Điện biên xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn

Tỉnh Điện Biên đã và đang khuyến khích các địa phương sản xuất chè theo hướng hữu cơ an toàn để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Bí thư Huyện ủy Mường Ảng (thứ 2 từ phải sang) thăm mô hình trà sạch hữu cơ tại bãi Pháy Váng, xã Xuân Lao.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Bí thư Huyện ủy Mường Ảng (thứ 2 từ phải sang) thăm mô hình trà sạch hữu cơ tại bãi Pháy Váng, xã Xuân Lao.

Mở hướng phát triển...

Với tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, chè đã trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Những giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, bảo quản và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm chè đã và đang được quan tâm thực hiện, mở ra hướng đi mới giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Có kinh nghiệm qua hàng chục năm gắn bó với cây chè từ truyền thống của gia đình, hướng đi được ông Phan Thanh Ngọt xác định, đó là tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu chè theo hướng hữu cơ. Đến nay, cơ sở đã có 7 sản phẩm chè với mẫu mã bao bì, chất lượng khác nhau, trong đó sản phẩm trà Phan Nhất đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao. Đây cũng là mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên với sản phẩm trà sạch hữu cơ.

 Ông Phan Thanh Ngọt cắt cỏ, chăm sóc vườn chè.

Ông Phan Thanh Ngọt cắt cỏ, chăm sóc vườn chè.

Ông Phan Thanh Ngọt, Chủ cơ sở kinh doanh chế biến chè Phan Thanh Ngọt, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng chia sẻ: “Bắt đầu mới trồng chè đầu tiên cần lưu ý phải có đất phù hợp. Thứ hai đó là tạo rạch như mình trồng cây ăn quả vì đó là dòng cây lâu năm và bước cuối cùng là hạ hạt giống đúng thời điểm. Trong vòng một năm đầu tiên là trồng, năm thứ hai là chăm sóc, năm thứ ba là có thể thu hoạch”.

Nằm ở độ cao gần 1.400 mét so với mực nước biển, huyện Tủa Chùa hiện có gần 600 ha chè, trong đó sở hữu hơn 10.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là giống chè mọc tự nhiên, chủ yếu được người dân chăm sóc, thu hái về để sử dụng trong gia đình. Tuy nhiên hiện nay, chè Shan tuyết đã trở thành đặc sản và mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều người dân địa phương. Đặc biệt, với việc được công nhận là Cây di sản Việt Nam đã mở ra điều kiện lý tưởng cho địa phương phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, nâng tầm giá trị và thương hiệu cho cây chè nơi đây.

Ông Giàng A Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa cho biết: “Trong những năm qua, cây chè Shan tuyết Sín Chải đã được chính quyền xã cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm và có kế hoạch để chăm sóc bảo vệ cũng như gìn giữ, phát huy những giá trị của sản phẩm để mang lại giá trị kinh tế cho bà con nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, chính quyền xã cũng đã có kế hoạch để bảo vệ, nhân rộng giống chè Shan tuyết trên địa bàn”.

Đồng hành cùng nhà nông

Bên cạnh việc phối hợp, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền vận động người dân chăm sóc chè để đem lại hiệu quả trong sản xuất, các địa phương cũng xây dựng vùng trồng tập trung, phát triển nguyên liệu chè; hướng tới phát triển vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nỗ lực cho phát triển sản xuất chè bền vững.

Ông Nguyễn Phùng Thông, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Ảng cho hay: “Thời gian tới huyện cũng sẽ mở rộng thêm khoảng 10 ha diện tích cây chè. Liên quan đến khâu đầu ra, sơ chế biến sâu, huyện đã vận động bà con nhân dân tiếp tục trồng và tìm những quỹ đất để phù hợp hơn vì chè cũng cần những điều kiện về phát triển điều kiện khí hậu đất đai”.

 Người dân thu hoạch chè tại xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng (Điện Biên).

Người dân thu hoạch chè tại xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng (Điện Biên).

Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa kỳ vọng: “Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục quan tâm khắc phục diện tích chè hiện có trên địa bàn huyện. Từ nay đến năm 2025 sẽ trồng trên hai vạn cây chè ở những điểm chưa đảm bảo mật độ. Thứ hai là cũng xây dựng chuỗi liên kết. Hiện nay cũng đã tổ chức xây dựng 26 ha chè để đưa vào hỗ trợ theo quyết định 45 của tỉnh để thực hiện phối hợp giữa người nông dân với doanh nghiệp, tạo ra sản lượng tăng theo hằng năm”.

Cùng với nhiều hoạt động hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền địa phương, thông qua các chương trình thương mại, hội chợ được tổ chức, sản phẩm mang thương hiệu chè của nông dân Điện Biên đã và đang ngày càng tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp bền vững thì chính sự quyết tâm thay đổi tư duy nông nghiệp của bà con nông dân sẽ là "chìa khóa" để mở ra hướng đi mới, giúp người dân xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

"Từ thực tế cho thấy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn là hướng đi đúng đắn, không những đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm chè sạch, chất lượng cao mà còn liên kết được các hộ dân trong việc sản xuất và chế biến chè, dần hướng tới mô hình liên kết sản xuất chè theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, để mô hình còn tiếp tục phát triển và mở rộng sau khi có sự đầu tư của nhà nước thì ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cũng như cần có những cơ chế chính sách, hỗ trợ đúng đắn để người dân tiếp tục yên tâm sản xuất", ông Nguyễn Minh Tuân nhận định.

Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dien-bien-xay-dung-mo-hinh-san-xuat-che-an-toan-post691123.html
Zalo