Diễn biến phức tạp tại các 'điểm nóng' phá rừng ở Đắk Lắk

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 681 vụ phá rừng trái pháp luật. Tại một số 'điểm nóng', các đối tượng vi phạm sử dụng các thủ đoạn tinh vi, mang theo chó vào rừng để cảnh giới.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Dù các ngành chức năng không ngừng triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn diễn biến phức tạp, nhất là hành vi phá rừng.

Theo thống kê, từ đầu năm đến tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 859 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 19 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 681 vụ phá rừng trái pháp luật.

Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 681 vụ phá rừng trái pháp luật.

Trong đó, hành vi phá rừng trái pháp luật 681 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 190,807 ha; khai thác rừng trái pháp luật 22 vụ; săn bắt động vật rừng trái pháp luật 2 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 72 vụ; mua, bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật 59 vụ… Lực lượng chức năng đã xử lý, tịch thu 173 phương tiện, tịch thu 240m3 gỗ các loại; tiền thu sau xử lý là hơn 1,4 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra một vụ chống người thi hành công vụ tại Trung tâm Bảo tồn Voi.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, tình hình phá rừng trái pháp luật tại các huyện Krông Bông, Buôn Đôn, M’Đrắk, Cư Mgar, Ea Kar,... diễn biến phức tạp và trở thành các "điểm nóng".

Lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đáng nói, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như mang theo chó vào rừng để cảnh giới lực lượng chức năng. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng nhanh chân bỏ chạy khỏi hiện trường. Thậm chí, tại địa huyện M’đrắk, một số đối tượng còn cho trẻ em vào rừng bơm thuốc vào cây, khoan cây nhằm "hạ độc" cây rừng.

Theo ông Hưng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên. Cụ thể, áp lực từ dân di cư tự do, nhất là người H’mông sinh sống trong rừng, gần rừng, phá rừng để lấy đất ở, đất canh tác, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; săn bắt động vật rừng để kiếm kế sinh nhai.

Bên cạnh đó, việc xử lý đối với hành vi lấn, chiếm đất lâm nghiệp chưa kịp thời, chưa tổ chức cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Do đó, các đối tượng vi phạm vẫn tiếp tục canh tác trên diện tích đất lâm nghiệp đã lấn chiếm.

Đối với các vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật đã ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả nhưng hiện nay các đối tượng tiếp tục tái lấn chiếm canh tác trên diện tích phá rừng nhưng chưa được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý; làm giảm tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm.

Các dự án lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, đường Trường Sơn Đông, sau khi nhà nước thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất, mặc dù đã được cấp đất nhưng một số hộ dân vẫn tiếp tục phá rừng để lấy đất làm nương rẫy.

Ngoài ra, năng lực quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng vừa thiếu, vừa yếu dẫn đến tình trạng rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm, một số nơi đã dựng lều, lán trại, canh tác rồi mới được phát hiện, báo cáo nên khó khăn trong việc xử lý.

Điều lực lượng kiểm lâm về các "điểm nóng"

Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức các buổi làm việc với UBND các huyện Krông Bông, Buôn Đôn, M’đrắk,... để bàn phương hướng, giải pháp tăng cường đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm và bảo đảm chấp hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; công tác phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn.

Qua các buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có ý kiến chỉ đạo tại các thông báo kết luận nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm và bảo đảm chấp hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cũng tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đồng thời, tổ chức tuần tra, truy quét, đấu tranh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng ngay khi mới xảy ra. Do đó, các vụ vi phạm được kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đối diện với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đối diện với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chi cục Kiểm lâm cũng tiếp tục điều động công chức, người lao động tại các đơn vị ít có nguy cơ (Tp.Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Pắk, Krông Ana, Cư Kuin...) và các đội kiểm lâm cơ động để tăng cường hỗ trợ các địa bàn có nguy cơ cao như Ea Kar, Krông Bông, M’đrắk.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, các giải pháp nói trên chỉ có thể góp phần hạn chế các vụ vi phạm lâm luật. Để hạn chế áp lực vào rừng thì giải pháp căn cơ nhất là phải giải quyết được sinh kế (gồm đất sản xuất, công ăn việc làm) cho người dân.

Ngày 24/10, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 188 về việc xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn. Theo kế hoạch này, đến cuối năm 2026, 100% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ được thu hồi.

Cụ thể, đến quý IV/2025, tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, cưỡng chế thu hồi 30% diện tích đất lấn, chiếm; từ quý I/2026 đến quý II/2026, thu hồi tiếp 30% diện tích đất lấn, chiếm; từ quý III/2026 đến quý IV/2026, thu hồi 40% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm còn lại trên địa bàn.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dien-bien-phuc-tap-tai-cac-diem-nong-pha-rung-o-dak-lak-204241026140836387.htm
Zalo