Điện mặt trời mái nhà được EVN mua lại không quá 20% công suất

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nối lưới nếu không dùng hết sẽ được bán lên hệ thống điện quốc gia không quá 20% công suất lắp đặt thực tế, từ 22/10/2024.

Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản xuất, tự tiêu thụ vừa được Chính phủ ban hành ngày 22/10 với nhiều nội dung đáng chú ý.

Theo đó, việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Sau nhiều lần dự thảo, chuẩn bị, Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đã được ban hành và có hiệu lực từ 22/10/2024. Ảnh: Hoàng Anh

Sau nhiều lần dự thảo, chuẩn bị, Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đã được ban hành và có hiệu lực từ 22/10/2024. Ảnh: Hoàng Anh

Nghị định đã mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả các đối tượng là điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh trên phạm vi cả nước.

Có 9 chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được nêu trong nghị định.

Điển hình trong đó, tổ chức, cá nhân lắp đặt ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt trong các trường hợp (không đấu nối với hệ thống điện quốc gia; lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia; hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100kW).

Đối với ĐMTMN tự sản tự tiêu có công suất lắp đặt từ 1.000kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, nếu ĐMTMN nối lưới quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và ĐMTMN nối lưới thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100kW không dùng hết, sẽ được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế.

Giá mua bán điện dư bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

Như vậy, có thể thấy sự khác biệt rõ nét giữa nghị định vừa ban hành với nội dung dự thảo nghị định trước đó khi Bộ Công thương đề xuất ĐMTMN lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Tức, người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.

Lý do không khuyến khích ĐMTMN bán lượng dư lên lưới điện, theo Bộ Công thương là do có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống, bởi vì nguồn điện này phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định.

Nghị định 135 cũng đưa ra khuyến khích tổ chức, cá nhân tự quyết định lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS) để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dien-mat-troi-mai-nha-duoc-evn-mua-lai-khong-qua-20-cong-suat-d37592.html
Zalo