Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Phần lớn các cổ phiếu được khuyến nghị đều không thoát khỏi xu hướng giảm, ngoại trừ duy nhất KBC tăng hơn 4%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ, MWG và FRT

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ, MWG và FRT

Với triển vọng tăng trưởng dài hạn của từng doanh nghiệp và sự phục hồi tiêu dùng trong năm 2025, nhà đầu tư có thể mở vị thế với các cổ phiếu đang ở mức định giá hấp dẫn như PNJ và MWG còn với FRT nên chờ tích lũy tại những nhịp điều chỉnh của thị trường.

Trong bối cảnh thị trường chung ngày càng ảm đạm và suy yếu hơn, bộ 3 cổ phiếu lớn trong nhóm bán lẻ là PNJ, MWG và FRT đều không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh giảm. Trong đó, PNJ đã đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu này giảm 2.800 đồng (-2,9%) từ mức 96.600 đồng/CP xuống 93.800 đồng/CP.

Cổ phiếu MWG đã có những phiên hồi phục nhẹ sau 2 tuần điều chỉnh, tuy nhiên vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu MWG giảm 1.100 đồng (-1,88%) từ mức 58.600 đồng/CP xuống 57.500 đồng/CP.

Tương tự, FRT cũng điều chỉnh nhẹ dù kết quả kinh doanh khả quan hơn và thông tin tích cực khi ứng dụng VneID đã có chức năng bán thuốc, trong đó hiện chỉ có thương hiệu nhà thuốc Long Châu được bán trên ứng dụng này. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm đều trong biên độ hẹp, tổng cộng giá cổ phiếu FRT giảm 4.000 đồng (-2,13%) từ mức 187.500 đồng/CP xuống 183.500 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSH

Với triển vọng tích cực trong năm 2025, Nhà đầu tư có thể xem xét và chờ thời điểm giải ngân tại các nhịp điều chỉnh đối với các doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu sang Mỹ lớn và có kế hoạch mở rộng công suất trong thời gian tới như MSH. Đối với các cổ phiếu còn lại, nhà đầu tư ưu tiên giải ngân tại các nhịp điều chỉnh sâu hơn khi cổ phiếu về các vùng định giá hấp dẫn.

Sau khi lập đỉnh lịch sử vào cuối tháng 12/2024, cổ phiếu MSH đã rung lắc và quay đầu điều chỉnh giảm, trong đó tuần qua giảm với biên độ rộng hơn. Cụ thể, với 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu MSH giảm 3.700 đồng (-7,12%) từ mức 52.000 đồng/CP xuống 48.300 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KDH, NLG, DXG

KBSV kỳ vọng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2025 sẽ có sự hồi phục rõ rệt nhờ (1) Các vấn đề về pháp lý được tháo gỡ, kỳ vọng nguồn cung cải thiện và (2) Lãi suất cho vay mua nhà duy trì ở mức thấp. NĐT có thể xem xét và lựa chọn những doanh nghiệp có triển vọng tốt với quỹ đất sạch lớn, đầy đủ pháp lý, khả năng triển khai dự án mạnh và cơ cấu tài chính an toàn. Một số cơ hội đầu tư đáng chú ý là các cổ phiếu KDH, NLG và DXG.

Trái với nhận định của KBSV, bộ 3 cổ phiếu bất động sản KDH, NLG, DXG đều tiếp tục có thêm tuần điều chỉnh giảm. Trong đó, KDH đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu này giảm 800 đồng (-2,3%) từ mức 34.800 đồng/CP xuống 34.000 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu DXG dù có phiên hồi phục khá tốt vào giữa tuần ngày 8/1 nhưng không đủ để giúp mã này thoát khỏi tuần giảm.Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DXG giảm 660 đồng (-4,38%) từ mức 15.060 đồng/CP xuống 14.400 đồng/CP.

Đáng chú ý, NLG tiêu cực hơn dù có thông tin Thành viên HĐQT và Giám đốc Công ty đăng ký mua vào cổ phiếu. Tính chung tuần qua, với 5 phiên giảm liên tiếp, tổng cộng giá cổ phiếu NLG giảm 3.900 đồng (-10,82%) từ mức 36.050 đồng/CP xuống 32.150 đồng/CP.

* MBS ưu tiên HPG, HSG và NKG trong ngành thép

Chúng tôi ưu tiên HPG, HSG và NKG dựa trên các lý do: Hưởng lợi nhờ giai đoạn phục hồi của chu kỳ; Biên lợi nhuận gộp sẽ tăng nhờ giá bán tăng cao hơn giá đầu vào; định giá PB hiện tại thấp hơn chu kỳ trước. Rủi ro giảm giá đối với ngành bao gồm: tăng trưởng nhu cầu thép có thể thấp hơn dự kiến và khủng hoảng bất động sản Trung Quốc tác động tiêu cực đến giá trong nước.

Dù được dự báo là nhóm cổ phiếu “sáng cửa” tăng trưởng, nhưng trong tuần vừa qua, bộ 3 cổ phiếu chính của nhóm thép cũng đua nhau giảm điểm. Trong đó, cổ phiếu HPG đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu HPG giảm 1.050 đồng (-3,95%) từ mức 26.600 đồng/CP xuống 25.550 đồng/CP.

Tương tự, cổ phiếu HSG cũng có 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên giảm, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu HSG giảm 1.050 đồng (-5,77%) từ mức 18.200 đồng/CP xuống 17.150 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu NKG ảm đạm hơn sau khi thực hiện chia cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu ưu đãi. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu NKG giảm 750 đồng (-5,23%) từ mức 14.350 đồng/CP xuống 13.600 đồng/CP.

* MBS khuyến lựa chọn PC1, POW và NT2 cho ngành điện

Chúng tôi lựa chọn PC1, POW và NT2 cho chiến lược đầu tư ngành điện, Cơ sở lựa chọn dựa trên Doanh nghiệp có mức định giá rẻ và tiềm năng tăng giá tốt; Các đại diện nổi bật, sở hữu những câu chuyện đầu tư dài hạn phù hợp với sự phát triển của nhóm điện gió và điện khí; Dự báo tăng trưởng lợi nhuận có sự phục hồi từ mức nền thấp dựa trên phân tích về xu hướng huy động trong 2025.

Nhóm cổ phiếu điện cũng không tránh khỏi diễn biến “u ám” của thị trường chung. Trong đó, NT2 có chút tích cực hơn khi “giữ giá” thành công nhờ phiên khởi sắc giữa tuần. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu NT2 không có biến động và giữ nguyên mức giá 20.850 đồng/CP.

Diễn biến cổ phiếu POW cũng giống NT2 khi đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm trong tuần qua, nhưng tính chung cả tuần mã này vẫn trong xu hướng điều chỉnh chung. Cụ thể, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu POW giảm nhẹ 150 đồng (-1,27%) từ mức 11.800 đồng/CP xuống 11.650 đồng/CP.

Với hơn 46,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức được giao dịch chính thức tuần qua, mã PC1 có diễn biến kém khả quan hơn so với 2 mã cùng ngành trên. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng nhẹ và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PC1 giảm 1.100 đồng (-4,85%) từ mức 22.700 đồng/CP xuống 21.600 đồng/CP.

* MBS khuyến ưu tiên PVS và PVT, VCBS khuyến nghị mua PVT, BVSC khuyến nghị tích cực PVD

MBS ưu tiên PVS và PVT cho chiến lược đầu tư năm 2025 nhờ các động lực tăng trưởng vững chắc và chịu ảnh hưởng nhỏ từ biến động giá dầu thô. Lợi nhuận ròng của PVS trong giai đoạn 2025-2026 được kỳ vọng tăng lần lượt 38,2% và 12,2%, nhờ đẩy nhanh tiến độ dự án Lô B và công việc mới từ mảng EPCI điện gió ngoài khơi. Đối với PVT, triển vọng kinh doanh vững chắc trong giai đoạn 2025-2026 trong khi định giá tương đối thấp có thể gợi ý thời điểm thuận lợi để đầu tư vào cổ phiếu.

Tương tự, VCBS khuyến nghị mua PVT với giá mục tiêu 33.543 đồng/CP, tương đương với P/E mục tiêu đạt 9.9x dựa trên triển vọng tích cực của thị trường vận tải biển trong năm tới.

Bên cạnh đó, sử dụng phương pháp định giá FCFF với giá mục tiêu 29.900 đồng/cổ phiếu tương đương mức P/B forward 2025 cho PVD là 1,04 lần, BVSC cho rằng đây là mức giá hợp lý cho tiềm năng tăng trưởng dài hạn của PVD và khuyến nghị OUTPERFORM với mức tiềm năng tăng giá 27,2%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn mắc kẹt, trong đó PVS và PVD tiếp tục giảm về mức giá thấp nhất trong hơn 1 năm. Cụ thể, với 3 phiên giảm, 1 phiên tăng nhẹ và 1 phiên đứng giá, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu PVS giảm 2.000 đồng (-5,88%) từ mức 34.000 đồng/CP xuống 32.000 đồng/CP; còn cổ phiếu PVD đón nhận 3 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần giảm 1.350 đồng (-5,74%) từ mức 23.500 đồng/CP xuống 22.150 đồng/CP.

Trong khi đó, dù đón nhận thông tin kết quả kinh doanh khả quan với năm 2024 đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng, tăng 26%; lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ, vượt kế hoạch 136%, nhưng cổ phiếu PVT cũng không “tươi sáng” hơn. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PVT giảm 1.900 đồng (-6,85%) từ mức 27.750 đồng/CP xuống 25.850 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BCM và KBC

Chúng tôi lựa chọn BCM và KBC dựa trên luận điểm: (1) Các KCN mới dự kiến được phê duyệt vào năm 2025, sẽ mang lại tăng trưởng dài hạn (2) Các doanh nghiệp này có kế hoạch phát hành tăng vốn để phát triển các dự án KCN trọng điểm. Rủi ro giảm giá: (1) Rủi ro suy thoái kinh tế khiến nhu cầu thuê đất KCN giảm sút (2) Rủi ro giải phóng mặt bằng khiến dự án bị chậm tiến độ (3) Chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao sau khi Luật Đất Đai mới có hiệu lực.

Cặp đôi bất động sản khu công nghiệp BCM và KBC có chút diễn biến tích cực hơn so với thị trường chung. Đáng chú ý là KBC đã lội ngược dòng thành công khi đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên đứng giá tham chiếu. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu KBC tăng 1.150 đồng (+4,24%) từ mức 27.150 đồng/CP lên 28.300 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu BCM kém khởi sắc hơn bởi nhận quyết định xử phạt của UBCK về việc công bố thông tin sai về trái phiếu, với mức phạt 150 triệu đồng. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu BCM giảm nhẹ 500đồng (-0,7%) từ mức 70.500 đồng/CP xuống 70.000 đồng/CP.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-bien-co-phieu-can-quan-tam-tuan-qua-post361565.html
Zalo