Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 17/7

Bạc xanh chững lại sau khi giảm giá trong phiên đêm qua, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ hay giá vàng giảm từ mức cao nhất trong vòng 3 tuần... là một số diễn biến tài chính tiền tệ quốc tế đáng chú ý trong sáng 17/7.

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Thị trường ngoại hối

Trong phiên giao dịch sáng thứ Năm, đồng USD chững lại sau khi giảm giá trong phiên đêm qua do lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), một động thái làm lung lay niềm tin vào thị trường Mỹ.

Ông Trump đã phủ nhận các báo cáo cho rằng ông đang lên kế hoạch sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, nhưng vẫn để ngỏ khả năng này và tiếp tục chỉ trích người đứng đầu ngân hàng trung ương vì không hạ lãi suất.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng việc sa thải ông Powell trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 5/2026 sẽ làm suy yếu uy tín của hệ thống tài chính Mỹ và vị thế của đồng USD như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn.

Bên cạnh đó, các chính sách nới lỏng tiền tệ hơn của Fed có thể dẫn đến sự quay trở lại của lạm phát và khiến lợi suất thực của Trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm, theo Mahjabeen Zaman, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại ANZ.

"Nếu điều đó thành hiện thực, chúng ta sẽ thấy đồng USD suy yếu nhiều hơn so với dự kiến. Một sự kiện như vậy sẽ đặt ra câu hỏi về tính độc lập và uy tín của Fed, vì vậy nó sẽ làm gia tăng sự biến động thị trường", bà Zaman cho biết trong một podcast của ANZ.

Ông Trump đã công kích ông Powell trong nhiều tháng vì không nới lỏng lãi suất, theo ông Trump lãi suất nên ở mức 1% hoặc thấp hơn.

Bloomberg đưa tin rằng tổng thống có khả năng sẽ sớm sa thải ông Powell, và một nguồn tin Reuters cho biết ông Trump đã thăm dò ý kiến một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa về việc này và nhận được phản ứng tích cực. Tuy nhiên, ông Trump đã phủ nhận các thông tin này.

"Tôi không loại trừ bất cứ điều gì, nhưng tôi nghĩ điều đó rất khó xảy ra trừ khi ông ấy phải rời đi vì gian lận", ông Trump nói, ám chỉ đến những chỉ trích gần đây từ Nhà Trắng và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa về việc chi vượt ngân sách trong dự án cải tạo trụ sở lịch sử của Fed ở Washington trị giá 2,5 tỷ USD.

Chỉ số USD Index, đo lường sức mạnh của bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt, ít thay đổi ở mức 98,384 sau khi đã giảm 0,3% vào thứ Tư. Đồng USD tăng nhẹ 0,2% lên 148,14 yên Nhật, sau khi đã giảm 0,6% trong phiên đêm qua.

Đồng euro (EUR) giao dịch quanh mức 1,1632 USD, giảm 0,01%. Bảng Anh giảm nhẹ 0,1% xuống 1,3409 USD.

Các nhà đầu tư vẫn đang tập trung theo dõi vấn đề thuế quan trước hạn chót ngày 1/8, thời điểm nhiều đối tác thương mại phải đối mặt với các mức thuế cao hơn. Hôm thứ Tư, ông Trump cho biết Mỹ có thể sẽ "tuân thủ nghiêm ngặt" các quy định về thuế quan với Nhật Bản và có thể sắp có một thỏa thuận thương mại khác với Ấn Độ, sau thông báo về thỏa thuận với Indonesia vào thứ Ba.

Tại Nhật Bản, các nhà đầu tư đang chú ý đến khả năng thay đổi quyền lực trong cuộc bầu cử thượng viện vào cuối tuần này. Điều này có thể gây căng thẳng cho nền tài chính vốn đã mong manh của đất nước, với lợi suất trái phiếu dài hạn đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục khi cuộc bỏ phiếu đến gần.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong bối cảnh nhóm cổ phiếu liên quan đến ngành chip bị bán tháo sau cảnh báo doanh thu từ nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Hà Lan – ASML.

Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống còn 39.544,62 điểm, với hai cổ phiếu kéo giảm chỉ số mạnh nhất là Tokyo Electron và Advantest – đều thuộc nhóm ngành bán dẫn. Trong khi đó, chỉ số Topix tăng nhẹ 0,1%.

Cổ phiếu giảm mạnh nhất là Seven & i Holdings lao dốc 7,8% sau khi tập đoàn Alimentation Couche-Tard của Canada tuyên bố rút lui khỏi thương vụ thâu tóm chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven.

Nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron - một trong những cổ phiếu có tỷ trọng lớn - giảm gần 2%, trong khi công ty cùng ngành Lasertec giảm 5,4%, cổ phiếu Advantest giảm 1,8%.

Trước đó một ngày, ASML cảnh báo rằng hãng có thể không đạt tăng trưởng doanh thu vào năm 2026, do các nhà sản xuất chip đang xây dựng nhà máy tại Mỹ vẫn chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về tác động tiềm tàng của các hàng rào thuế quan.

Các chuyên gia phân tích tại Jefferies nhận định trong một báo cáo nghiên cứu rằng, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản cùng ngành, “đơn hàng theo quý có thể biến động, nhưng xét trên trung bình 12 tháng, các đơn hàng vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi, tương tự như ASML”.

Họ cho biết thêm, các đơn hàng đối với thiết bị in thạch bản cực tím (EUV) – một trong những công nghệ then chốt trong sản xuất chip – đã “chững lại” kể từ khi tăng vọt vào nửa đầu năm ngoái, dù khả năng phục hồi trong năm 2026 vẫn được đánh giá là khả quan.

Trong số 225 mã cổ phiếu thuộc chỉ số Nikkei, có 115 mã giảm giá so với 108 mã tăng, 2 mã đi ngang.

Chỉ số Nikkei từng được hỗ trợ nhờ đồng yên suy yếu hồi đầu tuần, song đồng nội tệ đã phục hồi nhẹ so với 24 giờ trước đó, sau khi bật lại từ mức thấp nhất trong 3 tháng rưỡi vào đêm qua.

Giá dầu thô giảm đã gây áp lực lên nhóm cổ phiếu năng lượng, với chỉ số ngành dầu khí và than đá thuộc Topix giảm 1,44%, trở thành nhóm ngành giảm mạnh nhất trong số 33 nhóm ngành. Chỉ số ngành khai khoáng (bao gồm cả các doanh nghiệp thăm dò dầu khí) cũng giảm 1,40%.

Thị trường vàng

Trong phiên giao dịch sáng thứ Năm tại thị trường châu Á, giá vàng giảm từ mức cao nhất trong vòng 3 tuần về quanh 3.340 USD/oz do nhu cầu trú ẩn tài sản an toàn suy yếu khi đồng bạc xanh mạnh lên và thị trường dự đoán Fed có thể trì hoãn thực hiện cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, những lo ngại liên quan đến bất ổn thương mại toàn cầu là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi các dữ liệu kinh tế Mỹ sắp công bố.

CDT

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dien-bien-thi-truong-tai-chinh-tien-te-quoc-te-sang-177-167448.html
Zalo