Diện mạo xanh của du lịch đồng bằng

Du lịch đang tiếp tục là mảng sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội đất nước. Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt 840.000 tỷ đồng. Việc chuyển đổi xanh cũng góp phần giúp ngành hoàn thành mục tiêu này.

Có thể thấy, chuyển đổi xanh không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch lữ hành, vận tải hành khách, tăng trưởng lưu trú, mà còn tạo lực kéo cho hàng loạt chuỗi giá trị ngành văn hóa, sự kiện, nhà hàng, ẩm thực, thương mại phát triển. Chính vì vậy, đây vừa là nhiệm vụ là trách nhiệm mà ngành du lịch đã và đang thực hiện.

Thời gian qua, ngành cũng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng của các loại hình du lịch mới. Có thể kể đến như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm kết hợp với phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các vùng du lịch, các địa phương, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…

Du khách đi ca nô xuyên rừng đước ở Cà Mau và cảm nhận không khí trong lành.

Du khách đi ca nô xuyên rừng đước ở Cà Mau và cảm nhận không khí trong lành.

ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với đặc thù miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước đồng bằng độc đáo, cũng đang tích cực chuyển đổi xanh ngành du lịch. Hiện, nhiều mô hình, sản phẩm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và các loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên được quan tâm đầu tư, đánh dấu bước chuyển mới của ngành du lịch.

Có thể kể đến các tour du lịch cộng đồng liên tỉnh thăm “vương quốc trái cây”, cù lao Thới Sơn, Tiền Giang và các làng nghề làm bánh kẹo thủ công truyền thống ở Bến Tre. Các tour du lịch làng hoa Sa Đéc, thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nghe chuyện tình vượt biên giới và trải nghiệm đời sống thực còn lưu giữ qua tiểu thuyết “Người Tình - L'Amant” của nữ văn hào Pháp Marguerite Duras. Vùng biên giới, Thất Sơn, Châu Đốc, An Giang với nhiều trải nghiệm thiên nhiên kỳ bí, hay các làng điện gió Bạc Liêu... đều là những mô hình du lịch xanh thu hút du khách.

Du lịch xanh đòi hỏi phải bảo đảm tôn trọng tài nguyên, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng các giải pháp tiết kiệm về tài nguyên. Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp công nghệ trong quá trình sản xuất, dịch vụ thân thiện với môi trường, thân thiện với nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về tăng trưởng xanh trong du lịch; điều này dẫn đến việc khi triển khai, doanh nghiệp loay hoay không biết khai thác thế nào, sử dụng tài nguyên ra sao cho hợp lý.

Bên cạnh đó, bài toán chi phí cho chuyển đổi xanh ngành du lịch vẫn chưa có lời giải; bởi, để chuyển đổi xanh thì chi phí rất lớn, nhưng đối với các doanh nghiệp du lịch kể cả nhỏ, vừa hay lớn đều không biết lấy chi phí ở đâu? Đồng thời, chúng ta cũng chưa có bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng chung trên cả nước.

Ngoài ra, vấn đề chung là ngành đang thiếu sự liên kết, chất lượng dịch vụ và sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, sức hấp dẫn còn hạn chế. Cách làm du lịch ở nhiều nơi vẫn còn mang nặng tính tự phát, khai thác các sản phẩm du lịch chung giống nhau, dựa vào thiên nhiên, khai thác sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nên du lịch chuyển đổi xanh luôn đòi hỏi sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp giải quyết liên ngành. Để đáp ứng yêu cầu này, ngành du lịch còn nhiều việc phải làm.

Chuyển đổi xanh phải trở thành nội dung cốt lõi trong xây dựng chiến lược phát triển, chính sách pháp luật, xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp hiệu quả để huy động nguồn lực, sử dụng công nghệ, đầu tư, tài chính đến hành động thực tiễn chuyển đổi xanh. Quá trình chuyển đổi cần có sự vào cuộc và dẫn dắt từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, cần sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân, cộng đồng dân cư và sự tham gia tích cực của du khách.

Trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan chức năng thời gian tới cần nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện chuyển đổi xanh. Đồng thời, phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về năng lượng tái tạo, sử dụng nguồn nước sạch, xử lý hệ thống nước thải, chất thải ở các khu điểm du lịch; hoặc cần hỗ trợ về thuế, tín dụng...

Cần sự hợp lực với cách tiếp cận hệ thống, thực hiện theo chuỗi; phải có tiêu chí rõ ràng, phân theo từng cấp độ và cần sự hỗ trợ trên nền tảng công nghệ để thực thi hiệu quả. Tập trung xây dựng, ban hành đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện các quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, du lịch ban đêm. Các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định quản lý đối với kinh doanh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch mạo hiểm và một số loại hình du lịch mới.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển du lịch thông minh, số hóa toàn bộ dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với cộng đồng địa phương để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa.

Cách làm du lịch phải thay đổi để hấp dẫn hơn, nhưng lâu dài phải tập trung tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông, hạ tầng, nhân lực; kiến tạo một hệ sinh thái cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong ngành du lịch, góp phần phát triển mạnh mẽ du lịch chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.

TS. TRẦN HỮU HIỆP - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dien-mao-xanh-cua-du-lich-dong-bang-10293238.html
Zalo