Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 1/7
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 1/7/2025.
“Bóng mây” kinh tế phủ bóng chiến trường, Nga nỗ lực duy trì đà tiến ở Ukraine. Bức tranh kinh tế của Nga đang lộ nhiều dấu hiệu không mấy khả quan giữa lúc các lực lượng Moscow đẩy nhanh đà tiến trong chiến dịch tấn công mùa hè năm nay.
Điện Kremlin nhiều lần khẳng định chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi toàn bộ các vùng Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson được kiểm soát hoàn toàn. Hiện Nga đã kiểm soát phần lớn các khu vực này, ngoại trừ một số khu vực ở Luhansk.
Tuy nhiên, với tốc độ hiện tại, mục tiêu này có thể mất nhiều năm để hoàn thành. Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền Trump được cho là ít mặn mà hơn với việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, xung đột có thể kéo dài ít nhất đến cuối năm 2025 và sang năm 2026.
Nga biến pháo hạm AK-306 thành lá chắn mặt đất ở miền Nam Ukraine. Theo các tài khoản tình báo nguồn mở được chia sẻ trên mạng xã hội, Nga đã bắt đầu triển khai pháo hạm AK-306 như một vị trí khai hỏa cố định tại các khu vực chiếm đóng ở miền Nam Ukraine.
AK-306 là loại pháo hạm tự động cỡ nòng 30mm, 6 nòng xoay, vốn được lắp đặt trên các tàu chiến cỡ nhỏ và vừa của Hải quân Nga. Đây là phiên bản nhẹ hơn của hệ thống AK-630, chủ yếu được sử dụng để phòng không tầm gần.

Nga không kích thành phố Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters
Chiến dịch mùa hè: Nga phá kỷ lục tấn công, vì sao vẫn đột phá chậm? Chiến dịch tấn công mùa hè của Nga tại Ukraine đang chững lại chỉ vài tuần sau khi bắt đầu, mặc dù các cuộc giao tranh diễn ra không ngừng nghỉ trên nhiều mặt trận.
Phân tích dữ liệu của Telegraph cho thấy Moscow đang trên đà phá vỡ kỷ lục của chính nước này về các hoạt động tấn công vào tháng 6/2025. Dù vậy điều này vẫn chưa chuyển thành những đột phá quyết định trên chiến trường.
Ukraine rút khỏi công ước về cấm mìn sát thương cá nhân. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 29/6 cho biết ông đã ký sắc lệnh rút Ukraine khỏi Công ước Ottawa về cấm sản xuất và sử dụng mìn sát thương cá nhân như một bước đi cần thiết trước các chiến thuật của Nga trong cuộc xung đột kéo dài 40 tháng qua.
Ukraine đã phê chuẩn công ước này từ năm 2005. Một số quốc gia láng giềng của Nga, đáng chú ý là Phần Lan, Ba Lan và 3 nước vùng Baltic từng thuộc Liên Xô là Estonia, Latvia và Litva đã rút hoặc bày tỏ ý định sẽ rút khỏi công ước.
Nga không kích cực lớn, một phi công lái F-16 của Ukraine thiệt mạng. Nga đã tiến hành cuộc không kích lớn nhất nhằm vào Ukraine trong đêm, một quan chức Ukraine cho biết hôm 29/6, đánh dấu động thái leo thang mới và khiến cho hy vọng về bước đột phá trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua trở nên xa vời.
Theo lực lượng không quân Ukraine, Nga đã phóng tổng cộng 537 vũ khí từ trên không, bao gồm 477 máy bay không người lái và mồi nhử, cùng 60 tên lửa. Ông Yuriy Ihnat - Người phát ngôn của không quân Ukraine cho biết, đây là “cuộc không kích quy mô lớn nhất” kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Slovakia coi đối thoại với Nga là cần thiết cho sự ổn định của châu Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Blanár nhấn mạnh, xung đột giữa Nga và Ukraine không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ngày 29/6, Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Blanár tuyên bố, việc đối thoại với Nga là cần thiết để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Lập trường này tiếp tục cho thấy sự chia rẽ giữa Slovakia và phần lớn các nước Liên minh châu Âu (EU) về cách tiếp cận trong quan hệ với Nga.
Bộ trưởng Blanár cũng kêu gọi châu Âu đối thoại với Nga, đồng thời cho rằng việc cô lập Nga không mang lại giải pháp bền vững, thay vào đó, hợp tác với Moscow là con đường cần thiết để khôi phục sự ổn định ở châu Âu.
Vì sao Nga không nhiệt tình viện trợ cho Iran sau vụ tập kích của Mỹ? Nga dành nhiều sự ủng hộ tinh thần cho Iran sau khi Iran bị Mỹ tập kích dữ dội vào ngày 22/6/2025. Tuy nhiên, Nga không cung cấp những viện trợ quân sự đáng kể cho Iran để đối phó Mỹ và Israel. Điều này có nhiều nguyên nhân…
Một mặt, xung đột Israel - Iran (với sự tham gia của Mỹ sau đó) đã làm giảm áp lực lên Nga trong xung đột vũ trang với Ukraine. Trên thực tế, Moscow đã tận dụng lúc thế giới hướng sự chú ý sang xung đột Iran - Israel để gia tăng tấn công các mục tiêu ở Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng có thể đã tính đến tình huống Iran phong tỏa eo biển Hormuz khiến giá dầu toàn cầu tăng cao theo hướng có lợi cho Nga - một nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Nga kêu gọi Ukraine giải ngũ binh sĩ, Kiev vẫn tuyển thêm quân. Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, Vasily Nebenzya, tuyên bố Ukraine phải dừng chiến dịch động viên lực lượng dự bị vào quân đội và bắt đầu cho các quân nhân giải ngũ để thể hiện sự nghiêm túc trong ý định đàm phán.
Nga nâng cấp máy bay không người lái Shahed, dùng chiến thuật đặc biệt ở Ukraine. Với chi phí thấp, tầm bay xa và khả năng tải trọng lớn, loại UAV này được Nga sử dụng rộng rãi trong các cuộc tấn công chiến thuật lẫn tấn công tầm xa ở Ukraine.
Chiếc Shahed-136 do Iran phát triển – còn được Nga gọi là Geran-2 – ngày càng xuất hiện nhiều trên chiến trường hiện đại. Tuy nhiên, trước những tiến bộ rõ rệt trong khả năng phòng không và tác chiến điện tử của Ukraine, Nga buộc phải nâng cấp Shahed và thay đổi cách sử dụng trên chiến trường.