Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 16/5
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 16/5/2025.
Nga và Ukraine “lệch pha” trong đàm phán, Mỹ đối mặt thách thức lớn: Trong khi cộng đồng quốc tế đang mong ngóng cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/5, Tổng thống Putin đã gửi thông điệp rõ ràng, Nga đang giành lợi thế trên chiến trường vì vậy cần phải được đáp ứng các điều khoản mà nước này đưa ra.

Lực lượng Nga đang giành lợi thế trên chiến trường. Ảnh, đồ họa: RT.
Bà Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie về Âu Á của Nga cho biết, Tổng thống Putin đã dự đoán rằng các tuyến phòng thủ của Ukraine sẽ sụp đổ sau khi suy yếu dần.
Tổng thống Nga Putin không đến Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán với ông Zelensky: Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông sẽ không đàm phán với bất kỳ ai ngoài ông Putin.
Thế giới kỳ vọng về một cuộc đàm phán trực tiếp nói chung giữa Nga và Ukraine và một cuộc gặp trực tiếp nói riêng giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky nhằm tạo đột phá trong chấm dứt cuộc xung đột vũ trang giữa 2 nước. Tuy nhiên, thông tin từ phía Nga cho hay, ông Putin sẽ không đi Thổ Nhĩ Kỳ để dự đàm phán trực tiếp với phía Ukraine.
Hôm 14/5 điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Putin sẽ không trực tiếp dự đàm phán hòa bình với Ukraine, mà thay vào đó, Nga sẽ gửi Cố vấn tổng thống của Putin, Vladimir Medinsky, và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tới dự hòa đàm ở Istanbul.
Ngoại trưởng Nga sẽ không tham gia đàm phán hòa bình về Ukraine ở Istanbul: Ông Sergey Lavrov sẽ không tham gia vòng đàm phán Nga - Ukraine có thể diễn ra vào ngày 15/5 tại Istanbul, kênh truyền thông Nga Kommersant dẫn nguồn giấu tên đưa tin ngày 14/5.
Trước đó, tờ Washington Post dẫn lời một cựu quan chức Nga cho biết, Ngoại trưởng Lavrov cùng cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin - ông Yuri Ushakov sẽ đại diện cho Moscow tại cuộc đàm phán.
Nga tách biệt hai vấn đề khôi phục quan hệ với Mỹ và giải quyết xung đột Ukraine: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 14/5 khẳng định, việc khôi phục đối thoại giữa Nga và Mỹ không nên bị nhầm lẫn hay gắn liền với tiến trình giải quyết xung đột Ukraine.
Phát biểu trước báo giới ngày 14/5, ông Peskov cho biết, Nga hiện đang tập trung vào việc khôi phục quan hệ và thiết lập lại đối thoại với Mỹ. Trong khi đó, vấn đề giải quyết xung đột Ukraine và việc đảm bảo các lợi ích quốc gia của Nga là một chủ đề riêng biệt. Hai quá trình này không phụ thuộc lẫn nhau.
Tuyên bố được đưa ra để trả lời câu hỏi, liệu việc khôi phục quan hệ với Mỹ có phải là ưu tiên cấp thiết hơn so với nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine hay không.
Nga thay đổi chiến lược khi đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine: Tổng thống Putin dường như đang chơi nước cờ cao tay khi đề xuất tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5.
Sau thời gian dài xem xét lời kêu gọi của Ukraine và Mỹ về lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày, nhà lãnh đạo Nga đã đề xuất các cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Ukraine và Nga tại Istanbul - điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiệt tình ủng hộ.
Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập dự án phân tích chính trị R. Politik nhận định: "Mục đích của Nga có thể là ngăn chặn phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, tận dụng sự suy yếu về vị thế của ông Zelensky. Ngoài ra, Moscow nhiều khả năng muốn Ukraine dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán với Nga, điều này sẽ cho phép sự tiếp cận rộng rãi hơn. Tổng thống Putin dường như nhận thức được rằng, với tình trạng hiện tại Ukraine rất khó đồng ý với các điều khoản của Nga”.
EU thông qua gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga: Ngày 14/5, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý thông qua gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga, chủ yếu tập trung vào việc hạn chế nước này xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Trong một thông cáo, EU cho biết đã thông qua gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga, bao gồm các biện pháp nhắm vào “hạm đội bóng đêm” vận chuyển nguồn tài nguyên nhiên liệu hóa thạch của Moscow đến châu Âu.
Cụ thể, lệnh trừng phạt mới này sẽ liên quan đến hơn 200 tàu vận chuyển của Nga và khoảng ba mươi thực thể bị cáo buộc giúp Moscow lách các lệnh trừng phạt đã được áp dụng. EU nhấn mạnh hiện đang theo dõi khoảng 345 tàu được cho là của Nga, chủ yếu là các tàu cũ và không được đăng ký, hoạt động ở khu vực Biển Baltic.