Diễn biến mới nhất về mưa lớn ở miền Trung
Từ ngày 15/11 đến đêm 16/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 400mm.
Lượng mưa nhiều nơi đạt mức kỷ lục
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (15/11), ở khu vực Thừa Thiên Huế có mưa rất to và dông; khu vực Quảng Trị và từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tính từ 19h ngày 14/11 đến 08h ngày 15/11 có nơi trên 190mm như: Hải Phong (Quảng Trị) 214.4mm, Lộc An (Thừa Thiên Huế) 557.2mm, Hòa Ninh (tp. Đà Nẵng) 192mm,...
Từ ngày 15/11 đến đêm 16/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 400mm; ở khu vực từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Từ đêm 15/11 đến chiều 16/11, khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 200mm. Ngày và đêm 15/11, ở khu vực Bình Thuận và Lâm Đồng có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Ngày 17/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết do ảnh hưởng của mưa lớn, từ chiều 14/11 mực nước trên các sông ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên. Các sông ở Thừa Thiên Huế có dao động. Các sông ở Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên đang xuống. Dự báo trong chiều tối và đêm nay, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh, đỉnh lũ trên sông Vu Gia, sông Trà Khúc, sông Vệ ở mức xấp xỉ báo động 3.
Tại Quảng Nam có nguy cơ ngập lụt ở các huyện, thị, thành phố Tam Kỳ, Nông Sơn, Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc. Tỉnh Quảng Ngãi nguy cơ ngập lụt ở các huyện Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi.
Chủ động ứng phó giảm nhẹ thiệt hại
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, đến thời điểm hiện tại có thể nhận định đợt mưa lũ này sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng hơn đợt lũ năm 2020 ở Thừa Thiên Huế. Sáng nay (15/11) ở Thừa Thiên Huế, các hồ chứa đã đầy mà mưa còn kéo dài thêm 2 ngày nữa. Hiện tại lũ trên sông Hương đã gần đạt đỉnh lũ năm 2020 là 4m17, dự báo trong ngày hôm nay mực nước sẽ vượt đỉnh lũ này, nguy cơ rất cao ngập úng.
TS Nguyễn Ngọc Huy lưu ý, người dân cần thận trong, lưu ý kê đồ đạc cao hơn mức lụt năm 2020. Những ai đang ở nơi không an toàn về người hãy gọi 19001075 (tổng đài tiếp nhận thông tin hỗ trợ ứng phó bão lụt) để được cứu hộ. Hãy tiết kiệm pin điện thoại, sạc đầy pin dự phòng nếu ở nơi đó còn có điện. Giữ liên lạc với người thân và thông báo về tình trạng của mình.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chiều 14/11, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tiếp tục có công văn yêu cầu các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Yêu cầu cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân tại nơi sơ tán và khu vực bị ngập lụt kéo dài. Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho các trường hợp dễ bị tổn thương, giáo viên, học sinh tại các khu vực xảy ra ngập lụt. Đồng thời tổ chức vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Ngoài ra, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt. Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Ngoài ra, đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, nhất là các công trình trọng điểm, xung yếu hoặc đã xảy ra sự cố do mưa lũ trong thời gian vừa qua. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.