Diễn biến nóng vụ Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
Trong khi Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho rằng bị ra quyết định yêu cầu mở thủ tục phá sản là chưa phù hợp thì TAND tỉnh Gia Lai khẳng định có đầy đủ căn cứ để ban hành.
Ngày 14-10, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã gửi đơn đến TAND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị đình chỉ quyết định mở thủ tục phá sản đối với DLG của TAND tỉnh Gia Lai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi TAND tỉnh Gia Lai có bản án, giữa tháng 3-2023, Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku có quyết định yêu cầu DLG phải trả cho Công ty CP Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi) số tiền trên 14,7 tỉ đồng tiền cung cấp, lắp đặt thiết bị cho một công trình thủy điện và lãi chậm thanh toán là gần 2,4 tỉ đồng, tổng cộng trên 17,1 tỉ đồng.
DLG cho rằng DLG rất thiện chí, hiện nay đang thực hiện trả nợ dần cho Công ty CP Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án. Tuy vậy, do tài khoản của Công ty CP Lilama 45.3 bị phong tỏa, nên nhiều lần DLG chuyển tiền trả nợ và bị chặn. Sau khi nhờ sự can thiệp của phía ngân hàng, ngày 12-10, DLG mới chuyển trả được tiền cho Công ty CP Lilama 45.3.
DLG cho rằng công ty có tổng tài sản trên 10.000 tỉ đồng, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng. Số nợ của Công ty CP Lilama 45.3 là rất nhỏ so với tổng tài sản của công ty, ĐLG vẫn đang tiến hành trả nợ cho công ty này như quyết định thi hành án.
Cũng theo DLG, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và công bố thông tin cho thấy hệ số thanh toán nhanh và hệ số thanh toán tổng quát của DLG đều trong giới hạn cho phép. DLG hoàn toàn không mất khả năng thanh toán, không lâm vào tình trạng phá sản thuộc trường hợp tòa án phải ra quyết định mở thủ tục phá sản.
Do đó, việc TAND tỉnh Gia Lai ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với DLG theo yêu cầu của Công ty CP Lilama 45.3 là không phù hợp với quy định của Luật Phá sản năm 2014.
Theo ông Nguyễn Tường Cọt, Tổng Giám đốc DLG, việc Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là nhằm mục đích tạo áp lực, gây mất uy tín và buộc DLG phải thanh toán khoản nợ trái với quyết định thi hành án. Do đó, DLG đã có văn bản đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thẩm phán TAND tỉnh Gia Lê Đình Nam – người ký quyết định mở thủ tục phá sản - cho biết việc DLG có đơn yêu cầu xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản là quyền của doanh nghiệp, được quy định trong Luật Phá sản.
"Vào tuần tới, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ vụ việc ra TAND cấp cao tại Đà Nẵng để xem xét" – thẩm phán Lê Đình Nam nói và cho biết sau khi xem xét các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản cho thấy có đầy đủ các căn cứ chứng minh DLG mất khả năng thanh toán.