Diễn đàn châu Á-Bác Ngao: Một bức tranh khác
Diễn đàn châu Á-Bác Ngao 2025 phản ánh nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển và vị thế của châu Á, với nước này đóng một vai trò trung tâm.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về trí tuệ nhân tạo trong khuôn khổ Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2025, ngày 26/3. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Diễn đàn châu Á-Bác Ngao năm 2025 diễn ra từ ngày 25-28/3 tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. Khoảng 1.100 phóng viên từ hơn 150 hãng thông tấn của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự và đưa tin về Diễn đàn năm nay.
Bốn trụ cột
Năm nay, diễn đàn quy tụ sự tham gia của gần 2.000 đại diện từ hơn 60 quốc gia và khu vực. Nổi bật trong số đó là cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trên cương vị Chủ tịch Diễn đàn, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng Nga Alexey Overchuk, Phó Thủ tướng thứ nhất Kazakhstan Roman Sklyar, Trưởng Cố vấn chính phủ Bangladesh Mihammad Yunus… Trong bốn ngày của Diễn đàn diễn ra khoảng 50 hoạt động và các diễn đàn nhỏ khác, tập trung vào hàng loạt lĩnh vực được coi là ưu tiên hàng đầu hiện nay với sự phát triển, ổn định của châu Á.
Với chủ đề “Châu Á trong một thế giới thay đổi: Hướng tới một tương lai chung”, Diễn đàn tập trung vào bốn nội dung thảo luận chính gồm: Xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác trong một thế giới thay đổi nhanh chóng; Tái cân bằng toàn cầu hóa vì phát triển bao trùm; Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để phản ứng hiệu quả hơn với các thách thức toàn cầu và Tăng cường áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị vì sự phát triển với sáng tạo là động lực.
"Phép màu châu Á"
Theo ông Ban Ki-moon, năm 2025 tiếp tục ẩn chứa nhiều bất ổn và bất định. Với một nửa dân số thế giới và hơn 70 quốc gia và khu vực có lãnh đạo mới, năm nay phải chuẩn bị cho những diễn biến mới về chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, những cú sốc lớn hơn đối với hòa bình thế giới và phát triển toàn cầu. Nỗi lo và bất an mới dấy lên tại Davos, Munich và các diễn đàn quốc tế khác.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Diễn đàn, có một bức tranh khác ở châu Á và Bác Ngao. Châu Á không chỉ dẫn đầu thế giới về phát triển kinh tế với tư cách là động lực tăng trưởng chính mà còn nổi lên như một trung tâm tiên phong về công nghệ và đổi mới, với ứng dụng thiết thực trong AI và năng lượng tái tạo.
Thậm chí dùng cụm từ “phép màu châu Á”, ông Ban Ki-moon gọi đây là phép màu của toàn cầu hóa và hội nhập sâu sắc với nền kinh tế thế giới.
Thông điệp đó cũng được phản ánh rõ nét trong báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế và tiến trình hội nhập châu Á năm 2025 do Diễn đàn châu Á Bác Ngao công bố.
Theo báo cáo trên, trong bối cảnh thuế quan và nhiều chính sách khác của chính quyền Mỹ đương nhiệm đặt ra bài toán khó cho nhiều nước trên thế giới, kinh tế của châu Á nỗ lực đứng vững và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Kinh tế châu lục dự kiến sẽ tăng 4,5% trong năm nay, cao hơn mức 4,4% năm 2024.
Các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Mông Cổ, Campuchia và Indonesia dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao trên 5% trong năm 2025. Trung Quốc và ASEAN vẫn là những nền kinh tế châu Á hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài.
Về mặt đổi mới, châu Á vượt xa các khu vực khác về cường độ đầu tư nghiên cứu và phát triển cũng như hồ sơ nộp bằng sáng chế. Về đầu tư, bất chấp sự trồi sụt của các khoản đầu tư bên ngoài, đầu tư trong châu Á tiếp tục được duy trì, với Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN là điểm đến hàng đầu.
Cuộc đua trí tuệ nhân tạo
Một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của Diễn đàn là quản trị AI trong bối cảnh châu Á đang đứng trước ngã ba đường của sự chuyển đổi và cơ hội, theo CGTN. Vị thế độc đáo của châu Á trong cuộc đua AI bắt nguồn từ khả năng cân bằng giữa đổi mới và quản trị. Nhiều quốc gia châu Á đã áp dụng cách tiếp cận hợp tác hơn, bao gồm chính phủ, học viện và ngành công nghiệp. Mô hình này cho phép các ứng dụng AI tiến bộ nhanh chóng, từ thành phố thông minh đến chăm sóc sức khỏe, đồng thời giải quyết các mối quan tâm của xã hội như quyền riêng tư dữ liệu và sử dụng AI có đạo đức.
Một số ý kiến đáng chú ý tại Diễn đàn như AI không chỉ là cuộc cách mạng công nghệ, mà còn là cuộc cách mạng xã hội và kinh tế hay câu hỏi liệu châu Á sẵn sàng đóng vai trò then chốt trong cuộc cách mạng AI. Sự kết hợp độc đáo giữa đổi mới, quản trị và đa dạng văn hóa của khu vực này định vị châu Á đi đầu trong việc định hình tương lai của AI?
Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Diễn đàn được ví như “Hội nghị Davos của châu Á” một lần nữa khẳng định vai trò của châu Á như động lực tăng trưởng của thế giới và nhấn mạnh nhu cầu phối hợp khu vực chặt chẽ hơn.