'Diễm xưa' rồi, Halal không chỉ là không thịt lợn, không rượu bia

Halal hiện có nghĩa là an toàn thực phẩm, sạch sẽ và sử dụng các phương pháp tinh vi để tránh các sản phẩm có hại.

Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim thăm một gian hàng tại Triển lãm Halal quốc tế Malaysia lần thứ 20 tại MITEC ngày 17/9. (Nguồn: Malay Mail)

Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim thăm một gian hàng tại Triển lãm Halal quốc tế Malaysia lần thứ 20 tại MITEC ngày 17/9. (Nguồn: Malay Mail)

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh điều đó trong phát biểu khai mạc Triển lãm Halal quốc tế Malaysia 2024 tại Trung tâm triển lãm thương mại quốc tế Malaysia (MITEC),thủ đô Kuala Lumpur vào hôm nay, 17/9.

Theo ông, tình trạng Halal không còn đơn thuần có nghĩa là thực phẩm hoặc đồ uống đó không chứa thịt lợn hay rượu bia.

Định nghĩa về Halal đã phát triển trong vài thập kỷ qua, mở rộng ra ngoài phạm vi tránh những thực phẩm không được phép. “Quan điểm truyền thống về Halal không còn nữa”, Thủ tướng Anwar khẳng định. “Ngày nay, Halal còn có nghĩa là (thực phẩm) an toàn, sạch sẽ và sử dụng các phương pháp tinh vi để tránh các sản phẩm có hại”.

Các sản phẩm Halal có thể cạnh tranh trên toàn cầu vì chứng nhận này đòi hỏi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn so với các tiêu chuẩn được chấp nhận chung trên toàn thế giới.

Cũng theo nhà lãnh đạo Malaysia, việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal không chỉ có lợi cho các tín đồ Hồi giáo mà còn cho tất cả mọi người theo các tín ngưỡng khác.

“Khi chúng ta nói về Halal, chúng ta không chỉ thảo luận từ góc độ Hồi giáo”, ông nhấn mạnh. Halal “phục vụ lợi ích của tất cả người Malaysia mà không phân biệt đối xử”.

Ông dẫn chứng, Triển lãm Halal quốc tế Malaysia 2024 chứng kiến sự tham gia của những người Malaysia theo các tôn giáo khác nhau như Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo và Phật giáo, cùng nhau làm việc để đảm bảo sự thành công của ngành công nghiệp Halal.

Trong khi đó, Bộ trưởng Đầu tư, thương mại và công nghiệp (MITI) Tengku Zafrul Aziz cho biết, Malaysia đặt mục tiêu đạt 75 tỷ Ringgit (khoảng 17,6 tỷ USD) giá trị xuất khẩu Halal, hoặc 11% Tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2030.

Năm ngoái, xuất khẩu Halal đạt tổng cộng là 55 tỷ Ringgit (12,9 tỷ USD), trong đó thực phẩm và đồ uống Halal chiếm 29,4 tỷ Ringgit (6,9 tỷ USD), đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á 34 triệu dân này.

Theo ông Reezal Merican Naina Merican, người đứng đầu Cơ quan Xúc tiến thương mại Malaysia (MATRADE), giá trị hiện tại của ngành công nghiệp Halal là 3,5 nghìn tỷ USD, với kỳ vọng sẽ tăng lên 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Do MATRADE và MITI đồng tổ chức, Triển lãm Halal quốc tế Malaysia 2024 với chủ đề “Toàn cầu hóa các sáng kiến Halal” diễn ra từ ngày 17-20/9, thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đơn vị trưng bày đến từ hơn 66 quốc gia.

Malaysia, với hơn 60% dân số theo Hồi giáo, là một trong những quốc gia lớn nhất trên thị trường Halal và đi đầu trong ngành chứng nhận Halal mà nước này tiên phong vào năm 2007.

Triển lãm Halal quốc tế Malaysia bắt đầu triển khai vào năm 2004, nơi quy tụ các doanh nghiệp thúc đẩy thương mại Halal và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Halal toàn cầu.

Hoàng Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-xua-roi-halal-khong-chi-la-khong-thit-lon-khong-ruou-bia-286689.html
Zalo