Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 16/2

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 16/2/2025.

Nga tố Ukraine dàn dựng vụ tấn công nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Nga ngày 14/2 cho biết, cáo buộc của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng máy bay không người lái Nga tấn công nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là “một hành động khiêu khích”, được Kiev dàn dựng nhằm thúc giục phương Tây gửi thêm viện trợ.

Trước đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố một máy bay không người lái của Nga đã gây ra thiệt hại đáng kể cho phần vòm nhà máy Chernobyl, nhưng mức độ bức xạ vẫn bình thường. Vụ việc xảy ra khi các quan chức cấp cao của Mỹ, Ukraine và châu Âu tập trung tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) để thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine.

Bình luận về cáo buộc của ông Zelensky, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Kiev dàn dựng vụ tấn công bằng máy bay không người lái trùng với hội nghị Munich, như một phần của nỗ lực vận động hành lang nhằm tìm kiếm thêm vũ khí và tiền từ phương Tây.

Lính Ukraine trên khẩu pháo tự hành, ở khu vực Sumy, giáp tỉnh Kursk của Nga, ngày 11/8/2024. Ảnh: Reuters

Lính Ukraine trên khẩu pháo tự hành, ở khu vực Sumy, giáp tỉnh Kursk của Nga, ngày 11/8/2024. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine đặt điều kiện đàm phán với ông Putin. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 14/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, Tổng thống Putin là quan chức Nga duy nhất mà ông sẵn sàng đàm phán. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng loại trừ bất kỳ hình thức nào có sự tham gia của các đại diện khác của Moscow.

Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, sau khi Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một kế hoạch chung, ông sẽ ngồi lại với Tổng thống Putin và chấm dứt xung đột. Ngoài ra, ông sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận thỏa hiệp nào và bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đứng về phía Ukraine và thực sự giúp nước này thay vì chỉ là một bên trung gian.

Theo người đứng đầu Ukraine, một thỏa thuận hòa bình chỉ có thể là về kế hoạch chấm dứt xung đột và phải được Ukraine và Tổng thống Donald Trump ủng hộ. "Không thể ký một thỏa thuận hòa bình ở Munich vì đó là Munich. Chúng tôi nhớ những gì đã được ký kết tại đây. Tôi không nhắc lại điều đó", ông Zelensky nói thêm, đề cập tới cuộc họp ở Munich khi Đức, Anh, Pháp và Italia đi đến một thỏa thuận cho phép Đức sáp nhập Sudetenland.

Tổng thống Ukraine từ chối ký thỏa thuận trao đổi đất hiếm với Mỹ. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X hôm 14/2, nhà báo Josh Rogin của tờ Washington Post tiết lộ: “Nhiều quan chức ở Munich nói với tôi rằng phái đoàn Quốc hội Mỹ đã chuyển cho ông Zelensky một văn bản mà họ muốn ông ký, trong đó trao cho Mỹ quyền đối với 50% trữ lượng khoáng sản trong tương lai của Ukraine. Nhưng ông Zelensky đã lịch sự từ chối ký văn bản này”.

Hãng Reuters, trích dẫn các thành viên giấu tên của phái đoàn Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich, cũng đưa ra thông tin tương tự. Cuộc họp giữa nhà lãnh đạo Ukraine và một nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ được cho là kéo dài trong 90 phút.

Theo hãng tin này, ông Zelensky "cảm thấy mình bị yêu cầu một cách vô lý để ký vào văn bản mà ông chưa có cơ hội đọc”. Hai nguồn tin mô tả đề xuất này là “một chiều”, và Kiev vẫn cần phải nghiên cứu "một số chi tiết".

Châu Âu âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch ở Ukraine. Lo lắng Mỹ sẽ dành ưu tiên cho những nơi khác trên thế giới, một nhóm các nước châu Âu đã âm thầm xây dựng kế hoạch đưa quân vào Ukraine để giúp thực thi bất kỳ giải pháp hòa bình nào trong tương lai với Nga.

Anh và Pháp đi đầu trong nỗ lực này, dù chưa có nhiều thông tin cụ thể được tiết lộ. Các quốc gia tham gia vào quá trình không muốn để lộ ý định và mang lại lợi thế cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu Moscow đồng ý đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột.

"Tôi sẽ không đi sâu vào các khả năng cụ thể, nhưng tôi đồng ý rằng, nếu tiến tới hòa bình thì cần có một số bảo đảm an ninh cho Ukraine, và Vương quốc Anh sẽ đóng một vai trò trong đó", Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết trong bài phát biểu ngày 13/2.

Ông Zelensky thừa nhận Ukraine 'khó tồn tại' nếu Mỹ không hỗ trợ quân sự. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận Ukraine rất khó tồn tại nếu thiếu sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ trong cuộc phỏng vấn mới nhất.

Trả lời phỏng vấn NBC News ngày 15/2 bên lề Hội nghị an ninh Munich (Đức), ông Zelensky cho rằng, Ukraine khó tồn tại trước các cuộc tấn công của Nga nếu không được Mỹ giúp đỡ về quân sự. "Có lẽ sẽ rất, rất, rất khó khăn. Đương nhiên, trong mọi tình huống khó khăn, bạn vẫn có cơ hội. Nhưng chúng tôi sẽ có rất ít cơ hội để tồn tại nếu thiếu sự ủng hộ của Mỹ. Tôi tin đó là điều rất quan trọng", Tổng thống Zelensky nói và nhấn mạnh không muốn nghĩ đến việc chiến đấu với Nga mà không được Mỹ hỗ trợ và viễn cảnh không còn là đối tác chiến lược của Washington nữa.

Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-162-post1154988.vov
Zalo