Điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng:Sức bật từ hiện tượng phim 'Địa đạo'
'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' - bộ phim truyện về những ngày hào hùng và bi tráng nơi địa đạo Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đang tạo nên hiện tượng trong đời sống điện ảnh.
Tác phẩm không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao mà còn được công chúng đón nhận nồng nhiệt, đạt nhiều ấn tượng phòng vé. Điều này mở ra hy vọng mới cho điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng bật lên mạnh mẽ.
Tự hào với “bom tấn” rạp Việt

Một cảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Ảnh: ĐPCC
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên viết kịch bản và đạo diễn, HK Film sản xuất và Galaxy Studio phát hành, là tác phẩm điện ảnh chủ lực hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước hòa bình thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025). Phim lấy bối cảnh năm 1967, chiến tranh Việt Nam ngày càng khốc liệt. Đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông trở thành mục tiêu tìm và diệt số 1 của quân đội Mỹ khi nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược mới đến ẩn náu tại căn cứ.
Bộ phim chính thức khởi chiếu từ ngày 4-4 tại hệ thống rạp trên toàn quốc. Song, ngay trước suất chiếu sớm vào 19h ngày 2-4, phim đã tạo “sóng” khi bán được 60.000 vé. Tác phẩm cũng lên thẳng tốp 1 doanh thu rạp Việt trong ngày đầu tiên, đạt 11,5 tỷ đồng (theo Boxoffice Vietnam). Màn khởi đầu này không chỉ khẳng định sức hút mãnh liệt của bộ phim mà còn là dấu hiệu cho thấy, đây là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt “bom tấn” trong năm nay.
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” thành công vượt trội bởi đưa người xem bước vào cuộc chiến và đời sống thường nhật của những du kích trong lòng địa đạo Củ Chi - căn cứ địa cách mạng kiên trung trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sự diễn xuất nhập vai ở mức xả thân của các diễn viên Thái Hòa, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh… hay Nghệ sĩ ưu tú Cao Minh, đã đem lại hình ảnh chân thật về du kích Củ Chi năm nào. Không chỉ khai thác yếu tố chiến tranh căng thẳng, phim còn khắc họa tình đồng đội, lòng yêu nước và tinh thần quật cường xúc động. Tác phẩm huy động được nhiều vũ khí hạng nặng mà Mỹ đã dùng trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thời đó nên những pha đọ sức giữa đội quân nhà nghề của Mỹ và những du kích Củ Chi “chân trần chí thép” thuyết phục, lôi cuốn. Âm thanh, âm nhạc, hiệu ứng khói lửa cùng các kỹ xảo điện ảnh hòa quyện vô cùng xuất sắc, khiến khán giả mãn nhãn, mãn nhĩ.
Thưởng thức “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú bày tỏ: “Từ hình mẫu nhân chứng còn sống là những cựu chiến binh và những câu chuyện thuộc về ký ức hào hùng đã tìm hiểu, tác giả kịch bản và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể bằng hiện thực màn ảnh câu chuyện đầy bi tráng, mà nhiều phân đoạn làm khán giả khóc, cười; nhiều phân đoạn làm khán giả nghẹt thở vì hồi hộp, gay cấn”. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhận định: “Điểm đặc biệt trong phim là yếu tố đời sống cũng mạnh tương đương với sự khốc liệt của chiến trận. Những chi tiết nhỏ của mưu cầu cuộc sống đời thường được lồng ghép duyên dáng, hài hước vừa đủ và cũng cảm động”.
Rộng đường cho phim chiến tranh cách mạng
Hiện tượng “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” gợi nhắc đến cơn “sốt” phim “Đào, phở và piano” hồi năm 2024 với hàng dài khán giả trẻ xếp hàng mua vé. Bởi vậy, không thể nói rằng, phim về đề tài chiến tranh cách mạng là khô khan, khó có sức hút.

Diễn viên chính Thái Hòa trong vai Bảy Theo là chỉ huy của đội du kích tại căn cứ Bình An Đông. Ảnh: ĐPCC
Nhưng để làm được một bộ phim điện ảnh đề tài này thành công không hề đơn giản. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tâm sự, ông đã nung nấu thực hiện dự án này 11 năm, kể từ ngày làm một bộ phim ngắn 3D về địa đạo Củ Chi năm 2014. Đạo diễn đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện với các cựu du kích Củ Chi. Đoàn làm phim mất 12 tháng để chuẩn bị và 12 tháng quay phim, hoàn thiện tác phẩm. Việc chuẩn bị bối cảnh tốn khá nhiều thời gian, trong đó có việc tạo nên một lòng địa đạo lớn để có thể quay được những phân đoạn diễn tả cả cảnh sinh hoạt đời thường và những pha chiến đấu gay cấn, sinh tử của những chiến sĩ du kích Củ Chi. Khi hóa thân vào du kích Củ Chi gan dạ, quả cảm, không ngại hy sinh bấy giờ, các diễn viên đã phải siết cân và trải qua hai tháng huấn luyện khắc nghiệt tại thao trường về chính trị và nghiệp vụ quân sự.
Đặc biệt, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là phim truyện đầu tiên về đề tài chiến tranh cách mạng không sử dụng ngân sách nhà nước. Doanh nhân Nguyễn Thành Nam, thành viên góp kinh phí làm phim này chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn góp phần để giới trẻ quan tâm, tìm hiểu và suy ngẫm về chiến tranh Việt Nam đồng thời giới thiệu cho cộng đồng quốc tế một góc nhìn đúng về chiến tranh Việt Nam. Nếu phim thành công về mặt thương mại sẽ tạo hứng thú tiếp cho các nhà đầu tư đối với phim về đề tài chiến tranh cách mạng”.
Hiệu ứng lan tỏa của bộ phim còn ở chiến lược truyền thông bài bản, khoa học, tạo nên “làn sóng” thúc giục xem phim trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Ngay cả việc cài đặt để mỗi chỗ ngồi được đặt vé hiện lên biểu tượng cờ đỏ sao vàng, tạo nên những hình ảnh rực rỡ trên các nền tảng, khơi dậy niềm tự hào nơi khán giả.
Sắp tới, mảng đề tài chiến tranh cách mạng còn bộ phim “Mưa đỏ” của đạo diễn Đặng Thái Huyền, do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, về 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, dự kiến ra mắt vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đây cũng là tác phẩm được đầu tư lớn, công phu nên cũng được kỳ vọng ghi dấu ấn trong nền điện ảnh Việt, góp phần tạo nên sự bứt phá của phim về đề tài chiến tranh cách mạng.