Điện gió ngoài khơi - 'Mỏ vàng' cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) thời gian tới
Dự kiến riêng phần việc xây lắp dành cho Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) trong dự án xuất khẩu 2,3GW điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore lên tới 1,2 tỷ USD.
Sau 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) ghi nhận 14.101 tỷ đồng doanh thu và gần 707 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 12% và 17% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tổng công ty đã hoàn thành 107% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Mảng xây lắp cơ khí (M&C) tiếp tục là động lực tăng trưởng cốt lõi, đem về cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí hơn 6.8888 tỷ đồng doanh thu, chiếm 49% tổng doanh thu 9 tháng đầu năm.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ tăng trưởng tích cực trong những tháng tới đây do cuối năm thường là dịp quyết toán khối lượng hoàn thành công việc để thanh toán theo tiến độ cho nhà thầu.
Trên cơ sở đó cùng với thông tin từ các dự án đang triển khai, Chứng khoán Rồng Việt dự báo, theo kịch bản thận trọng, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ năm nay của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ đạt 1.107 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023.
Nhận định về triển vọng trung và dài hạn, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá mảng công việc điện gió ngoài khơi sẽ là động lực tăng trưởng chính của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong thời gian tới.
Cụ thể, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng kỹ thuật phát triển lên tới 600 GW nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi với bờ biển dài hơn 3.000km cùng tốc độ gió cao và ổn định với sức gió 9-14m/s ở khu vực miền Trung - Nam và 7-10m/s ở khu vực miền Bắc. Theo Quy hoạch Điện VIII, điện gió ngoài khơi được quy hoạch phát triển với công suất 6 GW vào năm 2030.
Trong đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có lợi thế lớn ở Việt Nam cũng như trong khu vực châu Á về năng lực, kinh nghiệm đã được kiểm chứng thông qua việc thi công trậm biến áp ngoài khơi, trụ gió, chân đế… cho loạt dự án điện gió lớn tại Đài Loan (Trung Quốc), Ba Lan…
Với hệ thống cảng kết hợp nhà xưởng có diện tích lên đến hơn 200 ha, cùng cầu cảng dài 1.000m lớn nhất trong khu vực, các cảng khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là nơi Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thực hiện gia công chế tạo chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi. Hiện các đối thủ cạnh tranh chính tại khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia không có bãi cảng phù hợp, còn Thái Lan có bãi cảng nhưng quy mô nhỏ hơn đáng kể so với Việt Nam.
Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết, tổng công ty hiện đã có đủ kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị và hoàn toàn chủ động được việc khảo sát ngoài khơi; cung cấp hầu hết các dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi, trừ cánh và turbine.
Bên cạnh tiềm năng khối lượng công việc lớn, mảng điện gió ngoài khơi được đánh giá đem lại biên lợi nhuận gộp cao hơn so với mảng xây lắp các công trình dầu khí truyền thống.
Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang hợp tác với Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU, Singapore) để triển khai dự án xuất khẩu 2,3GW điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore.
Trong tháng 8/2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã trúng gói thầu khảo sát gió, thủy văn và địa chất cho dự án trên. Chứng khoán Rồng Việt dự phóng giá trị gói thầu xây lắp M&C trong giai đoạn 2025 - 2028 dành cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí liên quan đến dự án trên sẽ đạt mức 1,2 tỷ USD, và kỳ vọng tổng công ty sẽ thu được nhiều lợi ích kinh tế hơn từ dự án trên từ sau 2030.