Diễn giả Hồ Nhật Quang: Tôi muốn đưa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vào cuộc sống đương đại

Diễn giả Hồ Nhật Quang. Ảnh: NVCC

Diễn giả Hồ Nhật Quang. Ảnh: NVCC

Diễn giả văn hóa Hồ Nhật Quang được coi là “truyền nhân” của giáo sư Trần Văn Khê trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Nam Bộ nói riêng. Trong 10 năm kế tục, phát triển Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ, ông đã cùng các cộng sự nghiên cứu, quảng bá, giữ gìn những nét đẹp, đưa các giá trị văn hóa, lịch sử đến gần hơn với công chúng đương đại.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, diễn giả Hồ Nhật Quang đã có dịp trải lòng về những kết quả hoạt động cũng như các dự định của CLB.

Từ hướng dẫn viên du lịch đến diễn giả văn hóa

* Cơ duyên nào mà ông lại yêu thích văn hóa Nam Bộ và trở thành một diễn giả, nghiên cứu, quảng bá văn hóa truyền thống?

- Tôi học ngành Đông phương học và là hướng dẫn viên du lịch. Tôi có nhiều dịp đi Nhật Bản cũng như hướng dẫn du khách Nhật Bản đi du lịch ở Việt Nam. Năm 1995, lần đầu tiên tôi được nghe giáo sư Trần Văn Khê diễn thuyết tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Từ sự ngưỡng mộ, tôi mong sau này mình am hiểu hơn và có thể tiếp nối phần nào việc vinh danh văn hóa và nghệ thuật cổ truyền dân tộc.

Gặp được giáo sư Trần Văn Khê, được nghe thầy giảng và truyền thụ những kiến thức về văn hóa, kỹ năng để nghiên cứu, tôi càng đam mê hơn với văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó, tôi có nhiều dịp gặp gỡ và học hỏi thầy, và thầy cũng khuyên tôi hãy góp phần bảo tồn những nét văn hóa quý báu của dân tộc. Nhưng một phần vì công việc, một phần vì chưa có đủ điều kiện chuẩn bị nên đến năm 2014, CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ mới ra đời và hoạt động cho đến nay.

* Được coi là “truyền nhân” của giáo sư Trần Văn Khê, ông ý thức như thế nào về điều này?

- Giáo sư Khê là nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng, có sức ảnh hưởng ở Việt Nam cũng như nước ngoài, nỗi niềm đau đáu của thầy là nghiên cứu, giữ gìn và truyền tải những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của cha ông đối với những thế hệ kế tiếp. Điều này thật đáng trân trọng và cũng là trách nhiệm mà bản thân tôi cũng như anh chị em, cộng tác viên của CLB luôn luôn hướng tới.

CLB được thành lập khi thầy đã cao tuổi và yếu hơn nhiều. Năm 2015, thầy qua đời, từ đó đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì và phát triển CLB theo di nguyện ấy. Những năm tháng cuối đời, thầy vẫn canh cánh bên lòng về việc giữ gìn văn hóa Việt Nam. Chúng tôi nguyện đi theo con đường của thầy, tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ những giá trị tốt đẹp của văn hóa và nghệ thuật nước nhà.

* Ông có thể cho biết rõ hơn về những hoạt động CLB trong những năm qua?

- Tiếp nối di nguyện của giáo sư Trần Văn Khê, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động, thu hút rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu và các bạn trẻ yêu văn hóa, nghệ thuật cổ truyền tham dự. Mỗi một chủ đề, một câu chuyện được lồng ghép qua các trích đoạn cải lương, tuồng cổ...

Chúng tôi cũng đã và đang làm du lịch, quảng bá cho du khách thế giới hiểu thêm những nét đẹp của văn hóa Việt Nam thông qua những tiết mục trình diễn thay vì chỉ đi tham quan theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhiều đơn vị, tổ chức, nhà trường, địa phương đã đặt hàng CLB thực hiện các công trình văn hóa khác nhau.

“Đồng Nai là một trong những “cái nôi” của văn hóa Nam Bộ, gắn liền với thời kỳ đầu công cuộc khẩn hoang của người Việt. Tỉnh có nhiều công trình văn hóa, lịch sử, trầm tích văn hóa qua các thời kỳ rất cần được khai thác. CLB của chúng tôi rất sẵn lòng để phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành, trường học của Đồng Nai triển khai những chương trình trên địa bàn” - diễn giả Hồ Nhật Quang.

Đừng để bị lạc lõng ngay trên nền văn hóa của chính mình

* Toàn cầu hóa với những tác động, sản phẩm văn hóa bên ngoài du nhập vào nước ta một cách vô cùng mạnh mẽ. Trong đó, giới trẻ dễ tiếp cận và thẩm thấu hơn cả, chúng ta có cần lo ngại điều này khi mà những giá trị văn hóa truyền thống có vẻ như đang dần xa cách hơn với thế hệ trẻ?

- Ngày nay, với sự hội nhập và toàn cầu hóa, việc tiếp cận sự đa văn hóa ngày càng phát triển, việc thấu hiểu và tôn trọng văn hóa ứng xử trở nên cực kỳ cần thiết. Công nghệ thông tin và sự phát triển của các loại hình mới đang thu hút giới trẻ một cách rầm rộ. Tuy nhiên nó cũng để lại không ít hệ lụy, đặc biệt là trong văn hóa ứng xử giữa những người trẻ với nhau.

Mạng xã hội đang tạo ra thế giới ảo khiến nhiều người trẻ sa đà, không quản lý được ứng xử, thiếu kiến thức về văn hóa, bản sắc dân tộc.

Theo tôi, việc gìn giữ, phát triển văn hóa cần được xác định là trách nhiệm chung của cộng đồng, từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đến gia đình, môi trường giáo dục nhà trường... Các bạn trẻ cũng cần ý thức gìn giữ văn hóa, tránh chạy theo những giá trị ảo. Việt Nam có những nét đẹp văn hóa tích tụ từ ngàn đời, đừng để chúng ta lạc lõng ngay trên chính nền văn hóa của nước mình.

Câu lạc bộ Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ biểu diễn tại một chương trình văn hóa.

Câu lạc bộ Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ biểu diễn tại một chương trình văn hóa.

* Du lịch và văn hóa có sự kết nối, ông có kế hoạch như thế nào để quảng bá văn hóa Việt đến du khách quốc tế?

- Trong thời gian tới, CLB sẽ kết hợp cùng với các đơn vị lữ hành đưa chương trình chặp cải lương (một đoạn cải lương ngắn) vào các tour du lịch để quảng bá văn hóa đến du khách thông qua nghệ thuật cải lương. Chặp cải lương sẽ biểu diễn thường xuyên tại các chương trình văn hóa do chính các thành viên của CLB Nghiên cứu và vinh danh Văn hóa Nam Bộ tham gia thực hiện. Chúng tôi đã sáng tác hơn 100 tác phẩm chặp cải lương ca ngợi về quê hương đất nước, anh hùng dân tộc và nói lên đạo lý nhân sinh để phục vụ khách du lịch tại các điểm đến. Điều mới mẻ là chặp cải lương sẽ có sự tương tác tại chỗ với khán giả chứ không chỉ là trình diễn. Điều này sẽ tạo nên sự thú vị cho du khách và thêm yêu thích bộ môn văn hóa nghệ thuật truyền thống của nước ta.

* Thời gian tới CLB sẽ tiếp tục bằng những chương trình như thế nào thưa ông?

- Vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, chúng tôi dự định cho ra mắt sách về văn hóa - thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Đó là sự nỗ lực để thực hiện công trình văn hóa ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập CLB. Quyển sách sẽ là những kiến thức, nội dung về văn hóa, truyền thống mà nhóm đã nghiên cứu, sưu tầm, lĩnh hội được trong nhiều năm qua. Trong đó, có một số nội dung đã được chia sẻ với khán thính giả trong các chương trình văn hóa trên báo, đài và tại các buổi tọa đàm, trao đổi.

* Xin cảm ơn ông!

Vương Thế (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202409/dien-gia-ho-nhat-quang-toi-muon-dua-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tot-dep-vao-cuoc-song-duong-dai-c197dba/
Zalo