Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/5

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 24/5/2025.

Cựu quan chức Ukraine thừa nhận không thể khôi phục biên giới năm 1991 hay 2022: Ukraine nên từ bỏ bất kỳ ý định nào về việc khôi phục đường biên giới được thiết lập sau sự tan rã của Liên Xô năm 1991, hoặc thậm chí là các đường biên giới tính từ thời điểm Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" năm 2022, cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhnyi phát biểu hôm 22/5.

Ảnh minh họa: RBC-Ukraine

Ảnh minh họa: RBC-Ukraine

Ông Valery Zaluzhnyi, hiện là Đại sứ Ukraine tại London, đã bị thay thế vị trí Tổng Tư lệnh vào tháng 2/2024, sau nhiều tháng được cho là có bất đồng với Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Rộ tin Nga bổ sung tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào kho vũ khí: Theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Lầu Năm Góc, Nga đang bổ sung tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân vào kho vũ khí của mình.

Tên lửa mới này gợi nhớ đến loại vũ khí được Liên Xô sử dụng trong thời Chiến tranh Lạnh, với phiên bản mới nhất được thiết kế để sử dụng trên máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi của Nga. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang ở mức cao nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào đầu năm 2022.

Nga khen Tổng thống Donald Trump, Đức lo Mỹ bỏ rơi Ukraine: Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận “nguyên nhân gốc rễ” của xung đột Ukraine là một dấu mốc quan trọng về mặt chính trị. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, sự thẳng thắn của Nhà lãnh đạo Mỹ xứng đáng được tôn trọng.

Phát biểu tại Hội nghị Khoa học Quốc tế Likhachov lần thứ 23, hôm 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận “nguyên nhân gốc rễ” của xung đột Ukraine là một dấu mốc quan trọng về mặt chính trị. Sự thẳng thắn của Nhà lãnh đạo Mỹ xứng đáng được tôn trọng.

Nga có thể lập vùng đệm sâu 100 km dọc biên giới Ukraine: Trước loạt vụ tấn công vào lãnh thổ Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố triển khai kế hoạch lập vùng đệm an ninh dọc biên giới với Ukraine. Giới phân tích nhận định đây là bước đi chiến lược nhằm vô hiệu hóa hỏa lực của Ukraine và NATO.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/5 tuyên bố, các lực lượng vũ trang nước này đang triển khai nhiệm vụ xây dựng một “vành đai an ninh” dọc theo biên giới với Ukraine, nhằm bảo vệ khu vực và ngăn chặn các đợt tấn công từ phía Kiev.

Tên lửa Iskander-M tung đòn chí mạng, phá hủy hệ thống Patriot của Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/5 tuyên bố, các lực lượng nước này đã sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M phá hủy một hệ thống phòng không Patriot của Ukraine do Mỹ cung cấp.

Trong tuyên bố đăng trên Telegram ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Nga đã tiến hành cuộc tấn công vào một vị trí ở khu vực Dnepropetrovsk của Ukraine, phá hủy một radar đa chức năng AN/MPQ-65, một đơn vị điều khiển và hai bệ phóng Patriot của đối phương. Ước tính mỗi khẩu đội Patriot có giá trị hơn 1 tỷ USD.

EU chuẩn bị tránh quyền phủ quyết của Hungary với nỗ lực gia nhập của Ukraine: Truyền thông châu Âu đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị phương án nhằm né tránh quyền phủ quyết của Hungary đối với việc Ukraine gia nhập EU, các bước pháp lý ban đầu đã được thực hiện, mặc dù vẫn chưa có tiết lộ chi tiết cho kế hoạch này.

Ukraine đã được cấp tư cách ứng cử viên EU từ năm 2022 nhưng các cuộc đàm phán gia nhập chính thức vẫn chưa thể thực hiện do sự phản đối của Hungary. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã viện dẫn những lo ngại về nguy cơ xung đột, vấn đề pháp quyền và cả những vấn đề tồn tại giữa hai quốc gia để ngăn chặn việc gia nhập EU của Ukraine.

Ukraine đề xuất một khoản viện trợ cố định trích từ GDP của EU: Dẫn một bài đăng trên tài khoản Facebook ngày 22/5, kênh truyền hình RT đưa tin Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko đã phác thảo đề xuất trên trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 diễn ra trong tuần này tại Canada.

"Những gì chúng tôi đề xuất là các đối tác tham gia tài trợ cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Điều này sẽ thực sự đưa Ukraine vào cơ cấu quốc phòng của châu Âu", Bộ trưởng Marchenko viết.

Theo ông Marchenko, khoản viện trợ này sẽ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong GDP của EU và có thể được trích ra từ các quốc gia sẵn sàng tham gia sáng kiến. Kiev muốn triển khai chương trình mới vào năm 2026, với các khoản đóng góp được tính vào mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-245-post1201688.vov
Zalo