Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 31/3

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 31/3/2025.

Nga bị nghi "câu giờ" đàm phán, chuẩn bị mở đợt tấn công mới vào Ukraine: Theo một chuyên gia đàm phán Nga, các cuộc thương lượng giữa Nga và Mỹ về chiến sự Ukraine có thể kéo dài đến năm 2026, trong bối cảnh Moscow bị nghi ngờ đang "câu giờ" để củng cố vị thế trên chiến trường.

"Họ kéo dài các cuộc đàm phán chỉ để câu giờ, buộc Mỹ mắc kẹt trong những cuộc thảo luận vô nghĩa với các "điều kiện" giả tạo. Mục tiêu của họ là giành thêm lãnh thổ trước khi thực sự bước vào bàn thương lượng", ông Zelensky nhấn mạnh trong chuyến thăm Paris ngày 27/3.

"Ông Putin muốn đàm phán từ vị thế kẻ mạnh", nhà lãnh đạo Kiev nhấn mạnh.

Tổng thống Zelensky: Ukraine vẫn trụ vững ở Kursk: Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 28/3 cho biết lực lượng Ukraine vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Kursk của Nga mà không có nguy cơ bị bao vây.

"Trên mặt trận Kursk, lực lượng Ukraine đang làm mọi thứ có thể. Chúng ta vẫn đang hiện diện ở đó, không bị bất kỳ sự bao vây nào cản trở. Miễn là chúng ta ở đó, thì sẽ có thể ngăn chặn cuộc tấn công của Nga vào tỉnh Sumy của Ukraine. Đây là phân tích của chúng tôi, dù không chắc chắn nhưng chúng ta đang chuẩn bị cho điều đó", ông Putin nói.

Xung đột Ukraine khoét sâu rạn nứt, châu Âu đặt câu hỏi Mỹ đứng về phía nào?: Sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ về cách chấm dứt xung đột đang phơi bày một thực tế mới và gây mất phương hướng cho một liên minh đang gặp rắc rối.

Bất đồng giữa châu Âu và Washington còn sâu sắc hơn nhiều so với các rạn nứt liên quan đến vấn đề Ukraine. Châu Âu đang bị Mỹ xoay cho chóng mặt. Người ta không chắc liệu ông Trump hiện coi châu Âu là đối thủ về chiến lược và ý thức hệ, điều sẽ làm thay đổi thế giới, hay chỉ muốn châu Âu tự đảm nhận trách nhiệm quốc phòng của mình. Vế sau sẽ là một cú sốc mạnh nhưng có lẽ là một cú sốc không thể tránh khỏi và có thể kiểm soát được.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Getty

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Getty

Hungary cáo buộc EU che giấu viện trợ tài chính cho Ukraine: Ngày 29/3, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto đã lên tiếng cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách che giấu viện trợ tài chính cho Ukraine và làm leo thang cuộc xung đột hiện nay.

Trong một bài viết trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto tuyên bố rằng, Liên minh châu Âu (EU) đang có các động thái khiến leo thang cuộc xung đột tại Ukraine để đánh lạc hướng sự quan tâm và nghi ngờ của công chúng khỏi khoản viện trợ tài chính khổng lồ mà khối này đã cung cấp cho Ukraine trong 3 năm qua.

Bộ trưởng Szijjarto lập luận rằng, vào thời điểm hiện nay khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa các phái đoàn của Nga và Mỹ đang có những bước tiến tích cực, mang lại triển vọng hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine và các bên đang hướng tới một lệnh ngừng bắn toàn diện, châu Âu lại tiếp tục chính sách ủng hộ viện trợ cho Kiev, đi ngược lại với quan điểm giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Ukraine.

Nga-Ukraine tăng cường "ăn miếng trả miếng" trong bối cảnh hòa đàm đang bế tắc:

Lực lượng Ukraine được cho là đã phóng máy bay không người lái cũng như triển khai pháo binh và bộ binh vào các vùng giao tranh ở khu vực biên giới để đáp trả các đợt tấn công mới đây của Nga. Theo thống đốc Vyacheslav Gladkov, hơn 20 ngôi làng ở vùng Belgorod của Nga - nằm trên một dải đất dài 150 km dọc theo biên giới hai nước đã bị tấn công, dù phía Kiev chưa chính thức xác nhận thông tin này.

Tranh thủ lúc thời tiết đang thuận lợi, cả hai bên đều đang tìm kiếm lợi thế dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km, trong bối cảnh tiến trình hòa đàm do Mỹ làm trung gian đang ở những bước đầu.

Trong một tuyên bố ngày 29/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhắc đến các cuộc không kích của Nga vào vùng Dnipro, Kryvyi Rih và các khu vực khác, đồng thời kêu gọi Mỹ có phản ứng quyết liệt. Nhà lãnh đạo Kiev lên án 172 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự của nước này và nhấn mạnh rằng chỉ có áp lực mạnh mẽ từ Mỹ, châu Âu và cộng đồng quốc tế mới có thể buộc Nga phải đàm phán hòa bình.

Cựu Đặc phái viên Ukraine tại EU: Ukraine "thất thế" trong đàm phán hòa bình với Nga: Trong cuộc phỏng vấn với NV trong tuần này, cựu Đại diện thường trực của Ukraine tại EU Konstantin Eliseev đã phân tích về các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian diễn ra tại Riyadh, vốn nhằm mục đích khôi phục thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen được ký kết năm 2022. Mặc dù về cơ bản đã đồng ý mở lại các hành lang hàng hải an toàn cho hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine, Moscow vẫn nhấn mạnh yêu cầu phương Tây phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga.

“Có lẽ điều này sẽ khiến một số người thất vọng, nhưng sự thật là chúng tôi, ý tôi muốn nói là chúng tôi cùng với người Mỹ, đã hoàn toàn thất bại trong các cuộc đàm phán này. Nếu phải so sánh, tôi sẽ nói tỷ số là 5–0, từng bàn thắng cứ thế lọt lưới. Chúng tôi đã thua. Hãy thẳng thắn nhìn nhận điều đó", ông Eliseev nhận định.

Diệp Thảo/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-313-post1188359.vov
Zalo