Diện tích nhà cơi nới nếu đủ điều kiện vẫn được Nhà nước bồi thường

Bạn đọc hỏi: Hiện nay, TP Hà Nội đang chủ trương di dời cư dân ở các tòa chung cư nguy hiểm, có nguy cơ đổ. Nhưng thực tế, chủ trương này không dễ tiến hành; mà tiêu biểu là khu chung cư G6A Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình. Khu nhà tập thể này có hơn 40 hộ dân và từ 2 năm trước, những hộ dân đầu tiên đã chấp nhận phương án tạm cư. Tuy nhiên hiện tại, vẫn còn khoảng 20 hộ kiên quyết bám trụ. Cơ quan chức năng đã phải quây tôn khu vực này, mục đích chính để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện có việc phải đi ngang qua tòa nhà có nguy cơ sập này. Chúng tôi băn khoăn là nếu người dân không tự nguyện di chuyển khỏi nhà G6A thì cơ quan chức năng có quyền và cần thiết phải cưỡng chế đối với những hộ dân không di dời? Có ý kiến cho rằng muốn người dân di dời thì phải lấy ý kiến và có ít nhất trên 60% đồng thuận, liệu có quy định nào như vậy không? Việc bố trí nhận nhà mới sau khi chung cư G6A được xây mới, người dân sẽ được tính toán vị trí, diện tích nhà cũ - mới trên cơ sở quy định, căn cứ nào? Bởi đa số các hộ dân đều đã có 'sổ đỏ' khi mua lại nhà theo Nghị định 61 nhưng diện tích trên 'sổ đỏ' và diện tích sử dụng thực tế chênh lệch rất nhiều. Nguyễn tuấn (Hà Nội)

Quan điểm của luật sư:

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh. Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh. Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Đầu tiên cần phải khẳng định rằng mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước khi ban hành đều phải dựa trên quyền lợi hợp pháp của người dân. Đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay. Vậy quyền lợi hợp pháp của các hộ dân tại khu tập thể G6A Thành Công là gì?

Có thể thấy rằng, hầu hết các hộ dân đều đồng tình với chủ trương cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Bởi lẽ điều đó mang lại cho họ chỗ ở mới khang trang, hiện đại, tiện nghi, an toàn hơn. Đó là mong muốn của họ. Bên cạnh đó, họ cũng mong muốn biết được lộ trình xây dựng lại chung cư, muốn thời gian tạm cư càng rút ngắn càng tốt, muốn nơi tạm cư đảm bảo điều kiện sống tối thiểu… Đó chính là những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Nếu không đáp ứng hoặc chí ít không khiến người dân tin tưởng rằng yêu cầu hợp lý của mình sẽ được bảo đảm, chúng ta không thể trách họ khi họ chưa phối hợp với cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan. Ngược lại, trong trường hợp Nhà nước đã có những cơ chế thiết thực hỗ trợ người dân mà người dân vẫn không hợp tác, thì lúc đó Nhà nước hoàn toàn có quyền sử dụng các biện pháp mang tính áp đặt để mọi việc đi vào khuôn khổ.

Cụ thể, Điều 5 - Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015) đã quy định rõ, một trong các trường hợp nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại gồm có: Nhà chung cư có kết luận kiểm định về việc các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Như vậy là đối với người dân ở trong khu tập thể G6A Thành Công thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Cùng với đó là theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 28 - Nghị định số 69 thì “Nhà nước có quyền cưỡng chế di dời đối với hộ dân không tự nguyện”.

Quận Ba Đình rào tôn và đặt biển cảnh báo ở nhà G6A Thành Công

Quận Ba Đình rào tôn và đặt biển cảnh báo ở nhà G6A Thành Công

Trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, người dân được bố trí chỗ ở tạm thời bảo đảm thuận tiện cho sinh hoạt, chi phí thuê nhà hoặc chỗ ở sẽ do chủ đầu tư hoặc Nhà nước lo. Đối với người dân có nhu cầu tái định cư tại chỗ, UBND TP Hà Nội quyết định hệ số bồi thường từ 1 đến 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong “sổ đỏ”. Trong khi ấy, trên thực tế, đa số người dân đều cơi nới chỗ ở cũ nên diện tích sẽ lớn hơn diện tích trong “sổ đỏ”. Phần diện tích cơi nới nếu đủ điều kiện vẫn sẽ được bồi thường. Sau khi quy đổi theo hệ số bồi thường mà căn hộ tái định cư có giá trị cao hơn căn hộ cũ thì người dân phải nộp giá trị chênh lệch. Còn nếu người dân không có nhu cầu tái định cư thì được thanh toán bằng tiền đối với toàn bộ giá trị được bồi thường.

Nếu người dân sở hữu tầng 1 mà có dành diện tích nhà để kinh doanh trước thời điểm ngày 1-9-2021 thì ngoài việc được bồi thường, người dân còn được mua hoặc thuê một phần diện tích sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ để kinh doanh... Như vậy, Nghị định số 69 đã quy định tương đối đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, cơ chế, chính sách đối với việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Vấn đề còn lại là phải tạo niềm tin cho người dân để họ yên tâm bàn giao nơi sinh sống của họ, qua đó các bên mới tìm được tiếng nói chung nhằm giải quyết các khúc mắc đang tồn tại hiện nay.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dien-tich-nha-coi-noi-neu-du-dieu-kien-van-duoc-nha-nuoc-boi-thuong-post535709.antd
Zalo