Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 18/4

Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 18/4/2025.

Nga và Ukraine ồ ạt tấn công xuyên biên giới, Trump “vỡ mộng” đàm phán?: Xung đột Nga-Ukraine đang có chiều hướng leo thang trong bối cảnh các bên đẩy mạnh tấn công vào khu vực biên giới của nhau. Điều này đã khiến việc tìm ra tiếng nói chung giữa các bên trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, gây cản trở cho nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn.

Trong những tuần đầu của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố, ông đã gây ảnh hưởng đáng kể đối với Tổng thống Nga Putin. Cho đến nay, chính quyền ông Trump vẫn chưa đạt được bất kỳ nhượng bộ lớn nào từ Điện Kremlin như một phần trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn và tiến tới là một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột.

Tình báo Ukraine: Nga có thể triển khai quân Triều Tiên tấn công Sumy và Kharkov: Ông Andrii Cherniak, phát ngôn viên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine ngày 16/4 cho biết, quân đội Nga đang xem xét mở các cuộc tấn công vào các khu vực Sumy và Kharkov của Ukraine, nhiều khả năng Moscow sẽ đưa quân đội Triều Tiên vào chiến dịch này.

Ông Andrii Cherniak cho rằng, quân đội Triều Tiên đã mất khoảng 5.000 binh sĩ. Ngoài ra, còn có khoảng 6.000 binh sỹ khác do Bình Nhưỡng điều động đến đang đồn trú tại khu vực Kursk của Nga và họ có thể tiếp tục chiến đấu.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters

Châu Âu “tỉnh giấc” sau khi ông Trump đổi giọng về hòa bình ở Ukraine: Sự trở lại của ông Trump trong vai trò Tổng thống Mỹ đã khiến nỗi lo sợ của các nhà lãnh đạo phương Tây trở thành hiện thực: Châu Âu phải tự lo cho mình và cho cả Ukraine.

Dấu hiệu đầu tiên của cơn địa chấn chính trị đến với châu Âu vào giữa tháng 2/2025, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đến Brussels và mang theo thông điệp: Ukraine nên từ bỏ giấc mơ giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga chiếm giữ và viễn cảnh gia nhập NATO trong tương lai gần là bất khả thi.

Phát biểu tại hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO, ông Hegseth thẳng thắn gọi mục tiêu khôi phục biên giới trước năm 2014 là “ảo tưởng”. Trong khi các thành viên trong nhóm vẫn chưa kịp xử lý tuyên bố này thì một thông tin khác gây chấn động hơn xuất hiện: ông Donald Trump vừa công bố trên Truth Social rằng ông và Tổng thống Putin đã đồng ý bắt đầu đàm phán và sẽ gọi cho Tổng thống Zelensky để thông báo.

Dội tên lửa xuống Sumy, Nga cảnh báo “rắn” Ukraine, gửi tối hậu thư cho ông Trump: Vụ tập kích của Nga vào thành phố Sumy ở biên giới Ukraine cuối tuần qua đã thu hút sự chú ý vào khu vực phía Bắc Ukraine, nơi Kiev dự đoán Nga sẽ tiến hành cuộc tấn công lớn trong mùa xuân. Giới phân tích cho rằng, đây là lời cảnh báo cứng rắn của Nga gửi tới Ukraine và cũng là tối hậu thư dành cho ông Trump.

Cuộc không kích mới nhất của Nga vào khu vực Sumy được cho là đã cản trở nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Ukraine, làm giảm kỳ vọng vào một thỏa thuận hòa bình lâu dài mà Tổng thống Donald Trump tuyên sẽ sớm đạt được trong thời gian ngắn.

Croatia và Ba Lan tái khẳng định quan điểm không gửi quân tới Ukraine: Tổng thống Croatia Milanovic và Tổng thống Ba Lan Duda mới đây tuyên bố, hai nước sẽ duy trì lập trường không đưa quân đến Ukraine trong bất kỳ phái bộ nào, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các cam kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuyên bố của lãnh đạo Croatia và Ba Lan được đưa ra trong bối cảnh châu Âu được cho là đang chuẩn bị một kế hoạch quân sự nhằm bảo đảm an ninh cho Ukraine thời kỳ hậu chiến. Theo đó, Anh và Pháp đang thúc đẩy ý tưởng thành lập một lực lượng bảo đảm an ninh tại Ukraine.

Châu Âu nỗ lực tạo đòn bẩy cho Ukraine trong tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn dắt: “Liên minh tự nguyện” do Anh và Pháp được kỳ vọng có thể kéo chính quyền Tổng thống Trump xích lại gần hơn với các đồng minh phương Tây trong tiến trình đàm phán hòa bình, thông qua việc thúc đẩy hợp tác sản xuất đạn dược và xây dựng các nhà máy quốc phòng ngay trên lãnh thổ Ukraine.

"Nếu sản xuất được chuyển sang Ukraine, việc viện trợ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều mà không cần thông qua các thủ tục rườm rà của từng chính phủ hay các chương trình viện trợ phức tạp. Đó là chưa kể Ukraine hiện sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên dồi dào và lực lượng lao động có tay nghề cao sẵn sàng tham gia sản xuất”, một nguồn tin trong ngành cho biết thêm.

Diệp Thảo/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-184-post1192783.vov
Zalo