Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp: Cuộc đối thoại của các đối tác phát triển
Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024 có chủ đề 'Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí'.
Câu hỏi của báo chí
“Chúng tôi luôn yêu cầu các thông tin được kiểm tra hai chiều, nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng sẵn sàng trả lời. Đó là điểm khá khó khăn trong hoạt động của phóng viên”, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập VietNamNet đặt vấn đề trong cuộc thảo luận tại Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024, diễn ra sáng 24/10/2024.
Thậm chí, có khi báo chí khai thác thông tin doanh nghiệp phải công khai, như thông tin mua bán cổ phần của các cổ đông lớn của các doanh nghiệp niêm yết, nhưng nhiều khi doanh nghiệp lại không muốn bị khai thác.
Thực tế rất rõ, không có doanh nghiệp, không có ý kiến của doanh nghiệp, báo chí không có nguồn thông tin xuất phát từ thực tiễn kinh doanh. Ở góc độ này, doanh nghiệp ở vai người đọc, người cung cấp thông tin và đối tượng đưa tin của báo chí.
Ở một góc độ khác, doanh nghiệp và báo chí cũng có quan hệ bạn hàng, khi sử dụng dịch vụ của nhau. Các doanh nghiệp đang là đối tác quảng cáo, đóng góp kinh phí lớn cho hoạt động của nhiều cơ quan báo chí.
“Việc phản ánh thông tin của doanh nghiệp cũng là đề tài tranh luận căng thẳng. Nhiều người nói, thông tin tiêu cực của doanh nghiệp trên báo chí có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; nhưng cũng có ý kiến, nếu không đưa tin hoặc thông tin không chính xác thì người dân, khách hàng sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp đó có bị ảnh hưởng nhiều hơn không. Chúng tôi cố gắng đảm bảo sự hài hòa trong đưa thông tin được cho là không tốt với doanh nghiệp với quyền lợi, lợi ích của bên thứ ba”, ông Bá chia sẻ tại Diễn đàn, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, bên cạnh sự có mặt của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí.
Theo ông Bá, trong mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp rất cần sự thẳng thắn và cùng hướng tới sự tích cực. “Báo chí nếu phải nêu các tồn tại, vấn đề của doanh nghiệp, nhưng sẽ dựa theo hướng tích cực, không phải là vạch lá tìm sâu, tìm lỗi của doanh nghiệp. Đó là cách chúng tôi làm”, ông Bá thẳng thắn.
Trăn trở của doanh nghiệp
Đồng tình với ông Bá, ông Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh khẳng định, báo chí đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. “Doanh nghiệp khi làm tốt, muốn nói ra việc làm tốt cũng khó, nên cần nhờ đến báo chí. Nhờ vậy, thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm... đến khách hàng, thị trường. Chúng tôi rất cảm ơn, ghi nhận sự đồng hành của báo chí”, ông Thể bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Thể muốn gửi đến những “tâm sự thật” của doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp than phiền vì bị báo chí gọi nhiều quá. Ngay cả tôi, có ngày cũng hơn chục cuộc. Trong lúc kinh doanh khó khăn, việc này cũng rất phiền. Nhưng cũng có những thông tin doanh nghiệp cũng muốn đưa lên, nhưng không biết chọn báo nào cho phù hợp”, ông Thể chia sẻ.
Thực tế này khiến bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) còn lo ngại, nếu không có báo chí đồng hành, sản phẩm Việt, doanh nghiệp Việt sẽ “cô đơn” ngay ở sân nhà.
“Temu đã bắt đầu vào Việt Nam, với mức giảm giá rất lớn, bán hàng trực tiếp từ doanh nghiệp Trung Quốc tới người tiêu dùng Việt Nam. Nếu thông tin, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam không được quảng bá, thì các doanh nghiệp sản xuất thực sự khó khăn”, bà Hằng trăn trở.
Thậm chí, bà muốn đặt vấn đề lớn hơn với các cơ quan báo chí, đó là không đưa hàng Việt lên kệ hàng là thất bại của Việt Nam. "Chúng ta cần có chung mục tiêu nâng đỡ doanh nghiệp Việt. Sản phẩm Việt, thương hiệu Việt đi đến đâu là sức mạnh của Việt Nam lan tới đó", bà Hằng chia sẻ.
Tìm kiếm phương thức hợp tác
"Nếu như chỉ nghĩ báo chí là kênh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, hai là sự phiền phức, thì mối quan hệ này sẽ rất khập khiễng", ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh tại Diễn đàn.
Với sự phát triển gần đây của truyền thông xã hội đã mang đến nhiều lựa chọn khác cho việc quảng bá thương hiệu, lan tỏa thông tin. Tất nhiên, dòng thông tin chủ lưu vẫn là báo chí.
Song, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, từ nhiều năm nay, đội ngũ báo chí vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh trong một tình hình kinh tế mỗi lúc một khó khăn khi mô hình kinh doanh cũ của báo chí đang có nhiều thay đổi.
“Để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đồng thời, báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh gọi “quan hệ báo chí và doanh nghiệp là quan hệ vừa phản biện, vừa tương hỗ, gắn bó”.
Tuy nhiên, ông Minh phân tích, nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch. Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.
Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Vì vậy, ông Minh bày tỏ quan điểm, báo chí và doanh nghiệp cần hợp tác và phối hợp với nhau để tìm ra những phương thức kết nối thỏa đáng nhất.
Đây cũng là mục tiêu của Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí. Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh như vậy. Diễn đàn năm nay chọn chủ đề "Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí” với mục đích để đại diện doanh nhân và những người làm báo trao đổi về vấn đề hợp tác, đồng hành giữa hai lực lượng có vai trò rất quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế. Mục tiêu chung là vì sự phát triển đất nước.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
“Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đây là lần thứ hai Diễn đàn được VCCI phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã trao giải Chương trình Bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững.
Giải A được trao cho nhóm tác giả Phương Linh, Thu Phương, An Chi, Phương Thu thuộc Tạp chí Điện tử Nhà Quản trị với loạt bài “Tắc nghẽn định giá đất”.
2 giải B được trao cho tác giả Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Group với loạt bài “Phát triển kinh tế bạc” đăng tải trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Nhạc sĩ Phạm Tiến Dũng với tác phẩm “Nghĩa tình Ba Huân” đăng trên Tạp chí Văn hóa Doanh nhân.
Loạt bài “Động lực phải sống và nhu cầu cải cách của doanh nghiệp” của tác giả Khánh An của Báo Đầu tư nhận giải C, cùng với tác giả Nguyễn Linh, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp với tác phẩm “Khát vọng Vũ Văn Tiền”, tác giả Bình Minh, Báo Vietnamnet với tác phẩm “Để trà Việt Nam ra thế giới với tâm thế mới”.
Chương trình cũng đã trao 4 giải khuyến khích cho các tác giả của Báo Dân Trí, Báo Thanh Hóa, Báo Phú Thọ và Báo Công Thương