Điểm yếu khiến hệ thống Patriot và SAMP-T 'bất lực' trước tên lửa Oreshnik

Các chuyên gia quân sự đã chỉ ra những yếu tố khiến các hệ thống phòng không Patriot và SAMP-T mà Ukraine tiếp nhận của phương Tây không phải là đối thủ của Oreshnik.

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi vừa tiết lộ, nước này đang nỗ lực phát triển hệ thống tên lửa và phòng không để đối phó với tên lửa Oreshnik của Nga.

Mảnh vỡ tên lửa đạn đạo Oreshnik được trưng bày hôm 24/11. Ảnh: Reuters

Mảnh vỡ tên lửa đạn đạo Oreshnik được trưng bày hôm 24/11. Ảnh: Reuters

Phát biểu với báo chí, ông Syrskyi thừa nhận thách thức mà tên lửa Oreshnik đặt ra, cho đây là "mối đe dọa lớn mà hiện tại chỉ có một số ít hệ thống phòng không trên thế giới có khả năng đánh chặn". Ông Syrskyi nhấn mạnh rằng, Ukraine vẫn chưa sở hữu các hệ thống tiên tiến như vậy, đồng thời nêu bật tính cấp thiết của việc mua hoặc phát triển những hệ thống đối phó.

"Chúng tôi buộc phải tạo ra một hệ thống mang tính quốc gia. Hệ thống này không chỉ đóng vai trò phòng không mà còn là hệ thống phòng thủ tên lửa. Điều này thúc đẩy chúng tôi tích cực đàm phán với các đồng minh của mình để tiếp nhận hoặc phát triển những hệ thống như vậy. Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận thấy sự cần thiết phải phát triển một hệ thống tên lửa hiện đại có thể đóng vai trò răn đe đối với Nga”.

Khi được hỏi liệu Ukraine mới chỉ lên kế hoạch hay đã bắt tay vào việc phát triển các hệ thống tên lửa và phòng không này, ông Syrskyi khẳng định: "Công việc đang được tiến hành tích cực. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ sớm đạt được kết quả mong muốn”.

Ông Syrskyi cho biết thêm, chỉ một số ít hệ thống phòng thủ có thể đánh chặn Oreshnik nhưng Kiev hiện không có hệ thống nay. Nhưng ông nói rằng "vào thời Liên Xô, Ukraine đã sản xuất tất cả các hệ thống điều khiển cho các hệ thống phòng không".

Ukraine đang phải gồng mình chống chọi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Nước này đã liên tục hối thúc các đối tác phương Tây viện trợ thêm vũ khí và thiết bị, trong đó có hệ thống phòng không Patriot PAC-3 và các hệ thống khác như hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa SAMP-T.

Hạn chế của Patriot và SAMP-T

Giới phân tích cho rằng, dù được coi là những hệ thống phòng không mạnh mẽ, nhưng Patriot và SAMP-T vẫn không phải là đối thủ của Oreshnik. Việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung như Oreshnik vốn mang nhiều đầu đạn, đòi hỏi những công nghệ chuyên dụng mà Ukraine và hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại đều không có.

Hệ thống phòng không Patriot và SAMP-T được cho là hoạt động khá hiệu quả ở Ukraine, đánh chặn thành công nhiều mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, Defense Express lưu ý, tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik của Nga có thể nằm ngoài tầm bắn của chúng. Theo thông tin của một số hãng truyền thông, mỗi hệ thống phòng không đều được thiết kế với mục đích cụ thể. Patriot PAC-3 và SAMP-T không thể đánh chặn tên lửa Oreshnik vì chúng được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo tầm ngắn thay vì tên lửa tầm trung hoặc tầm xa.

Hạn chế chính của chúng nằm ở chỗ không có khả năng tấn công các mục tiêu di chuyển với tốc độ nhanh và độ cao cực lớn, chẳng hạn như giai đoạn giữa chuyến bay của tên lửa tầm trung, xảy ra ở độ cao trên 100 km trong không gian. Tốc độ tái nhập bầu khí quyển của tên lửa tầm trung có thể đạt 3 đến 4 km/giây còn tên lửa liên lục địa lên tới 7 km/giây.

Mặc dù về mặt lý thuyết, Patriot và SAMP-T có thể nhắm mục tiêu vào tên lửa trong quá trình tái nhập khí quyển, nhưng hiệu quả của chúng bị hạn chế, đặc biệt là đối với những tên lửa như Oreshnik vốn triển khai nhiều đầu đạn và mồi nhử độc lập. Trước những cuộc tấn công có hàng chục mục tiêu, trong đó có cả đầu đạn giả lẫn đầu đạn thật, các hệ thống phòng không khó có thể bắn hạ tất cả mục tiêu cùng một lúc.

"Vấn đề chính là tên lửa Oreshnik có các đầu đạn riêng biệt với hệ thống dẫn đường riêng lẻ. Ước tính, tên lửa có thể mang theo sáu đầu đạn và mồi nhử. Video về cuộc tấn công của Nga vào khu vực Dnipro ngày 21/11/2024 cho thấy, có 6 vật thể rơi xuống khu vực này, nhưng chỉ có một vài vật thể là đầu đạn thật, còn lại là mồi nhử", Defense Express giải thích.

Việc tích hợp cho tên lửa cả mồi nhử và đầu đạn thật không phải là khái niệm mới lạ. Công nghệ này lần đầu được sử dụng cho tên lửa Minuteman III của Mỹ vào những năm 1970, sau đó Liên Xô đã áp dụng cách thức tương tự. Mặc dù đây là công nghệ cũ những vẫn rất hiệu quả vì nó làm tăng đáng kể số lượng mục tiêu cần đánh chặn. Ngay cả các hệ thống tiên tiến như THAAD, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung ở tầng khí quyển trên hoặc gần không gian, cũng phải đối mặt với những hạn chế lớn khi tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.

Cách thức tốt nhất để đối phó với những tên lửa như vậy là phá hủy chúng trước khi đầu đạn của tên lửa tách ra, nhắm vào một mục tiêu duy nhất thay vì nhiều mục tiêu. Hiện tại, chỉ có tên lửa SM-3, được triển khai trên các tàu trang bị hệ thống đánh chặn Aegis hoặc hệ thống Aegis Ashore trên đất liền, mới có khả năng này. Tuy nhiên, việc sản xuất và triển khai tên lửa SM-3 vẫn khá hạn chế.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Defense Express

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/diem-yeu-khien-he-thong-patriot-va-samp-t-bat-luc-truoc-ten-lua-oreshnik-post1150172.vov
Zalo