Điện Gia Lai (GEG) chi phí lãi vay lớn, kéo lùi 83% lợi nhuận Quý 2

Điện Gia Lai (GEG) có cơ cấu nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay luôn là gánh nặng trong hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế Quý 2/2024 của GEG sụt giảm 83% so với cùng kỳ, chỉ còn 1,2 tỷ đồng.

Lợi nhuận Quý 2/2024 sụt giảm 83%, chi phí lãi vay quá lớn

CTCP Điện Gia Lai (Mã: GEG) được thành lập từ năm 1989, là đơn vị có tiếng trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của GEG trong vài quý trở lại đây đang dần ảm đảm hơn bởi chi phí lãi vay đè nặng lên doanh thu.

Tại Quý 2/2024 vừa qua, Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 487,6 tỷ đồng, toàn bộ từ doanh thu bán điện và cung cấp dịch vụ. Trong đó giá vốn chiếm 275,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp mang về 212 tỷ đồng.

 Đầu tư làm điện mặt trời, Điện Gia Lai (GEG) mỗi ngày đang phải trả 2,2 tỷ đồng chi phí lãi vay (Ảnh TL)

Đầu tư làm điện mặt trời, Điện Gia Lai (GEG) mỗi ngày đang phải trả 2,2 tỷ đồng chi phí lãi vay (Ảnh TL)

Doanh thu tài chính trong kỳ chỉ đạt 9,1 tỷ nhưng chi phí tài chính bỏ ra tới 168,9 tỷ đồng. Riêng chi phí lãi vay trong đó đã chiếm 163,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ chiếm 28,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng là âm 135 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy phần lớn lợi nhuận của Điện Gia Lai đang được dùng để trả lãi vay.

Trừ đi các khoản thuế chiếm gần 16 tỷ đồng cùng các chi phí khác, Điện Gia Lai chỉ còn lãi vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận ròng chỉ 0,2% tại Quý 2/2024. So với cùng kỳ, lợi nhuận Quý 2/2024 sụt giảm tới 83%.

Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.226,8 tỷ đồng, lãi sau thuế 127,5 tỷ đồng nhờ lãi lớn ghi nhận trong Quý 1.

Tuy nhiên, bóng dáng của chi phí lãi vay vẫn đè nặng trong cơ cấu kinh doanh nửa đầu năm 2024, chiếm 405,2 tỷ đồng. Đây cũng là khoản chi phí lớn nhất trong báo cáo kết quả kinh doanh của Điện Gia Lai.

Điện Gia Lai đang vay nợ ra sao?

Cơ cấu nợ vay của Điện Gia Lai đã có sự gia tăng đáng kể trong 2 năm trở lại đây, cũng là nguyên nhân gây nên khoản chi phí lãi vay lớn của đơn vị này.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, chi phí lãi vay ghi nhận 405,2 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày GEG phải trả 2,2 tỷ đồng tiền lãi vay. So với một chi phí đáng kể khác là chi phí quản lý doanh nghiệp đang chiếm 72,6 tỷ đồng, phần lãi vay này đã cao gấp 5,5 lần.

Nguyên nhân gây nên tình trạng trên bắt nguồn từ cơ cấu nguồn vốn với phần lớn là nợ vay dài hạn của Điện Gia Lai.

Cụ thể, tại cuối Quý 2/2024, tổng nguồn vốn của Điện Gia Lai là 16.063,7 tỷ đồng. Trong đó có tới 10.193,4 tỷ đồng là nợ phải trả, chiếm 63,5% tổng nguồn vốn hiện tại.

Trong đó, phần nợ vay dài hạn đang chiếm 8.628 tỷ đồng, hầu hết đều là nợ vay ngân hàng chi cho các dự án điện gió.

Đáng chú ý trong đó dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 ghi nhận vay nợ 2.628,5 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2 vay nợ 1.536 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió la-Bang vay nợ 1.096 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió VPL vay nợ 1.010 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Điện Gia Lai cũng đang vay nợ ngắn hạn 1.314 tỷ đồng thông qua ngân hàng và phát hành trái phiếu. 2 lô trái phiếu đáng kể nhất có mã GEGB2124002 mệnh giá 521,4 tỷ và GEGB2124003 mệnh giá 300 tỷ đồng.

Tổng các khoản nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn đã chiếm 9.942,7 tỷ đồng. Trong khi vốn chủ sở hữu hiện chỉ có 5.870,3 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng tiền nợ vay của Điện Gia Lai đã cao gấp 1,7 lần so với vốn chủ, do đó cũng không quá khó hiểu khi GEG đang phải gánh khoản chi phí lãi quá lớn từ khối nợ gần chục nghìn tỷ này.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-gia-lai-geg-chi-phi-lai-vay-lon-keo-lui-83-loi-nhuan-quy-2-post307457.html
Zalo