Điện mặt trời: vấn đề nằm ở thái độ

Tờ Economist số ra ngày 22-6-2024 là số báo đặc biệt về năng lượng mặt trời, được tờ báo đặt tựa: 'Bình minh của thời đại [điện] mặt trời'. Economist cho rằng mức tăng trưởng cấp số nhân của điện mặt trời sẽ thay đổi thế giới khi một tương lai dồi dào năng lượng sạch là nằm trong tầm tay.

(KTSG) – Tờ Economist số ra ngày 22-6-2024 là số báo đặc biệt về năng lượng mặt trời, được tờ báo đặt tựa: “Bình minh của thời đại [điện] mặt trời”. Economist cho rằng mức tăng trưởng cấp số nhân của điện mặt trời sẽ thay đổi thế giới khi một tương lai dồi dào năng lượng sạch là nằm trong tầm tay.

Điện mặt trời ngày càng quan trọng. Ảnh: H.P

Điện mặt trời ngày càng quan trọng. Ảnh: H.P

Nhiều số liệu được tờ báo này dẫn chứng để nói lên một điều hiển nhiên: điện mặt trời ngày càng quan trọng và sẽ là nguồn năng lượng chính yếu của loài người trong những năm tới. Đến năm 2023, toàn bộ các tấm pin điện mặt trời đã sản sinh lượng điện chừng 1.600 terawatt giờ (1 terawatt bằng 1.000 tỉ watt), chiếm 6% lượng điện phát ra trên khắp thế giới.

Vấn đề là tốc độ phát triển của điện mặt trời là rất nhanh: năm 2004 cần mất 1 năm mới lắp đặt được 1 gigawatt giờ điện mặt trời (1 gigawatt bằng 1 tỉ watt), đến năm 2010 mất 1 tháng và đến năm 2016 thì mất 1 tuần. Năm 2023 có những ngày thế giới tăng thêm 1 gigawatt mỗi ngày!

Mức độ đầu tư cho điện mặt trời trên thế giới không hề suy giảm; năm nay dự kiến đạt mốc 500 tỉ đô la. Theo Hiệp hội Năng lượng Mặt trời Quốc tế, điện mặt trời sẽ đạt sản lượng bằng mọi nhà máy điện hạt nhân của thế giới vào năm 2026, nhiều hơn thủy điện vào năm 2028, nhiều hơn nhà máy điện chạy khí đốt vào năm 2030 và hơn cả nhiệt điện đốt than vào năm 2032.

Con đường phát triển điện mặt trời trên bình diện toàn thế giới là đã rõ. Không biết tại sao Bộ Công Thương nước ta luôn có thái độ dè chừng với điện mặt trời. Các thông tin từ bộ này tạo cảm giác như muốn hạn chế sự phát triển của điện mặt trời như “Dứt khoát không cho bán điện mặt trời mái nhà tự dùng”; “điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ được bán 0 đồng”…

Chúng ta hoàn toàn thông cảm với nỗi lo của bộ vì sự không ổn định của điện mặt trời, phụ thuộc vào thời tiết, dư thừa ban ngày, thiếu hụt ban đêm. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề các nước trên thế giới gặp phải. Họ đang triển khai nhiều biện pháp khắc phục như cải tạo mạng lưới truyền tải, đưa điện đến vùng đang thiếu, nhất là xây dựng các hệ thống lưu trữ điện, khuyến khích sử dụng điện lúc dư thừa vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới.

Vấn đề nằm ở thái độ: nên giải thích rõ những khó khăn của hệ thống điện hiện nay, tiếp tục khuyến khích điện mặt trời, kèm theo là các biện pháp khắc phục trở ngại như khuyến khích đầu tư hệ thống pin lưu trữ điện. EVN phải là nơi đi đầu trong việc đầu tư này như nhiều công ty điện lực các nước đang làm.

Nếu người dân thấy cách cơ quan quản lý không mặn mà với điện mặt trời, họ cũng có thể nản chí, không muốn đầu tư tốn kém nữa và như thế chúng ta sẽ bỏ mất cơ hội khai thác tiềm năng to lớn của một nước quanh năm nắng nóng.

Cũng là điều an ủi khi quan điểm của Chính phủ là rất rõ ràng: Bộ Công Thương phải nghiên cứu phương án khuyến khích người dân phát triển điện mặt trời, nhất là khi họ đầu tư vào thiết bị lưu trữ để bán lại cho EVN vào giờ cao điểm.

Thiết nghĩ một thái độ đúng đắn với điện mặt trời là phổ biến thông tin, kiến thức cho người dân, hướng dẫn cho họ cách tốt nhất để đầu tư xây dựng điện mặt trời để vừa tiết kiệm, vừa giảm phát khí thải.

Chỗ nào còn khó, chỗ nào còn vướng mắc thì huy động trí tuệ của mọi người để cùng nhau giải quyết. Điện mặt trời là xu thế, chúng ta từng có lúc đi đầu trong lĩnh vực này, gây ấn tượng tốt cho thế giới, nay không thể tụt hậu lùi lại về phía sau.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dien-mat-troi-van-de-nam-o-thai-do/
Zalo