Diễn tiến mới nhất vụ tai nạn giao thông ở Vĩnh Long

Vụ tai nạn giao thông ở Vĩnh Long, luật sư của gia đình bé Trân đã cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, trong đó thể hiện hồ sơ có 2 biên bản khám nghiệm hiện trường.

Ngày 4-5, Cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND Tối cao đã về làm việc tại Vĩnh Long để kiểm tra, xác minh thông tin có dấu hiệu tội phạm liên quan đến quá trình Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn giải quyết vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 11 giờ ngày 4-9-2024 tại Km08 đường tỉnh 901 thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn.

Vụ tai nạn này đã khiến bé Nguyễn Ngọc Bảo Trân (sinh năm 2010, ngụ ấp Bang Chang, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) tử vong.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc

Trước đó, ngày 3-5, theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND Tối cao, viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Long đã hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 73/QĐ-ĐTTH ngày 23-1-2025 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn; chuyển hồ sơ đến CQĐT có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

 Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND Tối cao làm việc với đại diện gia đình bé Trân. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND Tối cao làm việc với đại diện gia đình bé Trân. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Chiều cùng ngày, CQĐT VKSND Tối cao cũng đã làm việc với đại diện luật sư của gia đình bé Trân. Tại buổi làm việc, điều tra viên đã thông tin về việc CQĐT VKSND Tối cao đang kiểm tra, xác minh thông tin có dấu hiệu tội phạm liên quan đến quá trình giải quyết vụ tai nạn này.

Hai luật sư đã cung cấp một số tài liệu, chứng cứ mà luật sư thu thập được để chứng minh tài xế có lỗi trong vụ tai nạn giao thông, thông tin về người làm chứng, sơ đồ hiện trường…

Trong đó, đáng chú ý là luật sư đề nghị xem xét lại biên bản khám nghiệm hiện trường. Bởi trong hồ sơ có hai biên bản khám nghiệm hiện trường: Một biên bản được lập ngày 4-9-2024 khi vừa xảy ra tai nạn, không có xe bán tải phía trước (xe bị vượt); một biên bản được lập ngày 23-9-2024 (sau khi xảy ra tai nạn, có xe bán tải).

Tuy nhiên, khi xem xét vị trí của xe tải gây tai nạn so với điểm mốc là cột điện KG 65/280/2011 có sự khác biệt. Cụ thể, sơ đồ hiện trường ngày 4-9-2024 thì khoảng cách chiều ngang của đuôi xe tải đến cột điện là khoảng 4,5-5 m nhưng sơ đồ hiện trường ngày 23-9-2024 thì khoảng cách chiều ngang của đuôi xe tải đến cột điện là khoảng 7-7,5 m. Hồ sơ vụ tai nạn giao thông lại không có tài liệu nào giải thích về vấn đề này.

Vậy đâu là biên bản khám nghiệm hiện trường đúng? Nếu cùng lúc tồn tại hai biên bản, vậy tại sao mỗi biên bản thể hiện một vị trí khác nhau của xe tải gây tai nạn so với điểm mốc?

 Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 11 giờ ngày 4-9-2024 tại Km08 Đường tỉnh 901 thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. (Ảnh do gia đình bé Trân cung cấp)

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 11 giờ ngày 4-9-2024 tại Km08 Đường tỉnh 901 thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. (Ảnh do gia đình bé Trân cung cấp)

VKSND Tối cao: Có dấu hiệu tội phạm

Trong văn bản yêu cầu hủy quyết định không khởi tố vụ án, VKSND Tối cao nêu: Sau khi kiểm tra hồ sơ, tài liệu do VKSND tỉnh Vĩnh Long cung cấp, nhận thấy nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông này là do tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung điều khiển xe tải biển số 84C-102.77 vượt xe bán tải biển số 61C-567.14 đang đi chậm phía trước hướng cùng chiều rồi dừng, đỗ vào lề bên phải đường.

Tài xế xe tải gây ra tình trạng nguy hiểm cho người đi đường

Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường nông thôn hẹp, xe tải lấn gần hết phần đường bên trái và lao tới bất chấp gây nguy hiểm cho các bé đang đi ngược chiều. Tình huống nguy hiểm như vậy tất yếu sẽ làm các bé hoảng sợ; bé chạy phía trước với phản xạ tự nhiên phải thắng gấp, bé Trân đi sau cũng hốt hoảng nên không thể xử lý được an toàn, dẫn đến bé Trân bị té ngã ra đường và bị cán tử vong.

Vấn đề chính ở đây là ai đã gây ra tình trạng nguy hiểm cho các bé? Nếu tài xế xe tải tuân thủ luật giao thông, không cho xe lấn làn nguy hiểm như vậy thì sẽ không có sự cố hai bé gái sợ hãi, bé Trân rơi vào tình huống nguy hiểm rồi thiệt mạng...

Một cán bộ ngành kiểm sát

Đúng lúc này, bé Nh điều khiển xe đạp điện và bé Trân điều khiển xe đạp điện khác chở bé Ng đang đi từ hướng ngược lại đến.

Thấy xe do Trung điều khiển đi lấn gần hết phần đường nên bé Nh đã thắng gấp xe dừng sát vào lề đường bên phải, làm xe của bé Trân đi sau đâm vào sau xe của bé Nh đổ nghiêng sang trái. Bé Trân bị ngã về phía lòng đường, bị bánh trước bên trái xe tải của Trung cán qua người gây thương tích và tử vong.

 Ông Nguyễn Vĩnh Phúc (cha bé Trân) làm lễ cúng thất cho con gái.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc (cha bé Trân) làm lễ cúng thất cho con gái.

Hành vi của tài xế xe tải có dấu hiệu vi phạm điểm a khoản 5 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây: ... Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt...”, có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Nhận định của VKSND Tối cao cũng trùng với nhận định trước đó của Bộ Công an, đó là tài xế xe tải có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 260 BLHS 2015.

Không thể loại trừ trách nhiệm hình sự cho tài xế xe tải

Cần lưu ý về trường hợp “lỗi hỗn hợp” trong các vụ việc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khái niệm “lỗi hỗn hợp” là trường hợp mà người, xe tham gia giao thông va chạm với người, xe khác mà cả hai bên đều không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy tắc tham gia giao thông đường bộ (hai bên đều có lỗi).

Tuy nhiên, trường hợp nạn nhân (kể cả trường hợp nạn nhân đã chết) không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy tắc tham gia giao thông đường bộ (nếu có) thì cũng cần đánh giá hành vi của những người tham gia giao thông khác trong vụ án có vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, là nguyên nhân trực tiếp gây hậu quả làm nạn nhân tử vong hay không.

Nếu cơ quan có thẩm quyền xác định cả nạn nhân và người tham gia giao thông khác trong vụ án đều không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy tắc tham gia giao thông đường bộ (hai bên đều có lỗi) dẫn đến tai nạn, gây ra hậu quả thì đây là trường hợp “lỗi hỗn hợp”.

Trường hợp này, cần thông qua công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi, xe và kết quả ghi lời khai… một cách khách quan để xác định, đánh giá mức độ lỗi của các bên liên quan, xác định đâu là lỗi chính, đâu là lỗi liên quan, đâu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hậu quả.

Do đó, hành vi của người tham gia giao thông khác trong vụ án vẫn có dấu hiệu của tội phạm theo quy định tại Điều 260 BLHS nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm như đã phân tích ở trên.

Khi đó, tình tiết nạn nhân cũng có lỗi được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Nói cách khác, tình tiết nạn nhân cũng có lỗi không làm loại trừ trách nhiệm hình sự của những người tham gia giao thông khác trong vụ án.

ThS LÊ VŨ HUY, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Lỗi lấn làn là rất nghiêm trọng, trực tiếp gây ra hậu quả

Về điều kiện mặt đường và hành vi tham gia giao thông, hình ảnh hiện trường cho thấy đây là tuyến tỉnh lộ nhỏ, chỉ rộng khoảng 5 m, không có làn đường phân định, lưu lượng xe hỗn hợp gồm xe tải, xe bán tải dừng bên đường và xe đạp điện của học sinh. Trong điều kiện này, người điều khiển phương tiện cơ giới lớn như xe tải có nghĩa vụ đặc biệt phải làm chủ tay lái, kiểm soát tốc độ, chủ động giảm tốc, quan sát và nhường đường cho xe nhỏ hơn.

Theo Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tài xế xe tải chỉ được phép vượt khi chắc chắn an toàn, không cản trở giao thông ngược chiều. Với mặt đường hẹp, lại có vật cản chắn một bên, tài xế buộc phải dừng lại, nhường đường; chỉ được tiếp tục di chuyển nếu đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Trong vụ việc này, xe tải lấn hoàn toàn sang phần đường ngược chiều, không có dấu hiệu thắng khi gặp tình huống nguy hiểm, thể hiện hành vi vượt xe thiếu an toàn và không tuân thủ các quy tắc giao thông cơ bản. Đây là dấu hiệu của lỗi nghiêm trọng, có mối quan hệ nhân quả trực tiếp với hậu quả chết người.

Những yếu tố này cần được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá một cách toàn diện, thận trọng và khách quan, để xác định đúng bản chất sự việc, đúng trách nhiệm của từng chủ thể theo quy định của pháp luật.

Luật sư ĐỖ NGỌC THANH, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM

PHƯƠNG LOAN

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/dien-tien-moi-nhat-vu-tai-nan-giao-thong-o-vinh-long-post847924.html
Zalo