố luật vô hiệu.

Điều tra nhà hoạt động chống phá thai

Là tổng chưởng lý, bà Harris cũng điều tra một nhà hoạt động chống phá thai.

Hồi năm 2015, David Daleiden và Sandra Merritt đóng giả làm đại diện một công ty công nghệ sinh học muốn mua mô thai nhi và bí mật quay lại các cuộc trò chuyện. Trong đoạn video đăng tải, ông cho rằng các nhân viên của tổ chức Planned Parenthood ở California thảo luận về việc bán mô thai nhi bất hợp pháp.

 Bà Harris luôn kiên định với quyền phá thai, quyền sinh sản. Ảnh: New York Times.

Bà Harris luôn kiên định với quyền phá thai, quyền sinh sản. Ảnh: New York Times.

Vụ việc dẫn tới làn sóng phản đối phá thai chống lại Planned Parenthood. Tuy nhiên, các cuộc điều tra từ Quốc hội Mỹ và cấp bang không tìm thấy bằng chứng Planned Parenthood bán các bộ phận của thai nhi để kiếm lời hoặc vi phạm pháp luật. Các nhà cung cấp dịch vụ phá thai được phép chia sẻ mô thai nhi với các tổ chức tham gia nghiên cứu khoa học và có thể được trả phí.

Bà Harris đã ủy quyền cho Sở Tư pháp California khám xét nhà ông Daleiden ở quận Cam vào năm 2016, thu giữ một máy tính xách tay và ổ cứng máy tính. Ông Daleiden và các nhóm chống phá thai cáo buộc bà Harris, người đang tranh cử vào Thượng viện Mỹ thời điểm đó, đã điều tra thiên vị vì có quan hệ chính trị với các nhóm bảo vệ quyền phá thai.

Bằng chứng từ đợt khám xét trở thành cơ sở cho các cáo buộc hình sự chống lại ông Daleiden và bà Merritt được đệ trình vào năm 2017 bởi ông Becerra, người kế nhiệm bà Harris làm tổng chưởng lý. Vụ án này dự kiến xét xử vào cuối năm.

Planned Parenthood cũng đệ đơn kiện dân sự chống lại ông Daleiden và bà Merritt. Vào năm 2019, một bồi thẩm đoàn liên bang đồng ý hơn 2 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại. Năm 2023, Tòa án Tối cao Mỹ từ chối thụ lý đơn kháng cáo.

Thỏa thuận với bệnh viện

Năm 2013, văn phòng bà Harris điều tra vụ việc bệnh viện Hoag Memorial Hospital Presbyterian ở Quận Cam hợp tác với St. Joseph Health - một hệ thống y tế Công giáo. Theo đó, họ quyết định ngừng cung cấp dịch vụ phá thai không khẩn cấp hoặc phá thai theo lựa chọn, hạn chế các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ để tuân thủ theo các giáo lý của Giáo hội Công giáo.

Những người ủng hộ quyền phá thai và một số bác sĩ tại Hoag cho biết bệnh viện nên tiếp tục cung cấp đầy đủ các dịch vụ. Họ phàn nàn sự thay đổi này sẽ ngăn cản phụ nữ nhận được sự chăm sóc tốt nhất trong mọi tình huống.

Khoảng một năm sau, văn phòng bà Harris thông báo đã đạt được thỏa thuận với Hoag, cho phép bệnh viện ngừng cung cấp dịch vụ phá thai theo lựa chọn, miễn là bệnh viện hỗ trợ phụ nữ tìm được phòng khám hoặc bên khác cho phép họ chấm dứt thai kỳ.

Thỏa thuận nêu rõ trong 20 năm, Hoag sẽ phải cung cấp tất cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản khác, trong đó có một số dịch vụ đi ngược với các giáo lý Công giáo, như thắt ống dẫn trứng, đặt vòng tránh thai, hay phá thai khẩn cấp.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-bat-di-bat-dich-voi-ba-kamala-harris-post1507787.html
Zalo